Quản lý

Chưa công bố, trạm dừng nghỉ cao tốc vẫn vô tư hoạt động

13/03/2017, 09:05

Theo quy định, trạm dừng nghỉ chỉ được phép hoạt động, được công bố khi đáp ứng đầy đủ các hạng mục công trình...

8

Người đàn ông giẫm cả ủng vào giỏ cá trước sự chứng kiến của khách hàng tại trạm thu phí Cầu Giẽ - Ninh Bình - Ảnh: K.Linh

Theo quy định, trạm dừng nghỉ chỉ được phép hoạt động, được công bố khi đáp ứng đầy đủ các hạng mục công trình theo thiết kế đã phê duyệt. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, khoảng 20 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố nhưng vẫn vô tư hoạt động, phục vụ hành khách và thu tiền.

Nhếch nhác vì “ăn xổi”  

Thông tư 48 của Bộ GTVT ban hành quy chuẩn quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ quy định trạm dừng nghỉ có ba hạng mục công trình gồm: Nhóm công trình dịch vụ công miễn phí, các công trình dịch vụ thương mại và các công trình bổ trợ. Quy định là vậy, thực tế các trạm dừng nghỉ trên cao tốc đang chạy theo phong trào “ăn xổi”, chỉ chú trọng đầu xây dựng công trình thương mại, bán đồ ăn, thức uống để thu lợi ngay mà hầu như tại các trạm, công trình dịch vụ công miễn phí đang bị bỏ mặc (Báo Giao thông phản ánh trong số báo ngày 7/3/2017).

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó cục trưởng Cục quản lý Đường bộ cao tốc cho biết, theo quy định trạm dừng nghỉ phải được cơ quan quản lý Nhà nước công bố mới được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, hiện 20 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc chưa được Tổng cục Đường bộ VN công bố theo quy định do các trạm này nhiều hạng mục công trình chưa hoàn thiện, nhất là công trình dịch vụ công.

Điểm b, Khoản 1, Điều 14, Nghị định 46 quy định: Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 30 - 40 triệu đồng đối với tổ chức xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, không theo đúng thiết kế đã được duyệt.

“Khi chúng tôi đi kiểm tra, họ lấy lý do đưa trạm vào hoạt động là để phục vụ người tham gia giao thông, rồi công trình thương mại chỉ là khai thác tạm, khi nào hoàn thiện xong các công trình theo quy định mới công bố chính thức hoạt động. Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài xử lý điều này”, ông Hưng bày tỏ.

Về vấn đề chất lượng dịch vụ tại các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc hiện đang bị thả nổi, ông Hưng cho rằng, khó khăn ở đây là cục không có thẩm quyền tạm dừng khai thác nên cũng chỉ kiểm tra, nhắc nhở, nhưng sau đâu vẫn vào đấy. “Hiện chưa ban hành được tiêu chí chất lượng dịch vụ trạm dừng nghỉ, dẫn đến mỗi trạm hoạt động một phách, chất lượng dịch vụ kém, khi thanh, kiểm tra cũng không biết căn cứ vào đâu để đánh giá chất lượng dịch vụ để xử lý. Vì vậy, cần ban hành chuẩn chung về chất lượng dịch vụ trạm dừng nghỉ, đánh giá theo tiêu chí thang điểm ban hành thống nhất trên toàn quốc”, ông Hưng đề xuất.

Minh chứng là 5 trạm dừng nghỉ cả ở hai chiều đường trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý. Theo tìm hiểu của PV, Trạm dừng nghỉ tại Km 23 (Vĩnh Phúc) do Công ty TNHH Phước An quản lý, được khởi công xây dựng đã 3 năm, nhưng đến nay nhiều hạng mục còn dang dở. Ngoài nhà vệ sinh công cộng nhếch nhác, bẩn thỉu như Báo Giao thông đã phản ánh, toàn bộ khu vực của trạm chỉ có duy nhất một nhà hàng được lợp mái tôn với mấy bộ bàn ghế nhựa bán hàng ăn uống cho khách với giá “cắt cổ”. Các công trình công cộng khác như: Thông tin về du lịch giao thông của khu vực, giới thiệu các sản phẩm địa phương, không gian nghỉ ngơi cho lái xe, hành khách... đang bị “bỏ quên”.  

