Thị trường

Chưa xử lý đúng "gốc" vấn đề xăng dầu?

19/10/2022, 12:20

Theo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần xử lý đúng “gốc” vấn đề. Nếu không, hệ quả sẽ rất lớn khi nhiều cửa hàng đóng cửa do không trụ nổi.

Bất ổn vẫn diễn ra

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ Công thương, người phát ngôn bộ này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thừa nhận: Trên cả nước có 17.000 cửa hàng xăng dầu, vừa rồi xảy ra các sự việc cửa hàng đóng cửa, tạm ngưng bán hàng, số lượng chính xác cần phải thống kê lại. Nhưng dù có bao nhiêu đi chăng nữa, đó cũng là trách nhiệm của Bộ Công thương (là đầu mối) và các Bộ ngành khác có liên quan.

"Chúng tôi nhìn thẳng vào những trách nhiệm đó và có biện pháp xử lý, giải quyết", ông Đỗ Thắng Hải nói.

Bộ này cũng chỉ ra các nguyên nhân chính, dẫn đến việc thiếu nguồn cung khiến cho một bộ phận người dân phải vật vạ khắp nơi tìm mua xăng.

Như là, nhập khẩu khó khi nguồn cung thế giới cũng không ổn định và giá biến động mạnh, hay là liên quan đến việc một số doanh nghiệp bị tước giấy phép chủ yếu ở khu vực miền Nam, do nhà máy lọc dầu có xu hướng tăng sản xuất dầu diezel trước cơn sốt mặt hàng này trên toàn cầu, hay do lỗ nặng khi chiết khấu giảm nhưng chi phí tăng cao khiến cho doanh nghiệp bán lẻ hạn chế nhập hàng hoặc đóng cửa...

img

Nhiều cây xăng ở Hà Nội cũng đã có hiện tượng dòng người nối đuôi nhau đi đổ xăng dầu

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp tỏ ra thất vọng trước những giải pháp mang tính lý thuyết, chỉ nêu lên phần ngọn mà không xử lý đúng “gốc” vấn đề.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một doanh nghiệp than rằng, cuộc đối thoại giữa liên bộ Bộ Công thương – Tài chính và doanh nghiệp không có tiếng nói chung, liên Bộ vẫn không lắng nghe. Kết luận còn “hết sức chung chung”.

Một doanh nghiệp khác cho biết, hiện thị trường xăng dầu vẫn chưa ổn, thậm chí sau cuộc họp, “ông lớn” PVOIL còn có tình trạng đình trệ hàng của các doanh nghiệp bán lẻ nhượng quyền.

“Từ sau kỳ điều hành ngày 11/10, 2 cửa hàng bán lẻ nhượng quyền từ PVOIL của tôi lúc nào cũng trong tình trạng thiếu hàng, dừng bán, rồi lại có nhỏ giọt.

Việc lấy hàng rất khó khăn, phía PVOIL thông báo khan hàng, hiện bán theo số lượng bình quân chia theo tháng, tuy nhiên, thời gian giao hàng không hẹn trước. Mỗi cửa hàng cứ hết 2 ngày, lại có một ít hàng bán được hơn 1 ngày, lại tiếp tục nghỉ”, doanh nghiệp bán lẻ ở An Giang cho biết.

Điều đáng nói, sau khi các bộ hứa “bàn” với doanh nghiệp đầu mối để điều chỉnh, thì các doanh nghiệp bán lẻ cho biết, mức chiết khấu cũng chẳng khá lên được. Phổ biến ngưỡng 10 đồng cho vùng 1 và 200-210 đồng cho vùng 2 (chưa tính tiền vận chuyển về kho bán lẻ)...

“Tức là, tiếp tục chịu lỗ vẫn phải bán, thậm chí năn nỉ để được có hàng bán”, chủ một doanh nghiệp than thở.

Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý cần xử lý đúng “gốc” vấn đề. Nếu không, khi doanh nghiệp không còn đủ sức chịu, họ sẵn sàng đóng cửa. Lúc đó không chỉ cả hệ thống gánh hậu quả, mà người dân cũng sẽ chịu thiệt...

Còn lỗ hổng cần xử lý

Giải pháp cốt lõi được giới chuyên gia, cơ quan điều hành và cả doanh nghiệp nhấn mạnh là điều chỉnh lại các khoản chi phí trong công thức giá cơ sở. Đồng thời, phải thiết lập lại khâu phân phối xăng dầu, kiểm soát sản lượng từ các doanh nghiệp đầu mối.

Tuy nhiên, một chuyên gia lo ngại, những bất cập trong việc quản lý sản lượng nhập khẩu hiện nay có thể khiến thị trường mất kiểm soát.

Thực tế, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Một năm, Bộ Công thương giao hạn mức cho doanh nghiệp nhập khẩu, nhưng không nhất thiết tháng nào hạn mức nhập khẩu cũng giống nhau, có tháng nhiều, tháng ít, cuối năm đảm bảo đủ tổng lượng nhập khẩu là được".

Phân tích về điều này, vị chuyên gia cho rằng, nếu lỗ quá, nhiều đầu mối cùng lúc không nhập hàng mà dồn vào tháng nào thuận lợi mới nhập, việc này sẽ "nguy to" cho thị trường.

"Bởi lẽ, xăng dầu không như cửa hàng tạp hóa, không mua chỗ này có thể sang chỗ khác gần đó, mà khoảng cách giữa các cây xăng tính bằng nhiều km, việc đóng cửa một vài cây xăng đã ảnh hưởng đến phạm vi hàng chục km bán kính của khách hàng, người dân", chuyên gia này cho hay.

Do đó, theo vị này, trong bối cảnh dị biệt, cần những điều hành khác thường để cứu hệ thống xăng dầu.

Vì sao cả quý không nhập khẩu giọt nào?

Bộ Tài chính chỉ ra, một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu thiếu hụt trong thời gian vừa qua là do doanh nghiệp đầu mối không nhập hàng, hoặc giảm tối đa lượng hàng nhập khẩu.

Đáng chú ý, có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng quý 3 cũng không nhập, như Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil.

Hay 2 doanh nghiệp đầu mối khác cũng không có lượng nhập hàng ghi nhận trong quý 3, đó là Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Bà Mai Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc của Xuyên Việt Oil cho rằng, việc dừng nhập khẩu xăng dầu trong quý 3 do doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động nhập khẩu từ cơ quan chức năng, không phải do công ty không thực hiện nhập khẩu.

Bà Hạnh khẳng định: “Đối với các doanh nghiệp xăng dầu lớn như chúng tôi hay Nam Sông Hậu, nếu không cho phép nhập khẩu, chắc chắn 13 tỉnh miền Tây sẽ thiếu hàng".

Còn ông Mai Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT của Nam Sông Hậu giải thích, đơn vị không nhập khẩu nước ngoài vì ngày 15/8, Tổng cục Hải quan ra văn bản tạm đình chỉ hoạt động làm thủ tục hải quan các kho xăng dầu.

Về việc này, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, việc tạm dừng thủ tục hải quan là do DN bị tước giấy phép từ Thanh tra Bộ Công thương.

Tuy nhiên, ông Nghiệp cũng nhấn mạnh, quyết định tạm dừng chỉ trong 2 tháng. Hết 2 tháng trên, những doanh nghiệp này đã hoạt động bình thường.

Tức là, nhẽ ra DN vẫn sẽ có sản lượng nếu họ chủ động nhập khẩu ngoài thời gian bị tạm đình chỉ. Hai DN trên đều cho biết, họ đã mua xăng dầu tại 2 nhà máy lọc dầu trong nước thời gian qua.

Như vậy, lỗ hổng không chỉ là cảnh báo mà nó đã là vấn đề cần giải quyết!.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.