Trong nước

Chuẩn bị cho SEA Games 28: Đừng xem nhẹ “ao làng”

27/04/2015, 08:15

SEA Games 28 đang cận kề và theo nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu, dù biết SEA Games chỉ là “cái ao làng”

401

Vận động viên môn vật Cấn Tất Dự giành HCV hạng cân dưới 74 kgSEA Games 26

SEA Games 28 đang cận kề và theo nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu, dù biết SEA Games chỉ là “cái ao làng” nhưng chúng ta vẫn phải chơi. Vấn đề chơi đến đâu để vừa không lãng phí sức, vừa tôi rèn cho các môn Olympic.

Còn cả một lứa trẻ đầy hứa hẹn

SEA Games 28 diễn ra tại Singapore được tổ chức vào tháng 6, tức là sớm hơn so với mốc thời gian cũ khoảng 5 tháng. Theo ông điều này có ảnh hưởng tiêu cực tới sự chuẩn bị của thể thao Việt Nam?

Bản thân tôi đã theo dõi 10 kỳ SEA Games gần nhất và tất cả đều tổ chức vào dịp cuối năm. Chu kỳ SEA Games là chu kỳ hai năm và các quốc gia đều phải có những sự chuẩn bị nhất định. Nói vui là vừa chạy vừa xếp hàng. Như vậy, sự ảnh hưởng là có nhưng không nhiều. Hơn nữa, dễ người thì dễ ta mà khó người thì khó ta. Các kỳ SEA Games trước những quốc gia khác tham gia chứ đâu phải riêng chúng ta.

Tại SEA Games 28, nhiều môn thế mạnh của Việt Nam như: Vật, karatedo, vovinam... đã bị gạt khỏi nội dung thi đấu. Theo ông những thay đổi này sẽ tác động thế nào tới mục tiêu của Đoàn Thể thao Việt Nam?

"Tôi cho rằng, việc HLV Miura xác định chỉ tiêu vào bán kết tại SEA Games 28 là hợp lý bởi nói gì thì nói, lứa Công Phượng, Tuấn Anh vẫn còn “xanh” lắm.

Nhà báo Nguyễn Lưu

SEA Games nào cũng theo “lệ làng”, tức là nước chủ nhà đều chọn cái “ngon” cho mình và tìm cách hạn chế thế mạnh của các đoàn khác. Năm nay, thể thao Việt Nam thiệt thòi nhiều. Môn vật chúng ta có thành tích ở châu Á chứ không chỉ ở SEA Games. Mất karatedo cực kỳ tiếc bởi vừa rồi ở giải karatedo Đông Nam Á, chúng ta giành tới 12 HCV, vượt qua cả Thái Lan và Malaysia. Bắn súng là một trong bốn môn thế mạnh của đoàn Việt Nam thì hiện chỉ còn 12/28 nội dung chúng ta có thể tranh huy chương.

Tuy nhiên, theo tôi, thành tích giành 55-65 HCV vẫn nằm trong tầm với của Đoàn Thể thao Việt Nam. Chúng ta vẫn còn cả một lứa trẻ đầy hứa hẹn của điền kinh dù Vũ Thị Hương đã chia tay đội tuyển. Taekwondo, wushu cũng có tiềm lực cạnh tranh huy chương. Rồi cả các nội dung đấu kiếm…

Có nhiều ý kiến cho rằng, sân chơi SEA Games không còn nhiều sức hút bởi nó không khác gì “cái ao làng”. Theo ông, thể thao Việt Nam có nên tập trung đầu tư cho các môn trọng điểm hướng tới đấu trường Olympic, ASIAD thay vì vơ vét huy chương tại SEA Games?

Tôi từng nghe có người nói không nên tham dự SEA Games nữa nhưng tôi thấy như vậy không thỏa đáng. Dù biết SEA Games chỉ là “cái ao làng” nhưng chúng ta vẫn phải chơi. Vấn đề chơi đến đâu để vừa không lãng phí sức, vừa tôi rèn được nhiều hơn cho các môn Olympic. Chúng ta vẫn phải tham dự SEA Games để làm tròn nghĩa vụ của một thành viên ASEAN. Bên cạnh đó, thể thao còn dẫn đường cho kinh tế, chính trị, xã hội. Tham gia SEA Games, đồng nghĩa với việc hình ảnh Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn.

