Xã hội

Chưa phải thời điểm đa dạng hóa ngoại ngữ trong trường học

26/09/2016, 18:00

Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) chủ trương đa dạng hóa ngoại ngữ với việc đưa thêm tiếng Trung, Nga vào giảng dạy...

5

Thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng M.A, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội

Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) chủ trương đa dạng hóa ngoại ngữ với việc đưa thêm tiếng Trung, Nga vào giảng dạy trong bậc phổ thông, trong khi tiếng Anh vốn được đầu tư nhiều nhưng kết quả không như mong đợi. Thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng M.A, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội có những chia sẻ về vấn đề này.

30 năm đầu tư nhưng “kết quả buồn”

Là người gắn bó, đóng góp nhiều đối với sự phát triển bộ môn tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân, ông nhìn nhận ra sao về kết quả đạt được trong suốt gần 30 năm thực hiện phổ cập ngoại ngữ?

Đưa ngoại ngữ vào phổ cập trong hệ thống giáo dục quốc dân là một chủ trương đúng. Suốt gần 30 năm qua, tiếng Anh là một bộ môn ngoại ngữ được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông bắt buộc. Nhìn lại suốt chặng đường đã qua, cho thấy sự đầu tư rất lớn từ Nhà nước đến các gia đình học sinh. Các bậc cha mẹ sẵn sàng đầu tư kinh tế, tâm huyết với kỳ vọng chính đáng là con cái sẽ chuẩn bị đầy đủ vốn tiếng Anh tốt để sẵn sàng hội nhập quốc tế.

Nhà nước đầu tư rất nhiều vào giáo dục tiếng Anh. Năm 1994, Đề án 422 đặt mục tiêu tất cả cán bộ, viên chức Nhà nước đều phải biết tiếng Anh. Đây là “cú hích mạnh” cho việc phát triển tiếng Anh.

Đến năm 2008, đề án 2020 ra đời, mục đích nâng cao trình độ tiếng Anh học sinh phổ thông. Trong quá trình thực hiện đề án phải giải quyết những vấn đề lớn như quản lý đào tạo, xây dựng khung năng lực, xây dựng tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, tổ chức huấn luyện giáo viên các cấp... Yêu cầu đầu tư cho đề án không nhỏ.

Với sự đầu tư lớn như vậy ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện đề án?

Năm 2014, Bộ GD&ĐT thí điểm đưa tiếng Anh vào môn tự chọn trong kỳ thi phổ thông năm 2014 và chỉ có 16% học sinh đăng ký, cho thấy sau 10 năm học học sinh không tự tin thi một bài trung bình. Năm 2015, theo phổ điểm của Bộ, khoảng 90% thí sinh trong toàn quốc nằm trong khung điểm dưới trung bình. Thêm một lần nữa 2016, theo phổ điểm công bố cũng có khoảng 88% học sinh dưới điểm trung bình. Tất cả kết quả này cho thấy, dù được đầu tư nhiều nhưng kết quả không đạt yêu cầu, đòi hỏi chúng ta cần nhìn lại chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong nhà trường.

Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến “kết quả đáng buồn” trong dạy và học tiếng Anh hiện nay?

Có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính là sự lựa chọn giáo trình, trình độ giáo viên và những vấn đề tiêu cực. Về giáo trình, ngoài bộ sách được Bộ GD&ĐT biên soạn đang sử dụng trong đại đa số trường công lập, còn nhiều giáo trình nước ngoài được các trường tư thục và một số trường công lập lựa chọn. Điều đáng nói là với giáo trình nước ngoài hiện nay không ai quản lý. Nhiều trường chọn giáo trình quá khó, vượt quá khả năng tiếp thu của học sinh. Có trường chọn một giáo trình nào đó chỉ vì “không muốn giống nhau”. Cách sử dụng giáo trình như vậy ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học.

Mãi đến năm 2015, Bộ GD&ĐT mới duyệt bộ tiêu chí đánh giá giáo trình, nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện. Như vậy, việc quản lý giáo trình vẫn đang bỏ ngỏ.

Về giáo viên, theo khảo sát, kiểm tra của Đề án 2020, giáo viên dạy tiếng Anh trình độ còn thấp, đặc biệt là giáo viên tiểu học, ở hai bình diện: Trình độ tiếng Anh và kỹ thuật giảng dạy. Giáo viên tiểu học nhiều nơi vẫn còn dạy trẻ như dạy người lớn. Mới đây, Bộ có chủ trương đưa ra chuẩn giáo viên theo khung năng lực 6 bậc và đã tạo điều kiện cho giáo viên học tập trong nước cũng như ngoài nước để đạt chuẩn.

