Bạn cần biết

Chưa hết cúm, thủy đậu lại vào mùa

05/03/2018, 06:54

Dịch cúm vừa lắng xuống, dịch thủy đậu lại ngấp nghé vào mùa.

15

Một ca thủy đậu đang được điều trị

Người lớn hàng trăm ca mắc, hàng chục biến chứng

Tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, bệnh nhân B.T.M.H. (27 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang) được chuyển vào điều trị với triệu chứng sốt ngày thứ 2 và xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay, thân mình. Chỉ một ngày sau, bệnh nhân khó thở, gắng sức, ho ít, thể trạng suy kiệt… Phim chụp X-Quang và các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng sau thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống/hoại tử đầu chi. Hiện, bệnh nhân đang được điều trị tích cực, phải thở ô-xy song tiên lượng rất dè dặt. Được biết, bệnh nhân có tiền sử lupus ban đỏ hệ thống đã 7 năm nay và hiện đang điều trị nội trú tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai. Bệnh nhân kèm thêm mắc hội chứng Raynaud đã cắt 4 đốt ngón tay hai bên, hoại tử ngón chân 4, 5 trái chưa cắt.

TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết: “Bệnh thủy đậu thường xảy ra rải rác quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào dịp đông xuân và diễn biến lành tính, có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch, có thể xảy ra biến chứng, nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước xuất hiện, nặng hơn có thể gây viêm phổi, viêm não... Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ sảy thai hoặc khi sinh ra trẻ có thể mắc một số dị tật bẩm sinh…”.

Trong vụ đông xuân năm nay, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp người lớn mắc thủy đậu. Trong đó, hàng chục ca bị biến chứng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não… Các ca có biến chứng viêm phổi, viêm não nguy cơ tử vong cao.

Ông Cường cho hay, bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster, lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, người lớn nếu chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tự miễn hệ thống cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em.

Nhiễm độc da nặng do điều trị thuốc nam không nguồn gốc

Sau 10 ngày nằm điều trị tại BV Nhi T.Ư, bé N.T.D. (13 tháng tuổi, Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) được các bác sĩ cho ra viện khi các vết mụn thủy đậu đã se mặt, dứt sốt, phục hồi ăn uống. Trước đó, bé D. nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc da rất nặng với các dấu hiệu cơ thể lở loét, các nốt phát ban chảy nước, bốc mùi hôi tanh, quấy khóc, không bú mẹ do tổn thương vùng miệng. Gia đình cho biết, khi bé D. nổi các mụn thủy đậu khắp người, bà nội từ quê lên trông, mang theo thuốc nam đun nước tắm cho cháu. Tuy nhiên, càng tắm nước lá, cơ thể bé càng lở loét, các vết mụn vỡ gây nhiễm trùng… khiến cha mẹ vội vàng cho nhập viện. Tại viện, bé D. được cách ly, tiêm kháng sinh, vệ sinh da bằng nước muối sinh lý ấm, bôi thuốc chống nhiễm khuẩn, làm lành tổn thương.

Theo BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, ban đầu, trẻ chỉ bị thủy đậu, là một bệnh nhiễm virus gây tổn thương da mức độ vừa phải, song gia đình không dùng thuốc điều trị mà tự xử trí không đúng cách, khiến các tổn thương trên da trở nên trầm trọng hơn. Đáng lưu ý, nhiều gia đình, nhất là vùng nông thôn còn có thói quen dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự chữa bệnh ngoài da cho trẻ, rất dễ gây biến chứng, khiến bệnh của trẻ trầm trọng hơn.

TS. Đỗ Duy Cường cho biết, hiện bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống virus thủy đậu là Acyclovir nhưng cần phải điều trị sớm. “Những trường hợp có biến chứng viêm phổi hoặc trên cơ địa suy giảm miễn dịch phải dùng Acyclovir đường tĩnh mạch mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, dùng các biện pháp chữa triệu chứng như: Hạ sốt, bôi các dung dịch sát khuẩn làm se các nốt phỏng, tránh bội nhiễm như xanh methylen, vệ sinh thân thể sạch sẽ, không cần kiêng cữ gió, nước... Quan trọng là phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể khiến bệnh nặng hơn như corticoid...”, ông Cường lưu ý. 

Còn theo BS. Đỗ Thiện Hải: “Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả hiện nay là tiêm phòng vaccine. Trẻ có thể bắt đầu tiêm phòng từ 18 tháng tuổi hay ở bất kỳ lứa tuổi nào sau đó khi có điều kiện. Đối với phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất là 2 tháng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.