Thị trường

Chưa hết dịch tả lợn châu Phi đã lo thiếu thịt lợn

03/06/2019, 07:09

Hết bão giá, dịch tai xanh và giờ là dịch tả lợn châu Phi, người nuôi lợn kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần.

img
Chuồng trại của gia đình anh Bùi Thế Bộ trơ trọi sau dịch (ảnh nhỏ).
Anh đành nuôi tạm đàn vịt để lấy việc làm và giải quyết cám tồn (ảnh lớn)

Hầu hết hộ chăn nuôi vừa và nhỏ không còn sức tái đàn, dẫn tới nguy cơ khủng hoảng thiếu thịt lợn thời gian tới.

Kiệt quệ sau dịch, không còn sức tái đàn

PV Báo Giao thông tìm đến nhà anh Bùi Thế Bộ, thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - một trong những hộ có số lượng lợn bị dịch tả châu Phi phải tiêu hủy nhiều nhất xã.

Ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, vá víu loang lổ nằm sâu trong con ngõ nhỏ. Khu trang trại rộng hơn 500m2 của gia đình anh Bộ xưa lúc nào cũng eng éc tiếng lợn đòi ăn, giờ tĩnh lặng, im phăng phắc, bốn hàng lồng sắt mở toang, trơ trọi, phủ trắng màu vôi.

Anh Bộ ngậm ngùi cho biết, đàn lợn 174 con nhà anh vừa phải tiêu hủy, trong đó gần 100 con loại từ 100-120kg, tổng thiệt hại ngót nghét 700 triệu đồng. Đó là chưa tính đến 200 triệu tiền cám mua chịu chưa trả, giờ không biết xoay xở vào đâu, chỉ biết ngồi chờ hỗ trợ của Nhà nước để trang trải được chút nào hay chút đó.

Chưa hết xót xa, anh Bộ kể: Có kinh nghiệm xây dựng, chịu khó học hỏi kiến thức chăn nuôi của các chuyên gia qua mạng internet và tư vấn của chuyên gia thú y tại địa phương, anh đã dựng nhà xưởng khoa học, hiện đại, phòng chống dịch đầy đủ, từ cả quạt thông gió, cửa sổ đóng một lớp màn, một lớp giấy bóng chống côn trùng, muỗi, phun tẩy trùng ba lần một ngày, rải vôi bột thường xuyên nên đợt dịch tai xanh trước đàn lợn của anh không bị ảnh hưởng. Đợt này tưởng cũng qua vì đàn lợn giữ đến cuối cùng của làng, vậy mà cũng không thoát. Có những con lợn nái chửa sắp đẻ vẫn phải trích điện chết, nhìn “buốt hết ruột, đi không vững”.

Sau đợt dịch tả, tóc anh bạc thêm mấy phần nhưng người nông dân này vẫn giữ hi vọng: “Sau khi tẩy trùng chuồng trại, quét vôi, sơn sửa lại toàn bộ, phơi khô sạch sẽ, một năm sau tôi sẽ tái đàn. Tuy nhiên, sau nhiều đợt dịch, chỉ dám nuôi lại 20-30 con, đảm bảo an toàn mới tính tiếp. Trước mắt, nuôi tạm 200 con vịt lấy việc làm và giải quyết số cám tồn”.

Cách đó không xa, gia đình chị Nguyễn Thị Ninh, cùng thôn Hương Triện, vừa bán cám, thuốc thú y vừa chăn nuôi, có số lượng lợn tiêu hủy lớn thứ hai trong xã sau nhà anh Bộ. Hết lợn không phải tất bật cám bã, người mua thuốc, mua cám cũng thưa thớt. Khuôn mặt hốc hác do nhiều đêm mất ngủ, chị Ninh không muốn nhắc đến đàn lợn vì tiếc và xót ruột. Sau một hồi trò chuyện, chị mới khẽ nhẩm tính tổng số lợn tiêu hủy 154 con, tính sơ cũng mất 800 triệu đồng. “Gia đình phòng chống dịch cẩn thận lắm, chỉ có chồng tôi là được ra vào cám bã, quy trình, bảo hộ đâu ra đấy, nhưng vẫn “chết”.

