Xã hội

Chưa có thông tin việc chặn tin nhắn có từ “bầu cử”

20/05/2016, 17:57

Đến nay chưa có thông tin việc các nhà mạng chặn tin nhắn có từ bầu cử, nhưng sẽ cho kiểm tra việc này.

Truong Minh Tuan

Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết chưa nắm được thông tin nhà mạng chặn tin nhắn có từ "bầu cử"

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Trương Minh Tuấn đưa ra khi trả lời báo chí tại cuộc họp báo về công tác chuẩn bị cho bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại diểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Buổi họp báo diễn ra chiều 20/5.

Tại họp báo, báo giới đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Trương Minh Tuấn - ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia về tình trạng các nhà mạng chặn các tin nhắn có từ "bầu cử", có thể là để đề phòng các thế lực thù địch, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và việc vận động người dân đi bầu.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay Hội đồng bầu cử "chưa có thông tin về việc các nhà mạng chặn tin nhắn, nhất là tin nhắn có từ “bầu cử”. Vì vậy cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc này ngay sau đây.

Báo giới tiếp tục đặt câu hỏi về kiến nghị của Uỷ ban Bầu cử TP.HCM về việc liên hệ các nhà mạng để nhắn tin vận động cử tri đi bầu với nội dung lịch sự, ngắn gọn, nhẹ nhàng, mang tính vận động, động viên. Trả lời việc này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết chưa nhận được phản ánh từ Uỷ ban Bầu cử TP.HCM.

"Nhưng nếu có đề nghị như vậy, chúng tôi cũng sẵn sàng yêu cầu các nhà mạng nhắn tin vận động cử tri tham gia bầu cử theo đúng luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình theo Hiến pháp", ông Tuấn nói.

Về băn khoăn nhận định của Hội đồng bầu cử Quốc gia là tất cả các ứng viên đều đủ tiêu chuẩn, ông Trần Văn Túy - Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia một lần nữa khẳng định, đến nay tất cả các ứng cử viên ĐBQH được công bố đều có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, và chưa nhận được phản hồi nào của cử tri đối với các ứng cử viên.

Tiếp tục đặt vấn đề về thông tin tất cả các ứng cử viên ĐBQH đều đủ tiêu chuẩn, việc bầu cử sẽ diễn ra công bằng, không phân biệt chức quyền, nhưng báo giới cũng đưa ra dẫn chứng: “Qua theo dõi ở đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Yên Bái, trong 5 ứng cử viên có một ủy viên Bộ Chính trị, một thành viên Tỉnh uỷ và ba nông dân, cùng sinh những năm 1990 và ở cùng thôn, cùng xã. Nếu cả ba người nông dân này trúng cử, ông nhận định thế nào về việc Quốc hội có 500 đại diện mà có 3 người cùng thôn, cùng xã?”.

Ông Trần Văn Túy khẳng định việc công bố và lập danh sách các ứng cử viên là theo một quy trình chặt chẽ, do các cơ quan địa phương, hiệp thương lựa chọn. Tuy nhiên, phải hiểu là Quốc hội ta mang tính đại diện, tính cơ cấu, thành phần, giới, dân tộc. Cho nên những ứng cử viên là tiêu biểu có các giới, thành phần. Việc lựa chọn là của cử tri. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.