Khám phá

“Chúa đảo Khỉ” kể chuyện khỉ yêu

10/02/2016, 09:15

Một khỉ chúa thường sở hữu đến 4-5 khỉ cái và các “cô nàng” khỉ chỉ thích chuyện “làm thiếp” hơn là chung tình.

IMG_1707
Đảo Rều - nơi còn có tên gọi là “Đảo Khỉ”.

Ở đảo Rều (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) đang có hơn một nghìn con khỉ vàng sống bán hoang dã phục vụ sự nghiệp y học. Nơi đây cũng là mái nhà của những y bác sỹ thầm lặng ngày đêm chăm sóc khỉ để nghiên cứu vaccine chữa bệnh.

Rung động vì… tình yêu của khỉ

Sau khi có giấy phép của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), PV Báo Giao thông đã có mặt ở TP Cẩm Phả, thuê một chiếc tàu du lịch ở cảng Vũng Đục đến đảo Rều - nơi còn có tên gọi là “Đảo Khỉ”.

Sau 20 phút lênh đênh trên tàu ngắm non nước, chúng tôi đã đặt chân lên một hòn đảo nhỏ màu xanh rêu phủ rợp bóng cây ẩn hiện sau màn sương muối của biển. Chào đón chúng tôi ở bến cập tàu là bác sỹ thú y Vũ Công Long, người được mệnh danh là “chúa đảo” vì đã có 32 năm làm Trại trưởng Trại chăn nuôi khỉ trên đảo Rều. Bác sỹ Long hồ hởi giới thiệu: “Hiện nay, trên đảo có hơn 1.000 con khỉ là giống khỉ lông vàng đuôi ngắn, có tên khoa học là Macaca Mulallata. Là loài khỉ thông minh, sạch sẽ nên chúng thể hiện đủ cả “ái, ố, hỉ, nộ” như con người và đặc biệt tình yêu của khỉ rất mãnh liệt, chắc chẳng loại thú nào sánh được”.

Theo lời bác sỹ Long, hơn chục năm trước, các cán bộ đảo Rều tách bớt đàn khỉ ra đảo đá cách đảo Rều (đảo đất) khoảng 1 km. Trời xẩm tối, một con khỉ đực trong số khỉ được đưa đến đảo mới bỗng tách đàn, chạy ra mép đảo tru gọi thảm thiết về phía đảo Rều. Đáp lại, từ phía đảo Rều, một cô nàng khỉ cũng chạy ra mép biển kêu gào đáp lại. Thấy bạn tình, con khỉ đực từ đảo đá lao xuống biển bơi hết sức về đảo Rều. Cô nàng khỉ bên kia cũng nhảy xuống nước bơi lại với người yêu. Anh em trên đảo chạy xuồng theo, bắt gặp đôi khỉ đang ôm nhau dưới nước xoắn  xuýt không rời. Họ vớt chúng lên bờ rồi thả ra, đôi khỉ leo tót lên cây rồi lại ôm nhau rất âu yếm.

Bác sỹ Long dẫn chúng tôi đi thăm đảo khỉ_11
Bác sỹ Vũ Công Long.

Những ngày tiếp theo, nhiều con khỉ khác trên hai đảo cùng kêu gào thảm thiết vang vọng suốt đêm gọi bạn tình. Vì sợ khỉ lại nhảy xuống nước bơi về đảo cũ chết đuối hoặc sa vào tay bọn bắt trộm khỉ, các cán bộ trên đảo buộc phải hủy bỏ kế hoạch “chia ly đàn khỉ”, đưa chúng về sống chung một đảo đến bây giờ.

Cảm động tình mẫu tử: Chết để bảo vệ con

Dẫn chúng tôi đi thăm “vương quốc” khỉ có diện tích hơn 20ha, anh Long chỉ cho chúng tôi những chú khỉ chúa đang ngồi chễm chệ giữa bầy đàn: “Đó là những con khỉ đực to lớn và có sức khoẻ nhất trong đàn. Mỗi một khỉ chúa thường sở hữu đến 4 - 5 khỉ cái và các “cô nàng” khỉ chỉ thích chuyện “làm thiếp” các khỉ chúa hơn là chung tình với một con khỉ “bình dân”. Những cuộc “tranh tài” làm khỉ chúa trên đảo là những cuộc đọ sức ác liệt đến rợn người của đám khỉ đực. Chúng xông vào cắn xé lẫn nhau, kẻ chiến thắng sẽ đảm đương trách nhiệm bảo vệ cả đàn, nó có quyền sở hữu bất kỳ “nàng” khỉ cái nào đó mà nó thích”.

Bác sỹ Long cho biết, đặc tính của loài khỉ có nét giống con người, nhất là tình cảm giữa khỉ mẹ và khỉ con. Đó là tình mẫu tử, sẵn sàng chết để bảo vệ con mình khi hiểm nguy. “Trên đảo có nuôi một con chó lớn. Khi con chó đang ngủ, bọn khỉ từ trên cây nhảy xuống kéo đuôi trêu chọc, con chó bực mình thức giấc, đàn khỉ bỏ chạy hết.

IMG_1713_1
 

Vô tình lúc đó hai mẹ con khỉ đi qua, con chó liền nhảy xồ vào cắn. Lúc này khỉ mẹ chỉ kịp nằm sấp dùng tấm thân che cho khỉ con. Khi cán bộ của đảo phát hiện và chạy đến gỡ con chó ra thì khỉ mẹ đã bị cắn chết, nhưng nó đã bảo vệ được con mình. Khỉ con mất mẹ này được các cán bộ đảo nuôi dưỡng đặc biệt và thân thiết với con người hơn bất cứ con khỉ nào trên đảo”, anh Long kể.

Theo bác sỹ Long, ở trên đảo, công tác vệ sinh phòng dịch cho khỉ luôn được đề cao nên đảo không đón khách du lịch. Bản thân khỉ có cơ thể sinh học gần giống con người nên rất dễ mắc các bệnh của người. Nếu khỉ mắc bệnh thì không thể chiết vaccine được.

Mặt khác, khỉ trên đảo sống bán hoang dã, nên nếu có sự xuất hiện đông người kéo dài nhiều ngày chúng sẽ sợ và bỏ đi đảo khác. Ngoài ra, tuy đất trên đảo màu mỡ nhưng không trồng được rau, vì hễ trồng là khỉ phá sạch. Hiện, nhân viên trên đảo Khỉ có 14 người, thì có 4 cặp vợ chồng cưới nhau rồi sinh con trên đảo. Mỗi đôi vợ chồng được cấp một gian nhà cấp bốn đủ để sinh hoạt cá nhân.

Các nhân viên trên đảo thường lấy việc chăm sóc khỉ làm vui, tuy đảo cách đất liền không xa nhưng họ cũng ít khi về đất liền, vì công việc bảo vệ khỉ và an ninh trên đảo không kể đêm ngày. Những đứa trẻ khi lên 5 tuổi là lại rời bố mẹ trên đảo để về ở với ông bà trên đất liền để đi học. Hàng tháng, anh em mới về đất liền được đôi ba lần thăm con chớp nhoáng rồi lại ra đảo.

Đảo Rều thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế). Trước đây vốn là đảo hoang, chỉ một số cư dân từ đất liền đến đây trồng khoai sắn.

Năm 1962, đảo được Bộ Y tế quyết định đầu tư thành trại nuôi khỉ để chiết vaccine phòng bại liệt, viêm gan A, bệnh tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp và gần đây là thuốc phòng chống H5N1.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.