Trở lại với câu chuyện SEA Games 28. Hơn 40 năm theo dõi thể thao nước nhà, đây là lần đầu tiên tôi thấy vui mừng vì những nhà làm thể thao Việt Nam đã dám giã từ giấc mơ “ao làng”, không quyết tâm có được vị trí trong top ba bằng mọi giá và lấy đó làm bàn đạp hướng ra châu lục, thế giới. Vì ngay năm sau là Olympic Brasil, ba năm sau nữa là ASIAD. Tuy nhiên, theo tôi thể thao Việt Nam chắc chắn không thể nằm ngoài top 5 SEA Games 28.

402

Văn Ngọc Tú (phải) sở hữu 5 HCV SEA Games 22, 23, 24, 25 và 27

Muộn còn hơn không

Sự chuyển biến này của thể thao Việt Nam có quá muộn so với các nước trong khu vực?

Muộn còn hơn không. Chúng ta luôn tự hào là một cường quốc thể thao trong khu vực, dự SEA Games gặt vàng dễ như trở bàn tay nhưng khi bước ra “biển lớn” chúng ta mới thấy mình kém. Ngay như ở kỳ ASIAD 17 vừa qua chúng ta chỉ đứng thứ sáu khu vực sau Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và cả Myanmar.

Có một thực tế tồn tại là nhiều VĐV nước ta thi đấu ở SEA Games rất thành công nhưng khi bước ra đấu trường châu lục lại không thể hiện được hết khả năng. Đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, thưa ông?

Cũng không hẳn là như vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi ngược lại là tại sao những VĐV chơi hay ở Olympic, ở ASIAD nhưng về SEA Games lại thua. Hoàng Anh Tuấn có HCB Olympic nhưng ở cả hai kỳ SEA Games đều chẳng được gì. Cũng có những cái tên như Trần Hiếu Ngân (Taekwondo) đánh ở SEA Games bình thường nhưng đi Olympic Sydney có HCB ngay. Lê Bích Phương (Karatedo) lấy vàng ở ASIAD 2010 tại Quảng Châu nhưng thành tích ở SEA Games cũng không có gì nổi bật. Nói vậy để thấy rằng sở dĩ các VĐV khi ra châu lục hay thế giới thường thất bại là do trình độ còn chưa tới, những đầu tư về kinh tế, chất xám chưa đến nơi đến chốn. Ngoài ra, cũng có những cái không thể giải thích nổi như Hoàng Xuân Vinh là nhà Vô địch thế giới nhưng hai lần ASIAD đều hỏng.

Thời gian qua, dư luận xôn xao việc ông cùng một số nhà báo thể thao lão làng gửi tâm thư lên lãnh đạo ngành Thể thao bày tỏ ý kiến cho rằng, ông Phạm Văn Long không đủ điều kiện để dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nữ tại SEA Games 28?

Tôi biết Phạm Văn Long từ khi anh còn là một tay chuyền hai của Thể Công cho đến khi trở thành HLV. Nếu nói về chuyên môn, anh Long là một trong những HLV giỏi nhất của bóng chuyền Việt Nam. Tuy nhiên, khi nắm đội tuyển và đại diện cho hình ảnh cả một quốc gia thì cần phải có cái nhìn tổng thế hơn. Anh Long quá nóng tính và thường xuyên có những hành động thiếu kiềm chế trong lúc chỉ đạo trên sân. Giải VTV vừa rồi là một ví dụ điển hình. Ngoài ra, tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều lần anh Long nóng nảy làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của thể thao Việt Nam.

Thể thao thành tích cao Việt Nam luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn nội bộ dẫn đến ảnh hưởng tới thành tích. Theo ông nên giải quyết tồn tại này ra sao cho thấu đáo?

Nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn là do tư tưởng cát cứ, cục bộ vẫn còn tồn tại trong tư duy của nhiều lãnh đạo. Trong các hội diễn văn hóa, người ta vẫn phân bổ huy chương theo vùng miền nhưng thể thao thì chỉ có một người giành chiến thắng và mâu thuẫn là điều đương nhiên. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề là báo chí và toàn xã hội phải vào cuộc để dần dần thay đổi tư duy của những người làm thể thao.

Riêng về ĐT U23 Việt Nam, ông cho rằng mục tiêu lọt vào bán kết bóng đá nam SEA Games 28 có phải là hợp lý?

Bóng đá là môn thể thao vua và tất nhiên đội U23 lần này nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ người hâm mộ. Sự quan tâm này bắt nguồn từ khóa đào tạo đầu tiên của HAGL JMG đã cho ra “lò” lứa cầu thủ tài năng, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với lớp trẻ chúng ta không tỉnh táo sẽ rất dễ gây ra tác dụng ngược lại.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.