Kinh tế

Chưa "siết" tín dụng bất động sản, khách vẫn khó vay vì hết "room"

09/06/2022, 09:32

Khách hàng khó tiếp cận vốn vay dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định chưa có bất kỳ phát ngôn hay văn bản nào về việc "siết" tín dụng bất động sản.

Không "siết" vay nhưng hết "room"

Tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ phát ngôn hay có văn bản nào sử dụng từ "siết tín dụng" đối với lĩnh vực bất động sản mà là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán…

img

Doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn vay vì hết room (ảnh minh hoạ)

Nhưng trên thực tế, không ít doanh nghiệp đang "kêu trời" vì khó tiếp cận nguồn vốn vay. Ông Nguyễn Minh Nhật, Tổng giám đốc Vạn Xuân Group chia sẻ, cái vướng lớn nhất của doanh nghiệp là về vốn và hành lang pháp lý.

Theo ông Nhật, để bán được hàng, doanh nghiệp phải hoàn thành phần nền móng và hồ sơ pháp lý. Việc này phải nhờ vào tín dụng từ ngân hàng.

Doanh nghiệp ông đã làm hồ sơ vay ngân hàng từ 3-4 năm nay, và hiện có khoản vay hơn 2.000 tỉ đồng đang chờ ngân hàng giải ngân. Thế nhưng, các ngân hàng từ tháng 3 đến nay bảo đã “hết room” nên chưa chịu giải ngân.

Cũng theo ông Nhật, các đại diện ngân hàng thông tin vẫn cho vay bình thường nhưng ở góc độ doanh nghiệp ông lại không thấy bình thường.

“Mỗi ngân hàng nói một kiểu nên doanh nghiệp rất rối. Doanh nghiệp sống sót vượt qua tâm dịch Covid-19 đã là điều rất may mắn nhưng thông tin vay vốn từ ngân hàng làm chúng tôi rất bất an. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm doanh nghiệp bất động sản rất cần nguồn vốn từ ngân hàng”, ông Nhật nói.

Do đó, Tổng giám đốc Vạn Xuân Group kiến nghị cần có hành lang pháp lý rõ ràng, cởi mở để thị trường bất động sản phát triển ổn định, doanh nghiệp dễ tiếp cận chính sách và triển khai dự án.

Bà Võ Thị Hồng Mai, Phó TGĐ Công ty Asian Holding cũng cho biết, có khoảng 20-30% tổng số lượng khách cần tới nhu cầu đòn bẩy tài chính từ ngân hàng. Tuy nhiên, thông tin ngân hàng siết tín dụng đã khiến thị trường vốn trầm lắng lại thêm ảm đạm và khó khăn hơn.

Bà Mai mong muốn ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn, “nới room” tín dụng cho doanh nghiệp và cả khách hàng để thị trường có thể ấm lại trong 6 tháng cuối năm.

Không tiếp cận được vốn, doanh nghiệp có thể "tắc thở"

Cùng những lo ngại tác động từ hoạt động tín dụng đến thị trường bất động sản, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện nay doanh nghiệp bất động sản có các kênh huy động vốn chính gồm: Vốn sở hữu, vốn tín dụng từ ngân hàng, phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng và vốn FDI chảy vào thị trường theo con đường liên doanh liên kết.

Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm từ 15 - 20%. Còn 80 - 85% còn lại phải huy động từ các kênh khác. Nhưng từ sau khi có Nghị định 20 của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp bất động sản chỉ được vay để thực hiện dự án khi đã có đất, không được vay tiền để mua đất. Thông tư 20 cũng không cho cá nhân, hộ gia đình vay mua nhà ở xã hội. Người mua nhà ở xã hội chỉ còn một kênh duy nhất là vay ở ngân hàng chính sách xã hội.

Hiện nay thị trường bất động sản đang thiếu thanh khoản do nhiều dự án không thể triển khai, dẫn đến thiếu sản phẩm, trong khi nhu cầu của nhà đầu tư và người mua nhà rất lớn.

Doanh nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng mặc dù phía Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định không có chủ trương siết tín dụng bất động sản mà chỉ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản.

“Nguồn vốn tín dụng đối với nền kinh tế và thị trường bất động sản là mạch máu lưu thông, là bình oxy, dưỡng khí. Nếu không tiếp cận được nguồn vốn doanh nghiệp ngộp thở, có thể đi đến “tắc thở”.

Do đó, ông Châu cho rằng, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản khỏe mạnh, những khách hàng có tín nhiệm của ngân hàng thương mại; những doanh nghiệp có dự án khả thi được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Người dân cũng cần tiếp cận được nguồn vốn để mua nhà, xây nhà.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài Chính, cho biết, đối với lĩnh vực bất động sản, tín dụng là nguồn vốn rất quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Do vậy, việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro là việc nên làm. Tuy nhiên, nếu kiểm soát theo cách “đại trà” sẽ có những tác động không tốt lên thị trường.

Đối với những doanh nghiệp lớn có nhu cầu tài chính và đầu tư lớn, nhu cầu tín dụng cho bất động sản của họ rất lớn. Nếu dừng cho vay hàng loạt dự án phải dừng lại. Điều này không chỉ tác động đến nguồn cung trên thị trường, việc làm cho xã hội mà tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng sẽ giảm đi.

Đối với các doanh nghiệp đang có sản phẩm sắp đưa ra thị trường, việc dừng cho vay có thể làm phát sinh nợ xấu vì dự án không bán được.

Về phía người mua nhà, hiện nay có nhiều người đã đặt cọc nhưng không đủ năng lực tài chính và phải đi vay. Tuy nhiên từ khi có Thông tư 20, việc vay mua nhà chỉ có thể vay ở ngân hàng chính sách, còn ngân hàng thương mại không vay được.

Với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nếu người mua khó vay để mua nhà, người bán khó bán. “Người bán khó, nợ xấu tăng lên thì “ông" ngân hàng lo trước”...

Từ những vấn đề nêu trên, ông Thịnh cho rằng, phải có lựa chọn linh hoạt và phù hợp trong từng thời điểm, ở từng thị trường và từng phân khúc. Chẳng hạn như ở phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân nguồn cung ít, tiêu thụ tốt thì phải đẩy mạnh cho vay, thậm chí cho vay với lãi suất ưu đãi bằng các chính sách ưu đãi.

Ông Thịnh cũng đề nghị việc cho vay với doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt cần thực hiện ráo riết hơn để cung ứng nguồn cung ra thị trường. Ngoài ra, phía Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện để là người mua nhà lần đầu họ tiếp cận vốn vay để có cơ hội an cư lạc nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.