Những vấn đề tiêu cực, cho dù chưa ai thống kê có bao nhiêu loại tiêu cực trong dạy và học ngoại ngữ. Nhưng nói chung những hiện tượng tiêu cực như chạy điểm, mua bằng, dạy thêm không đúng mục đích đã ảnh hưởng không ít tới chất lượng dạy - học tiếng Anh.

Chủ trương đa dạng hóa ngoại ngữ chưa thích hợp

Qua 5 năm thực hiện, kết quả cho thấy, để đạt mục tiêu đặt ra của Đề án 2020 là “bất khả thi”. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, ngành Giáo dục vẫn đặt tham vọng về đa dạng hóa ngoại ngữ như với việc đưa thêm ngoại ngữ Nga, Trung… vào nhà trường. Ông đánh giá về vấn đề này thế nào?

Về chủ trương đa dạng hóa ngoại ngữ để có nhiều sự lựa chọn, học sinh có thể chọn học một trong các ngoại ngữ như: Anh, Pháp, Nga, Trung (hoặc các ngoại ngữ khác) là chủ trương đúng. Tuy nhiên, tôi thấy không nên thay đổi vai trò của tiếng Anh là một ngoại ngữ bắt buộc. Vì dẫu sao cho đến nay nhu cầu tiếng Anh vẫn là lớn nhất, tiếng Anh vẫn có tầm quan trọng của nó. Hơn nữa, chúng ta đã đầu tư rất nhiều cả về phía Nhà nước lẫn phụ huynh. Vào lúc này nếu thay đổi hẳn chiến lược chúng ta phải dàn trải đầu tư cho việc đào tạo giáo viên, xây dựng giáo trình và nhiều bình diện khác nữa cho bốn năm ngoại ngữ cùng một lúc. Tôi e rằng, hiệu quả sẽ không cao, không phải vì thiếu tiền mà là thách thức về tổ chức.

Theo tôi, chúng ta hãy củng cố, nâng cao chất lượng tiếng Anh cả thày, trò và quản lý. Trong một vài năm nữa khi tiếng Anh đã "tương đối ổn hơn" chúng ta đầu tư thêm vào các ngoại ngữ khác cũng chưa muộn và như thế lại có thêm thời gian chuẩn bị cho chu đáo. Đến lúc đó một trường có thể dạy nhiều ngoại ngữ, mọi ngoại ngữ có vai trò ngang nhau và học sinh được lựa chọn một ngoại ngữ để học.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề cập đến việc các đơn vị, địa phương nên chủ động nhập khẩu giáo trình tiếng Anh. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Chúng ta có thể có ba loại giáo trình tiếng Anh. Một là, người Việt viết hoàn toàn, có thể nhờ người Anh đọc lại, sửa lỗi. Giáo trình này có nhược điểm về ngôn ngữ, tổ chức một cuốn sách... Nó có điểm mạnh là người viết nắm vững được trình độ học sinh, nền văn hóa, tập tục, khó khăn của người Việt khi học tiếng Anh…

Còn giáo trình nhập khẩu có lợi về ngôn ngữ chuẩn, tư duy hiện đại, chọn chủ đề hấp dẫn, phong phú về loại hình bài tập, chọn lựa hình ảnh đẹp và hấp dẫn... Tuy nhiên giáo trình nhập khẩu lại có nhiều nhược điểm về sự không phù hợp với người Việt. Chọn được giáo trình nhập, chúng ta phải hiệu chỉnh chúng theo yêu cầu trong nước như loại bỏ bớt các nội dung không phù hợp về văn hóa, tập tục, hoặc giảm bớt ngữ liệu…

Theo tôi, loại giáo trình ưu việt nhất là những giáo trình phối hợp viết của hai nhóm tác giả Việt và người bản ngữ Anh. Nó khắc phục được cả hai loại nhược điểm. Hiện, loại giáo trình này chưa được thực hiện.

Một thực tế buồn là học sinh sau khi hoàn thành hết hệ chương trình ngoại ngữ 10 năm vẫn không thể giao tiếp cơ bản với người nước ngoài. Nguyên nhân một phần do việc giảng dạy các kỹ năng không đồng đều, thưa ông?

Giáo trình dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường luôn đề cập đến việc học sinh rèn luyện đầy đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần giáo viên chỉ chú trọng vào đọc, viết, ngữ pháp, từ vựng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân rõ ràng nhất là với cách khảo thí hiện nay chưa đủ điều kiện để kiểm tra cả 4 kỹ năng làm cho giáo viên chú trọng việc dạy ngữ pháp và từ vựng. Gần đây, Bộ cũng đã ít nhiều chú trọng việc lồng ghép cả 4 kỹ năng thông qua chính bài thi viết, trắc nghiệm.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.