Bất động sản

Chưa có Luật Thuế Tài sản sẽ còn sốt đất

19/04/2021, 06:29

Từ 10 năm trước các chuyên gia đã đề xuất cần có Luật Thuế Tài sản để thu thuế đất của những nhà đầu cơ.

img

Luật Thuế Tài sản được kỳ vọng sẽ làm giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ và lãng phí đất đai

Tuy nhiên, đến nay luật vẫn chưa có hình hài, đây là lý do khiến đầu cơ đất ngày càng gia tăng...

Vì khoan sức dân hay vì lợi ích nhóm?

Theo ông Đặng Hùng Võ, nếu được ban hành, Luật Thuế Tài sản sẽ là công cụ chống đầu cơ đất đai, hạ giá đất và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Đây là nguồn thu bền vững, cố định vì diện tích chỉ có chừng ấy. Và nguồn thu này sẽ càng tăng khi quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh.

Tiếp nữa, theo ông Võ, “tác dụng phụ” của luật này là nếu đánh thuế cao sẽ buộc người dân cân nhắc ở đâu cho phù hợp, từ đó tạo quy luật phân bổ dân cư hợp lý. “Với tất cả những lợi ích ấy nhưng Việt Nam còn dè dặt khi áp dụng luật thuế này với lý do người dân thu nhập quá thấp, nếu nộp thêm thuế thì vượt quá sức dân”, ông Võ nói.

Cách đây tròn ba năm, khi dự án Luật Thuế Tài sản được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến hoàn thiện, ông Võ bày tỏ sự ủng hộ bởi các nước đã dùng thuế thu từ đất và tài sản gắn liền với đất để đầu tư, nâng cấp và phát triển đô thị, phát triển hạ tầng đô thị.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn chỉ trông đợi vào nguồn vốn ODA và một số nguồn khác, trong khi năm nào cũng kêu thiếu vốn. Do đó ông Võ khẳng định, về nguyên tắc, nguồn thu ngân sách phải dựa vào đất công và thuế đối với đất.

Là chuyên gia gắn với lĩnh vực đất đai suốt mấy chục năm, ông Võ cho biết, câu chuyện thuế tài sản đã được đưa ra từ năm 2000 nhưng rất nhiều lần đều không thành. Lần gần đây nhất cách đây 3 năm nhưng cũng bị đẩy lùi trở về với lý do “vượt quá sức dân”.

“Tôi e ngại không phải là lo cho dân, mà chính những người đưa ra ý kiến ấy lại là người đang nắm giữ khối lượng nhà ở đất ở rất lớn. Họ không muốn bị đánh thuế để tiếp tục nắm giữ và cũng rất muốn giá đất cao ngất ngưởng để tài sản đó lớn hơn. Nhưng không có lý gì để nói người dân không có đủ tiền để đóng khi có chính sách thu thuế hợp lý”, ông Võ nói.

Đề cập về dự Luật Thuế Tài sản thời điểm đưa ra dự thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính khi đó là ông Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, mục tiêu xây dựng luật này trước hết để tăng cường quản lý nhà nước về tài sản, tiếp đó là nâng cao hiệu quả sử dụng nhà và đất, chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công.

Thứ ba là điều tiết đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà, đất, đảm bảo những người có nhà, đất phải đưa vào khai thác, sử dụng; minh bạch trong quản lý tài sản. “Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người có thu nhập thấp”, ông Dũng khẳng định.

Đánh thuế đi kèm công khai tài sản

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, Luật Thuế Tài sản có thể đưa ra áp dụng bất kỳ lúc nào, càng sớm càng tốt. Bởi thực tế, chủ trương ban hành luật thuế này đã có từ cách đây cả chục năm và được đề cập trong các nghị quyết của T.Ư, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2012 đến nay.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), một số loại thuế đang được thực hiện có chức năng giống với thuế tài sản là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (thuế suất 0,03% với đất nằm trong hạn mức, 0,07% với diện tích đất vượt hạn mức không quá ba lần và 0,15%); Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Lệ phí trước bạ đối với nhà, đất, súng, tàu, thuyền, máy bay, mô tô và ô tô các loại (mức thu phổ thông là 2%, đặc biệt đối với nhà và đất là 0,5%). VEPR cũng cho biết, số thu thuế này có đóng góp rất khiêm tốn trong tổng thu ngân sách.

Đề xuất đối với cách thu và mức thuế suất khi tái khởi động Luật Thuế Tài sản, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, chỉ cần đặt ra quy định hạn mức diện tích của mỗi hộ gia đình tính trên đầu người.

Hạn mức có thể lấy bằng hạn mức trước đây giao đất ở của Nhà nước. Với trường hợp có diện tích dưới hạn mức thì miễn thuế, còn trên hạn mức thì mới thu. Và trước mắt chỉ cần đánh thuế đất, chưa tính nhà và tài sản trên đất.

