Doanh nghiệp

Chưa được phép hoạt động vẫn sản xuất xi măng

05/05/2016, 19:40

Hai nhà máy xi măng Trung Sơn và Vĩnh Sơn chưa hoàn thành thủ tục vẫn được phép vận hành từ nhiều năm qua.

Sở TNMT tỉnh Hòa Bình

Đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hòa Bình trong buổi làm việc với PV

Liên quan đến loạt bài “Dân sống dở, chết dở” giữa hai nhà máy xi măng, phản ánh bức xúc của người dân hai xã Trung Sơn và Thành Lập (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) về tình trạng ô nhiễm môi trường do hai nhà máy xi măng Trung Sơn và Vĩnh Sơn gây ra, PV Báo Giao thông đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh Hòa Bình để làm rõ những sai phạm của hai nhà máy này.

Nhiều năm “chày cối” không chịu nộp hồ sơ Hậu ĐTM

Đề cập đến thủ tục pháp lý của hai dự án nhà máy xi măng Trung Sơn và Vĩnh Sơn, ông Nguyễn Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh Hòa Bình cho biết, theo quy định, cả hai nhà máy này sau khi được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải tiếp tục lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án (Hồ sơ hậu ĐTM). Chỉ khi Hồ sơ hậu ĐTM được phê duyệt dự án mới được đưa vào vận hành.

Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua, mặc dù Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh Hòa Bình liên tục yêu cầu, đôn đốc bằng văn bản nhưng đến nay chủ đầu tư của cả hai dự án nhà máy xi măng Vĩnh Sơn và Trung Sơn đều không chấp hành. “Chúng tôi đã nhắc nhở rất nhiều, hàng năm đều gửi văn bản yêu cầu hai nhà máy xi măng này nộp hồ sơ hậu ĐTM nhưng họ vẫn chưa nộp trong khi đó là trách nhiệm của họ”, ông Anh phân tích.

Khi PV đặt câu hỏi, tại sao cả hai nhà máy xi măng Trung Sơn và Vĩnh Sơn chưa hoàn thành thủ tục mà vẫn cho phép vận hành từ nhiều năm qua, ông Nguyễn Trần Anh khẳng định: “Chúng tôi chưa cấp một văn bản nào cũng như yêu cầu nào cho phép hai nhà máy xi măng này hoạt động. Về thủ tục pháp lý, phải có hồ sơ hậu ĐTM mới được phép hoạt động”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Long, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hòa Bình cho rằng, hai nhà máy xi măng nhiều lần “kêu khó” với Sở. Họ lý giải rằng, do thời gian đầu tư xây dựng dự án kéo dài nên xin được đầu tư dần dần những hạng mục, công trình bảo vệ môi trường. Một lý do khác mà chủ đầu tư hai nhà máy này viện dẫn ra cho sự chậm trễ nộp hồ sơ hậu ĐTM là dây chuyền, thiết bị sản xuất của họ phải có quá trình hiệu chỉnh, bổ sung…

Trước đó, tháng 5/2015, Sở Tài nguyên&Môi trường Hòa Bình đã ra văn bản yêu cầu 2 nhà máy xi măng phải lập và trình hồ sơ hậu ĐTM và kế hoạch bảo vệ môi trường trước 30/7/2015. Văn bản còn nhấn mạnh, cơ sở nào đưa dự án vào hoạt động chính thức mà không thực hiện theo chỉ đạo trên sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định(!?).

Cần thấy rằng, từ thời điểm 30/7/2015 đến nay đã gần 9 tháng trôi qua, hồ sơ hậu ĐTM của hai nhà máy xi măng Trung Sơn và Vĩnh Sơn vẫn chưa có, trong khi biện pháp “xử lý nghiêm theo quy định” của Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh Hòa Bình vẫn chỉ là đôn đốc và nhắc nhở (?!).

Xi măng Trung Sơn xây dựng sai quy hoạch?

Trước thắc mắc của PV về việc tại sao lại cho phép xây dựng hai nhà máy xi măng sát khu dân cư, đặc biệt là nhà máy xi măng Trung Sơn nằm ngay cạnh khu dân cư, ông Nguyễn Trần Anh cho biết, việc quy hoạch hai nhà máy xi măng là do Chính phủ phê duyệt còn Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hòa Bình chỉ là đơn vị tư vấn trong việc lập và thẩm định hồ sơ đánh giá tác động môi trường của hai dự án này. “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khu sản xuất của nhà máy quá gần khu dân cư xóm Lộc Môn là do chủ đầu tư đã xây dựng nhà máy sai với hồ sơ được phê duyệt ban đầu”, ông Anh nói.

Tiếp lời, ông Long cho hay, vào thời điểm báo cáo ĐTM của dự án nhà máy xi măng Trung Sơn được phê duyệt, nơi xây dựng nhà máy nằm ở vị trí khác, còn vị trí đặt nhà máy hiện nay là nơi khai thác đá. Nếu nhà máy được xây đúng như vị trí ban đầu thì khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư, khoảng 200-300m chứ không sát khu dân cư như hiện tại.

Trở lại vấn đề nhà máy xi măng xả thải trong một thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn, ông Anh cho hay, do khó khăn về mặt nhân lực nên chưa thể xử lý triệt để. “Bây giờ chúng tôi không thể cử người ở đấy để theo dõi họ được.

Còn những cuộc thanh kiểm tra thường xuyên chúng tôi đều phải có kế hoạch thông báo nên khi xuống đấy có thể họ sẽ làm tốt hơn hoặc có khi họ dừng hoạt động nên muốn có kết quả quan trắc cũng khó(!?). Tới đây, chúng tôi sẽ quyết liệt hơn. Thứ nhất là di dời những hộ dân gần nhà máy, thứ hai là vấn đề xả khói bụi của nhà máy”, ông Anh cam kết.

Cảnh sát Môi trường đang vào cuộc

Đại tá Bùi Xuân Diệu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - PC49 Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, sau khi những thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường do hai nhà máy xi măng Trung Sơn và Vĩnh Sơn gây ra được Báo Giao thông phản ánh, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng như Ban Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu Phòng PC49 vào cuộc xác minh, điều tra.

“Vừa rồi chúng tôi cũng thành lập hai tổ vào kiểm tra bất ngờ tại hai nhà máy. Tuy nhiên, hiện nay họ vẫn chưa cung cấp được hồ sơ gì về dự án. Đặc biệt là nhà máy Trung Sơn họ tỏ ra rất thờ ơ và không hợp tác. Hiện nay, tôi đang yêu cầu anh em thu thập hồ sơ, điều tra cơ bản đối với hai nhà máy này. Đây là vấn đề đang được tỉnh rất quan tâm và chỉ đạo sát sao”, Đại tá Diệu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.