Tương tự, tại trạm dừng nghỉ tại Km 117 (Yên Bái) thuộc Công ty CP Phú Thịnh, Phú Thọ, các khu dịch vụ thương mại như: Ăn uống, giải khát, cung cấp nhiên liệu hoạt động tấp nập. Trạm không có công trình dịch vụ công cộng, cung cấp các dịch vụ miễn phí như bãi để xe, không gian nghỉ cho hành khách, nhà nghỉ cho lái xe, nơi cung cấp thông tin và tổ chức tuyên truyền ATGT.  

Tại một trạm dừng nghỉ khác trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nhiều hạng mục công cộng miễn phí được chủ đầu tư cắt giảm tối đa. Trạm không có bãi đỗ xe riêng mà kết hợp với khoảng sân trước nhà hàng ăn uống làm nơi đỗ xe. Bên cạnh đó, không gian nghỉ ngơi cho hành khách không được làm riêng mà kết hợp ngay với nhà hàng.

Nhà đầu tư thiếu năng lực

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Tú, Phú Thọ (đơn vị quản lý trạm dừng nghỉ Tuấn Tú tại Km57 cao tốc Nội Bài - Lào Cai) lý giải: “Sau khi VEC đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật gồm mặt bằng, xây dựng hệ thống thoát nước, bãi đỗ xe, chúng tôi hợp đồng với VEC đầu tư các công trình dịch vụ và được quyền khai thác trong thời gian 40 năm để thu hồi vốn.  Sau khi hết thời hạn phải trả lại VEC toàn bộ cơ sở vật chất đã đầu tư. Tuy trạm của chúng tôi đã hoàn thiện trước so với các trạm khác nhưng vẫn phải chờ quyết toán giá trị công trình sau đó mới làm thủ tục xin công bố hoạt động chính thức”.

Ông Tuấn cho biết thêm, mỗi trạm dừng nghỉ phải đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Hiện, hầu hết các trạm đang xây dựng dở dang là do chủ đầu tư không có năng lực tài chính, phải đi vay vốn ngân hàng dưới sự bảo trợ của VEC. “Tuy nhiên, các ngân hàng giải ngân theo từng thời kỳ, dẫn đến các công trình xây dựng trạm kéo dài năm này qua năm khác. Nhằm duy trì và trả lãi ngân hàng, chúng tôi phải xây dựng trước các công trình thương mại để có nguồn vốn đầu tư các công trình tiếp theo”, ông Tuấn nói.   

Thừa nhận tình trạng các trạm dừng nghỉ trên tuyến nhiều hạng mục chưa hoàn thiện đã hoạt động và chưa được công bố chính thức, ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giám sát giao thông (VEC) cho rằng, bản thân nhà đầu tư không thể ngay một lúc bỏ ra mấy trăm tỷ đồng để hoàn thiện tất cả công trình. Do vậy, họ chia ra làm nhiều giai đoạn để xây dựng, hoàn thiện. Công trình nào bức thiết nhất họ sẽ làm trước như cây xăng, nhà vệ sinh, nhà hàng phục vụ ăn uống.   

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Quy hoạch, hệ thống trạm dừng nghỉ trên quốc lộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Bộ GTVT phê duyệt, đến năm 2030 sẽ có 152 trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới có 12 trạm dừng nghỉ trên quốc lộ được công bố, trong khi mục tiêu đến năm 2016 phải có 60 trạm. “Ngay trong tháng 3/2017, Tổng cục sẽ lập đoàn kiểm tra các điều kiện của trạm dừng nghỉ theo đúng Thông tư 48 đã quy định. Đây cũng là cơ sở để Tổng cục Đường bộ VN công nhận và xếp hạng các trạm dừng nghỉ có đủ chuẩn để công bố đưa vào khai thác”, bà Hiền nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.