Điều tra

Chưa có chất giấm chín củ quả nào được cấp phép

07/04/2014, 09:29

"Hiện nay tại VN không có bất cứ loại thuốc hay hóa chất giấm chín củ, quả nào được cấp phép sử dụng. Về các loại thuốc trôi nổi thì không ai nắm chính xác con số cụ thể "

Vườn cà chua sử dụng thuốc giấm chín siêu tốc chủ yếu tiêu thụ tại các quận nội thành Hà Nội
Vườn cà chua sử dụng thuốc giấm chín siêu tốc chủ yếu tiêu thụ tại các quận nội thành Hà Nội


Phạt nhẹ chưa đủ sức răn đe


Vẫn theo ông Nguyễn Duy Hồng, trong các loại thuốc giấm củ quả ở VN hiện nay chỉ có Ethylene được đăng kí sử dụng nhưng lại dùng trong công nghệ kích thích mủ cao su. Thế nên bất kì loại thuốc nào dùng để giấm củ quả đều bị cấm. Còn riêng loại thuốc mà PV Báo Giao thông phát hiện tại một số đại lý vùng ven đô tiêu thụ, ông Hồng cho hay: “Những loại thuốc được phép sử dụng đều phải nằm trong danh mục đăng kí được Bộ NN&PTNT công bố hàng năm. Thuốc không có trong danh mục đăng kí sử dụng mà lưu hành trên thị trường đều là thuốc trái phép”. 
 

Về khả năng cung ứng rau an toàn (RAT), theo số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay mới đáp ứng ược 25-30% trên tổng nhu cầu tùy mùa vụ. Con số mới nhất, đến hết quý I/2014, diện tích trồng rau tại Hà Nội được giám sát về an toàn mới đạt 5.000ha, chưa đạt 1/2 diện tích trồng rau toàn TP. 

Theo ông Hồng, Chi cục Bảo vệ thực vật của một tỉnh, thành phố chỉ có quyền kiểm tra tất cả các cơ sở, cửa hiệu kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên phạm vi tỉnh đó. “Nếu các nhà báo cung cấp chính xác địa chỉ bán những lọ thuốc đó, chúng tôi sẽ cử người xuống kiểm tra ngay lập tức. Những lọ thuốc này vốn không nằm trong danh mục đăng ký sử dụng, chắc chắn chủ cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật đó sẽ bị xử phạt”, ông Hồng thông tin thêm. Tuy có lực lượng thanh tra chuyên ngành, nhưng thực tế việc kiểm tra đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, lực lượng thanh tra rất mỏng; Thứ hai, chế tài xử lí cho loại vi phạm này còn nhẹ. Ông Hồng nêu thực trạng: “Thông thường, việc xử phạt căn cứ theo trọng lượng thuốc. Do đó có phạt thì cùng lắm từ 500.000 - 1 triệu đồng, không đủ sức răn đe”.

Ông Nguyễn Duy Hồng thừa nhận: “Thông thường, chỉ khi loại thuốc ấy đã gây thiệt hại tới sản xuất hoặc gây hậu quả ảnh hưởng cho sức khỏe con người thì chúng tôi mới đem đi kiểm tra được”.

Hà Nội có lạc quan thái quá?


Từ năm 2008, báo chí đã phản ánh tình trạng sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng không rõ nguồn gốc đối với một số loại rau, trong đó có loại hóa chất “thần kỳ” theo kiểu giấm chín cà chua “siêu tốc” như PV Báo Giao thông phản ánh. Thực trạng này được phản ánh liên tục và đỉnh điểm vào giữa năm 2013, báo chí ghi nhận nhiều loại thuốc kích thích tăng trưởng rau quả được nông dân sử dụng (thúc mầm giá đỗ, giấm chuối, đu đủ...) khiến người tiêu dùng Hà Nội hoang mang. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các cơ quan chức năng của Hà Nội liên tục cho kiểm tra và công bố những thông tin lạc quan, rằng kiểm tra ngẫu nhiên hàng trăm mẫu nhưng không phát hiện rau nhiễm độc như báo chí nêu. Tất nhiên là kiểm tra ở những vùng trồng rau an toàn của TP. 


Người tiêu dùng Hà Nội chưa kịp mừng thì trong 2 tháng cuối năm 2013,  Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội và Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về môi trường (Bộ Công an) liên tiếp bắt 2 vụ vận chuyển 240.000 lọ thuốc kích thích sinh học gắn nhãn mác Trung Quốc, được đóng thành các lọ nhỏ, dung tích khoảng 2ml/lọ (tương tự loại thuốc PV Báo Giao thông phát hiện sử dụng tại vùng rau ngoại thành Hà Nội mới đây). Qua kiểm nghiệm, phát hiện hoạt chất không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại VN.


Ông Nguyễn Duy Hồng nhìn nhận, ở nước ta hiện nay có tình trạng đem một loại thuốc được sản xuất với mục đích dùng cho loại cây trồng này nhưng lại sử dụng cho loại cây trồng khác. Ví dụ như thuốc kích thích ra mủ cho cây cao su được rất nhiều người sử dụng để giấm củ quả chẳng hạn. Hiệu quả với củ quả thì rất rõ ràng. “Tuy nhiên, nếu đem đi phân tích, đánh giá độ độc và khả năng gây độc mãn tính của loại thuốc này khi đem đi dấm củ quả lại không thể làm được. Vì trong đăng ký nó chỉ sử dụng cho cây cao su”, ông Hồng nói.


Nguyễn Quý
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.