Chất lượng sống

Chưa biết quản rượu tự nấu, pha chế kiểu gì

26/03/2017, 08:05

Nhận định trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol - Thực trạng và giải pháp”.

25

Liên tiếp các ca ngộ độc rượu methanol nghiêm trọng diễn ra trong thời gian gần đây

Nhận định trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol - Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức sáng 23/3 tại Hà Nội.

Hành lang pháp lý đủ, nhưng vẫn bó tay

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công thương cho biết, tính đến thời điểm này, hành lang pháp lý về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, sản xuất và kinh doanh rượu được ban hành đầy đủ. Việc sản xuất kinh doanh rượu được coi là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Theo quy định của pháp luật, rượu hạn chế sản xuất kinh doanh; việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, bán buôn bán lẻ phải có phép trừ những trường hợp sản xuất bán lại cho các đơn vị thu mua để sản xuất lại. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại lượng lớn rượu trôi nổi trên thị trường, chưa được cấp phép, trong đó có loại rượu do dân tự nấu, tự pha chế, đáng ngại là loại rượu methanol, gây ngộ độc cho người sử dụng… Theo ông Cường, vì mục đích lợi nhuận, lợi dụng sự kém hiểu biết, một số cá nhân đã sử dụng cồn công nghiệp methanol độn vào để giải quyết vấn đề lợi nhuận. “Tại sao văn bản pháp luật có đủ, tác hại ngộ độc đã rõ… vậy cần đặt ra câu hỏi về vai trò quản lý của chính quyền địa phương, nếu địa phương không ra tay quyết liệt, không giải quyết được những tồn tại của rượu methanol này”, ông Cường cho hay.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương cũng thừa nhận: “Với sản xuất rượu công nghiệp đã được quản lý chặt, cái khó là quản lý rượu tự nấu, do thói quen nấu rượu của người dân VN vì mục tiêu chính là chăn nuôi chứ không bán…. Nghị định 94 có quy định về quản lý rượu làng nghề và rượu bán cho người thu mua. Tuy nhiên, với rượu tự nấu, tự pha chế (mục đích ban đầu sử dụng nội bộ) không thể quy định, chưa biết quản lý kiểu gì? Đến giờ vẫn chưa tìm ra giải pháp”. Cũng theo ông Dũng, tạm thời biện pháp, nếu có bán thì phải đăng ký… Việc kiểm soát chặt chẽ phụ thuộc nhiều ở chính quyền địa phương. Và quan trọng cần tuyên truyền để người tiêu dùng loại bỏ thói quen uống rượu không nhãn mác…

“Nếu ở châu Âu, sản xuất bán buôn không cần giấy phép thì bán lẻ phải có giấy phép còn nước ta ngược lại. Trong thời gian tới, sẽ cần sửa đổi quy định, yêu cầu tất cả các cửa hàng bán rượu phải được cấp phép. Tuy nhiên, với quy trình cấp phép đơn giản hơn nhưng tăng giám sát với mục đích chính các cơ sở bán rượu không dùng loại rượu không rõ nguồn gốc”, ông Dũng nói.

Buông lỏng kiểm soát cồn methanol

BS. Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết, những năm gần đây số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol ngày một báo động và tỷ lệ người ngộ độc tại Hà Nội rất cao. Gần đây là hàng loạt các vụ ngộ độc nghiêm trọng, khiến nhiều người tử vong và phải chịu di chứng mù lòa, tổn thương não. Tuy nhiên, các ca ngộ độc cấp như vậy mới chỉ là bề nổi, bởi chưa ai thống kê được con số những người bị ngộ độc mạn tính do dùng thường xuyên loại rượu methanol này, nó gây nên nhiều bệnh lý khác nhau. “Điều này cho thấy việc lạm dụng methanol một cách cố ý trong pha chế rượu. Lượng khá lớn các loại cồn methanol tuồn ra ngoài dùng sai mục đích cần được giải quyết”, BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

"Người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là rượu methanol, do vậy trách nhiệm cơ quan chức năng cần được thể hiện trong việc quản lý từ các khâu sản xuất, kinh doanh chứ không thể bắt người tiêu dùng thông thái được”.

BS. Nguyễn Trung Nguyên 
Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai

Đồng quan điểm về tác hại của methanol gây ra cho người sử dụng rượu, ông Nguyễn Duy Thịnh, ĐH Bách Khoa cũng cho rằng, cồn công nghiệp hiện được nhập nhiều làm dung môi các sản phẩm khác nhau, nhưng quản lý không tốt dễ lọt ra ngoài và được dùng để pha rượu, vô cùng nguy hiểm. “Cần quản lý chặt chẽ nguồn cồn công nghiệp và cồn methanol để pha rượu”, ông Thịnh đề xuất.

Một đại diện từ phía quản lý thị trường cũng cho hay, việc phát hiện hàng nghìn lít methanol tại các cơ sở chế biến rượu trong đợt kiểm tra vừa qua khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc quản lý loại hóa chất được xác định độc hại này. Mà đây chính là nguyên nhân gây nên nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đề xuất cần siết chặt quản lý trong sản xuất và tiêu thụ rượu, từ việc bổ sung hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản pháp quy, quy chuẩn, tiêu chuẩn, bà Trịnh Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam nhận định: “Cần quản lý chặt cồn công nghiệp, cồn y tế…, còn như hiện nay, cồn được bán tự do, kiểm soát quản lý buông lỏng là rất gay go!”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.