Hạ tầng

Chưa điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

19/04/2019, 16:04

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định chưa đủ thông tin làm cơ sở để Bộ GTVT kết luận điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

img
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại buổi làm việc với 5 tỉnh, TP.HCM

Sáng 19/4, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác của Bộ GTVT có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố và nghe Viện khoa học và công nghệ Phương Nam, Công ty CP Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam- TEDI South (đơn vị tư vấn thiết kế tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ) báo cáo đề xuất điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ (TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ) đã được Bộ GTVT phê duyệt năm 2013 với chiều dài 173,677km. Điểm đầu từ ga lập tàu An Bình thuộc phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương. Điểm cuối là ga Cái Răng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.

Năm 2013, Bộ GTVT đã đồng ý cho Viện KHCN Phương Nam nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ TP.HCM - Cần Thơ theo hình thức BOT. Bộ yêu cầu dự án cần nêu rõ nguồn vốn, cơ cấu, phương thức huy động, phương án hoàn vốn; xây dựng phương án tài chính cụ thể và khả thi cho dự án.

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty CP Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam - TEDI South đề xuất chia dự án thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 làm từ ga Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM) đến ga Cái Răng (Cần Thơ) chiều dài khoảng 139km với 9 nhà ga.

Giai đoạn 2, từ ga An Bình (Bình Dương) đến ga Tân Kiển (TP.HCM) và nhánh đường sắt vào cảng Hiệp Phước dài khoảng 33,6km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5 tỷ USD, theo hình thức BOT kết hợp PPP.

Trong giai đoạn 1, Tư vấn đề nghị điều chỉnh hướng tuyến so với quy hoạch được duyệt trên địa bàn TP.HCM - Long An - Tiền Giang đi cặp chung với hành lang cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, thay vì đi vào các khu dân cư, đô thị như trước đây.

Riêng đoạn qua Vĩnh Long - Cần Thơ vẫn giữ nguyên. Đổi lại, phương án mới thu hồi một diện tích đất rất lớn để giao cho nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang đều thống nhất chủ trương điều chỉnh hướng tuyến.

img
Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP.HCM-Cần Thơ

Sau khi nghe đơn vị tư vấn thiết kế trình bày và ý kiến của các Vụ, Ban, Cục Đường sắt và địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá chưa đủ thông tin làm cơ sở để Bộ GTVT kết luận điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt này. Các thông tin đơn vị tư vấn đưa ra chưa đáp ứng đủ các điều kiện để điều chỉnh quy hoạch.

“Giao thông đường sắt không thể lẻ loi, phải kết nối với đường bộ, đường thủy nội địa, đường hàng không, các cảng biển. Đối với dự án này, ngành Giao thông vận tải đặc biệt quan tâm đến từng ga kết nối giao thông như thế nào? Tuy nhiên, đơn vị tư vấn chưa làm rõ được vấn đề này, chưa chứng minh được phương án mới tốt hơn phương án cũ”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng chỉ đạo, Sở GTVT các tỉnh, thành phố cùng đơn vị tư vấn trong thời gian tới phải nghiên cứu kỹ, hoàn chỉnh phương án điều chỉnh trình Bộ GTVT quyết định, từ đó báo cáo Chính phủ xem xét để sớm thực hiện các thủ tục triển khai dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.