Pháp đình

Chưa thể tuyên án vụ QLTT Sóc Trăng để phân “dởm” bán ra ngoài

09/07/2019, 14:55
image

Viện kiểm sát đưa ra chứng cứ mới, nhưng các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng đó không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

img
Bị cáo Châu Hoài Phương (trái) và bị cáo Ung Văn Thanh tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Gia Minh

Viện kiểm sát nói đúng, luật sư nói sai

Liên quan đến vụ Cán bộ Quản lý thị trường (QLTT) Sóc Trăng để phân bón “dởm” ra thị trường, sáng 9/7, TAND TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, xảy ra tại Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng. Hai bị cáo là ông Châu Hoài Phương (40 tuổi, nguyên Phó Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng) và Ung Văn Thanh (35 tuổi, nguyên Kiểm soát viên). Đây là vụ án được dư luận rất quan tâm, bởi các bị cáo luôn một mực kêu oan.

Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX đã đưa ra văn bản 3559/TB-A61-A92 của Tổng cục An ninh (Bộ Công an) ngày 10/8/2015 về việc truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang về giải quyết một số vướng mắc khi triển khai thực hiện Thông tư số 28/2014/TT-BCA.

Nêu ý kiến về văn bản nêu trên, luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ người bào chữa cho bị cáo Châu Hoài Phương cho rằng, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản 3559 là một thông báo, không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Tranh luận với ý kiến của luật sư Đức, đại diện Viện KSND TP Sóc Trăng khẳng định rằng, việc Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Sóc Trăng thụ lý điều tra vụ án này là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Bởi khi tiến hành điều tra vụ án, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã có bút phê giao cho Cơ quan ANĐT (A92) thụ lý điều tra. Đồng thời, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cũng đã có trao đổi và thống nhất với Viện trưởng Viện KSND tỉnh Sóc Trăng giao cho cơ quan ANĐT điều tra vụ án này để đảm bảo tính khách quan.

Vì vậy, đại diện Viện KSND TP Sóc Trăng khẳng định: “Việc điều tra của cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Sóc Trăng hoàn toàn có căn cứ và đúng với quy định của pháp luật, không sai về mặt thủ tục”.

Tranh luận thêm xoay quanh vấn đề thẩm quyền, luật sư Nguyễn Văn Đức cho rằng: văn bản 3559 được sao y vào ngày 3/7/2019 thì đây là văn bản “chữa cháy”, đối phó. Bởi, đối chiếu với Luật Tổ chức điều tra án hình sự, trong trường hợp này phải có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an chứ không phải của Tổng cục An ninh.

“Đây là văn bản của Cơ quan An ninh cấp trên thông báo cho Cơ quan An ninh cấp dưới (nếu có) và được sao y mới đây. Trường hợp thẩm quyền điều tra vụ án này không thuộc Cơ quan An ninh Điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng”, luật sư Đức bảo lưu quan điểm.

Ngoài ra, các luật sư khác tham gia bào chữa cho hai bị cáo đều cho rằng, thông báo của Tổng cục An ninh (văn bản 3559 - PV) không phải văn bản quy phạm pháp luật, và Tổng cục An ninh cũng không phải là người phát ngôn của Bộ Công an.

img
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), người bào chữa cho bị cáo Phương tranh luận tại phiên tòa. Ảnh: Gia Minh

Các bị cáo luôn một mực kêu oan, tòa chưa thể tuyên án

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Châu Hoài Phương cho rằng, trong vụ án này, bị cáo và bị cáo Thanh không có tội, vì một cán bộ công chức Nhà nước luôn áp dụng Luật, các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý vi phạm. Trong khi đó, văn bản thông báo của Tổng cục An ninh (Bộ Công an) không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

“Đến giờ gần tuyên án, Viện kiểm sát lại cung cấp văn bản 3559 cho HĐXX để xem xét, có phải chăng là kéo dài vụ vụ án, nhằm buộc tội bị cáo. Trong khi đó, tất cả thành viên trong Đoàn Kiểm tra liên ngành (KTLN) đều thống nhất xử lý. Đến hôm nay, Viện kiểm sát lại đưa văn bản này vào hồ sơ vụ án để hợp thức hóa rằng thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra là đúng pháp luật. Như vậy có đúng hay không?”, bị cáo Phương trình bày.

Còn bị cáo Thanh cũng khẳng định, thông báo 3559 không phải là văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Luật tố tụng hình sự ghi nhận và đề nghị HĐXX tuyên bác lập luận của đại diện Viện kiểm sát. Đồng thời, tuyên bị cáo không phạm tội.

Mặt khác, luật sư Nguyễn Văn Đức cũng chỉ ra rằng, trong văn bản này (thông báo 3559 - PV) của Tổng cục An ninh, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã bút phê. Vậy, nội dung bút phê đó là như thế nào? Đồng ý hay không đồng ý? Đồng ý một phần hay đồng ý toàn bộ? Vấn đề này, địa diện Viện kiểm sát cũng không cung cấp được.

“Tại Điều 17 Luật Tổ chức điều tra các vụ án Hình sự, trong trường hợp này không thuộc thẩm quyền của cơ quan ANĐT thì phải có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng trong quá trình tranh luận tại phiên tòa, các đại diện Viện KSND không đồng ý vận dụng Luật Tổ chức điều tra. Như vậy, vô hình trung Viện kiểm sát đã tự mình mâu thuẫn với lập luận của mình”, luật sư Đức nói.

Được nói lời sau cùng tại phiên tòa hôm nay trước khi HĐXX tuyên án, cả hai bị cáo Châu Hoài Phương và Ung Văn Thanh đều một mực khẳng mình không có tội và mong HĐXX xem xét, đánh giá toàn diện các chứng cứ cũng như quá trình xét hỏi để có bản án công tâm, khách quan và không chấp nhận cáo trạng số 31 ngày 25/4/2019 và tuyên các bị cáo không phạm tội.

Kết thúc phần tranh luận, Chủ tọa, Thẩm phán phiên tòa cho biết, HĐXX nghị án đến ngày 12/7/2019 sẽ tuyên án.

Video: TAND TP Sóc Trăng xét xử sơ thẩm vụ QLTT Sóc Trăng để phân “dởm” bán ra ngoài vào sáng 9/7:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.