Xã hội

Chùa Ba Vàng dùng tiền để giải nghiệp là thương mại hóa bất chính, lừa đảo

21/03/2019, 14:16

Đại diện Hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, giáo lý của Phật không có chuyện gọi vong, càng không cho phép thu tiền từ dịch vụ đó.

img
Đại diện Hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, giáo lý của Phật không có chuyện gọi vong, càng không cho phép thu tiền từ dịch vụ đó

Dùng tiền để giải nghiệp là mánh khóe, lừa đảo

Bài rao giảng của bà Phạm Thị Yến, một phật tử chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) trong đó xúc phạm vong linh nữ sinh giao gà ở Điện Biên bị hiếp, giết đã gây phẫn nộ cộng đồng và những người tu hành đạo phật chân chính.

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông cho biết từng biết việc chùa Ba Vàng truyền bá về vong, oan hồn nhưng không biết có chuyện thu tiền công đức. Ông khẳng định giáo lý nhà Phật không có chuyện gọi vong. “Giáo hội sẽ xem xét, nếu nghi lễ nào không đúng đắn sẽ chấn chỉnh”, Hòa thượng Thích Gia Quang nói.

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo cũng xác nhận: “Không có chuyện vong báo oán, đó là bịa đặt”. Ông Tuấn giải thích: Phật giáo có quan niệm về luân hồi nghiệp báo, làm việc xấu tạo quả xấu. Tuy nhiên, tinh thần Phật giáo quan niệm con người có thể thay đổi được nghiệp nhiều hay ít, dựa vào tích đức, hành thiện chứ hoàn toàn không phải việc bỏ tiền ra là được bình an. Do đó, bỏ tiền ra để hóa giải nghiệp chướng, hay để vong không báo oán là hành vi mù quáng. Nếu thu tiền để giải trừ vong đòi nợ là hành vi thương mại hóa bất chính, đánh vào tâm lý của con người để trục lợi, thậm chí lừa đảo.

Theo nhà phong thủy Lương Ngọc Huỳnh, trong đạo giáo cũng có chuyện gọi hồn giải nghiệp, tuy nhiên cách giải nghiệp thì không giống như ở chùa Ba Vàng và không có chuyện tiền đổ vào là giải được nghiệp. "Đây là một sự dối trá, dùng mánh khóe để kinh doanh tâm linh", ông Huỳnh khẳng định.

Ông Huỳnh cũng nhận định: Gần đây việc dùng chùa để kinh doanh tâm linh không còn xa lạ. Lợi dụng kẽ hở luật pháp và sự dễ dãi trong quản lý tín ngưỡng, đặc biệt là Phật Giáo, các doanh nghiệp thi nhau xây chùa ở khắp mọi miền. Thậm chí có những nơi, ngân sách bỏ tiền ra góp tiền xây "quần thể chùa", nhưng tiền thì doanh nghiệp thu và thuế không phải đóng. "Chùa để thanh tịnh, tĩnh tâm gạt bỏ ưu phiền, chứ không phải đến đó vì tham vì sân vì si", ông Huỳnh nói.

Đạo phật không ăn miếng trả miếng

Trao đổi với PV Báo Giao thông về nội dung bà Yến nói về nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên, một sư thầy trụ trì tại một chùa ở Hải Dương bức xúc: "Không thể giải thích như vậy được. Đạo phật là hướng tới cái chân thiện mỹ. Đạo phật giáo hóa, chuyển hóa con người. Cứ ăn miếng, trả miếng thì ý nghĩa giáo hóa trong đạo phật ở chỗ nào?”

Theo vị sư thày này, đạo Phật dạy con người ta có cảm xúc, cảm xúc của Phật phải là cảm xúc của sự tinh tế; quản lý, kiểm soát được cảm xúc của bản thân mình.

Còn về "giải oan nghiệp chướng", theo sư thày, cụm từ này xuất phát từ mấy thầy đồng xem bói, nhờ các sư làm lễ cắt kết giải oan, cầu siêu tịnh độ, giải trừ oan khổ cho tất cả các vong linh nhiều đời được siêu thoát, để con cháu nơi trần thế được an lạc, thái bình. Trên danh nghĩa cắt kết giải thích oan kết, là phương pháp giải quyết như thế nào, cách sống ra làm sao? Điều này dựa trên triết lý thượng tầng của Triết học, giải quyết nguyên nhân và đưa ra phương pháp hành động. Nhưng về tín ngưỡng tâm linh thì họ lại coi là giải oan, rút kinh nghiệm cái quá khứ, chứ làm sao có thể làm khóa lễ mà giải được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.