Chị Ninh cho biết, gia đình chị đang gánh khoản nợ gần tỷ đồng. Lợn chết, không thu được nợ của người nuôi, trong khi vốn vay tới kỳ vẫn phải trả lãi, giờ tìm mọi cách vay thêm 150-160 triệu đồng để nhập cám gà, cám ngan. Khác với anh Bộ, chị Ninh chuyển sang nuôi ngan, gà chứ không dám tái đàn lợn.

Cùng quan điểm với gia đình chị Ninh, anh T. ở thôn Cầu Đào cho biết, dù chính quyền có thông báo hết dịch cũng chưa dám tái đàn vì chưa có vaccine, “chết ai đền”. Trước mắt, anh T. xác định nuôi hơn 1.000 con gà và cá.

Đây cũng là tình cảnh chung của hàng vạn hộ chăn nuôi sau nhiều cơn bĩ cực, hết dịch tai xanh tới bão giá và giờ là dịch tả lợn châu Phi.

Lo ngại hụt nguồn cung thịt lợn

Hãng phân tích tài chính Rabobank ước tính, hiện Trung Quốc đã bị “sụt giảm” chừng 200 triệu đầu lợn kể từ khi dịch bệnh bùng phát và lây lan khắp cả nước từ cuối năm 2018. Chỉ tính riêng con số này đã gấp ba lần tổng đàn lợn của nước Mỹ. Và việc mất tới non nửa đàn heo cả nước vì dịch tả lợn châu Phi thời gian qua đang có nguy cơ đẩy giá thịt tăng tới 70% tại nước này.


Gia đình anh Bộ, chị Ninh, anh T. nằm trong số hàng trăm hộ chăn nuôi đang phải đối diện với khó khăn trong đợt bùng phát dịch. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Bình, đến hết ngày 29/5, đã có 14 xã, 1.276 hộ có lợn nhiễm dịch, tiêu hủy 13.965 con, tổng trọng lượng tới hơn 1 triệu kg. Trong đó, xã Nhân Thắng đứng đầu danh sách với 219 hộ “dính dịch”, bị tiêu hủy hơn 3,2 nghìn con, tương đương khoảng 293 tấn.

Số liệu mới nhất được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo trước Quốc hội ngày 31/5 cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 48 tỉnh, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã. Đến nay, cả nước đã phải tiêu hủy 2 triệu con lợn, tương đương 117.000 tấn, chiếm 6,5% tổng đàn lợn. Tính trung bình 25.000-30.000 đồng/kg lợn hơi (tuỳ vùng, miền), thiệt hại do đàn lợn bị tiêu huỷ lên đến trên 3.000 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại dây chuyền của ngành kinh doanh liên quan như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bao bì… “Dự báo, với tình hình diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp, với đặc thù của bệnh dịch và điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu không có biện pháp tích cực thì bệnh sẽ tiếp tục lan tỏa ra những vùng còn lại”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.

Bộ NN&PTNT cho biết, giá trị ngành nông nghiệp hiện nay vào khoảng 1 triệu tỷ đồng thì riêng chăn nuôi lợn chiếm khoảng 94 nghìn tỷ (gần 10%). Thịt lợn chiếm tỷ trọng 70% cơ cấu thịt trong bữa cơm hàng ngày của các gia đình. Đây là khu vực giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ và 10.000 hộ trang trại chăn nuôi lớn và quy mô vừa. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát sẽ tác động rất lớn đến thu nhập người chăn nuôi cũng như đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Theo nhận định của Bộ Công thương, từ cuối tháng 4 đến nay, giá lợn hơi đang có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng thấp, dịch bệnh lây lan trên diện rộng, diễn biến phức tạp, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới. Do đó, Bộ này lo ngại, nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn.

Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung cầu, thị trường; chỉ đạo tăng cường thu mua giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt lợn an toàn; chủ động kết hợp đưa mặt hàng thịt lợn vào các chương trình bình ổn thị trường, xây dựng các điểm bán hàng lưu động thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn an toàn; tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, nhất là đối với thịt lợn...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.