“Nhưng đã vượt hạn mức thì phải đánh thuế cao, có thể là lũy tiến 2-3%. Đây là đánh vào đối tượng giàu, đầu cơ đất đai, đang nắm giữ lượng đất ở, nhà ở lớn. Singapore tính trường hợp cao nhất là 20%/năm. Mà họ đánh thuế theo giá thị trường chứ không phải theo bảng giá đất công bố. Giá đất tại Việt Nam cao ngất ngưởng là do đầu cơ, tích trữ quá lớn, có đất nhưng không sử dụng nên luôn luôn tạo ra tình trạng thiếu cung. Nếu cứ để tình trạng này thì chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề nhà ở cho dân”, ông Võ nói.

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, muốn thực hiện được luật thuế này cần giải quyết vấn đề bất đồng bộ giữa các bộ luật, nhất là đối với vấn đề xác định giá đất để tính thuế.

Còn đối với trở ngại về cơ sở dữ liệu đất đai, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, ngành thuế hiện vẫn lấy số liệu của văn phòng đăng ký đất đai, dữ liệu địa chính để tính thuế.

“Nhưng hiện cái yếu lại nằm ở hồ sơ địa chính và có công khai các bất động sản không. Hiện nay nhiều ý kiến, kể cả ĐBQH cũng nói không công khai. Bây giờ đến ngân hàng Thụy Sỹ cũng phải đồng ý công khai số tiền và chủ tài khoản. Vậy mà chúng ta vẫn khăng khăng tài sản bất động sản là bí mật. Đến một lúc cũng phải công khai ai có bao nhiêu nhà đất. Muốn chống tham nhũng mà không công khai thì sao chống được?”, ông Võ nói và cho rằng trước mắt nên đánh thuế theo hộ gia đình và xem xét nơi người dân cư trú thường xuyên và theo hộ khẩu, tất cả những dữ liệu này phải thật rõ ràng.

ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc hội:
Có Luật Thuế Tài sản sẽ hạn chế đầu cơ

Để giải quyết căn bản tình trạng sốt đất phải có biện pháp lâu dài, tránh tình trạng đầu cơ và buôn bán trao tay. Nếu có Luật Thuế Tài sản, những người có nhiều đất, đầu cơ đất để đấy đương nhiên hàng năm phải nộp tiền thuế cho phần đất mình sở hữu, dù anh không tạo ra giá trị, có vậy mới phần nào hạn chế việc đầu cơ.

Để giải quyết căn bản việc đầu cơ đất khiến sốt ảo như hiện nay, đầu tiên nếu không sử dụng đúng mục đích, bỏ hoang đất thì sẽ bị thu hồi; thứ 2, nếu để đất không thì cũng phải nộp tiền thuế; thứ 3 là giữa lần mua đi bán lại phải nộp thuế theo giá trị gia tăng đó.

Tuy nhiên, để thực hiện được việc này phải có hai điều kiện. Thứ nhất là thực hiện nghiêm túc đăng ký đất đai khi giao dịch; Thứ hai, việc đăng ký đất đai phải theo giá trị thực của thị trường, chứ không phải giá quy định.

Trên thế giới có rất nhiều nước thực hiện việc đánh thuế tài sản, trong đó có thuế đất. Ở Mỹ, việc đánh thuế bất động sản được giao về cho các tiểu bang và có thuế suất khác nhau do giá trị bất động sản ở các bang khác nhau và tùy quyền tự quyết của mỗi bang.

Ví dụ, thuế suất bất động sản ở bang California là hơn 1,2%/năm giá trị bất động sản (gồm nhà và đất) và trên 3% ở bang Texas.

Còn tại Canada, thuế suất cho căn nhà thứ 2 có thể lên tới 4% giá trị. Hay người mua bất động sản ở Singapore phải chịu thuế 3% và sẽ phải trả thuế thêm 7% giá trị cho ngôi nhà mua thứ hai trở đi, tức người mua có quốc tịch Singapore sẽ phải trả tổng cộng 10% giá trị cho ngôi nhà thứ 2. Nếu người mua là người nước ngoài, họ phải trả thêm 15% cho ngôi nhà thứ 2.

Phùng Đô (Ghi)

Sẽ tái khởi động dự Luật Thuế Tài sản

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong năm 2021, Bộ Tài chính không có lộ trình, kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật liên quan tới dự thảo Luật Thuế Tài sản. Một nguồn tin nói với Báo Giao thông, sau khi đưa ra hồi tháng 4/2018, do phạm vi tác động của dự luật quá rộng, tới tất cả các hộ gia đình nên đã gặp phải quá nhiều phản đối cho rằng thời điểm đưa ra không hợp lý. Do đó, dự Luật Thuế Tài sản vẫn bị bỏ ngỏ. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng chương trình cải cách thuế giai đoạn 2021-2030. Khi chương trình này xây dựng xong và được phê duyệt, trên cơ sở đó mới có thể đề cập tới việc tái khởi động dự Luật Thuế Tài sản.

Trao đổi với PV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong định hướng cơ cấu lại ngân sách thời gian tới sẽ mở rộng các khoản thu liên quan đến các mỏ vật liệu, hóa đơn, hoàn thuế… và các khoản thu đất đai do thu từ đất là một khoản thu tiềm năng; Trong đó chú trọng một số khoản thu từ chuyển nhượng đất đai, tiền thuê đất, những khu đất hoang hóa chưa đưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền thuê đất…

C.Sơn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.