Xã hội

Chức vụ nào có xe dẫn đoàn, lắp còi ủ?

09/04/2020, 06:44

Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng xin cấp giấy phép và lắp đặt, sử dụng các thiết bị ưu tiên, quyền xe ưu tiên để phục vụ mục đích riêng.

img
Năm 2018, CSGT TP HCM phát hiện xe biển xanh này lắp còi ủ chạy trên nhiều tuyến phố, nhưng khi xác minh, đây lại là xe của một người kinh doanh xe... tự lái

Bộ Công an vừa lấy ý kiến về dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định quy định về tín hiệu của phương tiện được quyền ưu tiên, thay thế Nghị định số 109/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Dự thảo đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế việc lạm dụng tín hiệu ưu tiên, lợi dụng xe được quyền ưu tiên chở người sai quy định.

Nhiều người nhầm lẫn xe ưu tiên

Theo đại diện Bộ Công an, thời gian qua, việc áp dụng Nghị định 109 của Chính phủ về xe ưu tiên đã bộc lộ những bất cập, dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng xin cấp giấy phép và lắp đặt, sử dụng các thiết bị ưu tiên, lạm dụng tín hiệu ưu tiên, quyền xe ưu tiên để phục vụ mục đích cá nhân.

Trong 10 năm qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 1.833 trường hợp vi phạm về lắp đặt, sử dụng thiết bị ưu tiên không đúng quy định, trong đó có 135 trường hợp xe không được quyền nhưng lắp đặt thiết bị ưu tiên, 1.698 trường hợp xe được quyền nhưng lắp đặt thiết bị ưu tiên không đúng quy định hoặc không có giấy phép sử dụng.

Lãnh đạo Phòng Tuần tra dẫn đoàn, Cục CSGT (Bộ Công an) cho hay, đối tượng phương tiện được lắp còi, đèn ưu tiên gồm: Xe công an, quân đội đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe phòng cháy chữa cháy, xe cứu thương, xe CSGT dẫn đoàn, xe làm nhiệm vụ khẩn cấp trong dịch bệnh, thiên tai...

“Theo quy định, đối tượng được bố trí xe CSGT dẫn đoàn gồm: Các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, các đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đại biểu dự các Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư, các kì họp Quốc hội, đại hội Đoàn toàn quốc, Đại hội T.Ư Nông dân, T.Ư Hội Cựu chiến binh, T.Ư MTTQ Việt Nam. Còn đối với các Bộ trưởng, Ủy viên T.Ư không nằm trong đối tượng được lắp còi đèn ưu tiên cũng như trong diện bố trí CSGT dẫn đoàn, nên sẽ chỉ được sử dụng tín hiệu ưu tiên khi đi làm các nhiệm vụ khẩn cấp theo qui định”, lãnh đạo Phòng Tuần tra dẫn đoàn cho biết.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho rằng, nhiều người dân nhầm lẫn, cho rằng luật ưu tiên cho xe biển xanh/biển đỏ khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc xe biển xanh hay đỏ chỉ là để phân biệt giữa khối cơ quan Nhà nước, cơ quan tư nhân, cơ quan thực thi công vụ... Theo Luật GTĐB, các xe biển xanh/đỏ/trắng đều bình đẳng như nhau khi tham gia giao thông, trừ khi xe đó tham gia các nhiệm vụ khẩn cấp.

“Luật quy định khi hết nhiệm vụ khẩn cấp, các xe không được lạm dụng quyền ưu tiên đi trên đường. Thực tế, giám sát việc này rất khó khăn, bởi không thể biết xe nào đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, xe nào đã hoàn thành nhiệm vụ khẩn cấp”, Thượng tá Quỹ nói.

Quy định rõ phải giám sát nghiêm

Tính đến nay, cả nước có khoảng 23.982 xe được quyền ưu tiên (xe ô tô và mô tô) gồm: 2.482 xe chữa cháy, 3.387 xe cứu thương, 299 xe Quân sự, 9.474 xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, 5.465 xe CSGT, 2.875 xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh và xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Trong dự thảo mới, Bộ Công an quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các đối tượng được lắp đặt, sử dụng thiết bị ưu tiên, nhất là đối với các xe đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai (xe hộ đê); bổ sung thêm một số đối tượng được quyền ưu tiên như xe CSGT dẫn đường, xe làm nhiệm vụ cảnh vệ, phương tiện thuỷ nội địa…

Quy định của dự thảo cũng giúp người tham gia giao thông dễ phân biệt được từng loại xe ưu tiên, như xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp có đèn quay/đèn chớp phát sáng (đèn ưu tiên) màu đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe phía trái người lái; xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp có đèn ưu tiên xanh - đỏ gắn trên và gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau, cờ hiệu công an cắm ở đầu xe; xe CSGT dẫn đường có đèn ưu tiên trên nóc xe, cờ hiệu công an cắm ở đầu xe phía trái người lái; xe làm nhiệm vụ cứu hộ đê có cờ hiệu “HỘ ĐÊ” cắm ở đầu xe và biển “XE HỘ ĐÊ” dán ở kính trước vô lăng…

Theo dự thảo, khi bán, thanh lý, thay đổi mục đích sử dụng xe được quyền ưu tiên phải đến cơ quan có thẩm quyền để trả lại giấy phép ưu tiên và gỡ bỏ thiết bị theo quy định.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho rằng, dự thảo đã quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn trước. Chẳng hạn, quy định rõ đèn/cờ sẽ giúp người tham gia giao thông dễ nhận biết, giám sát được các xe ưu tiên, chẳng hạn như một chiếc xe hộ đê thì hú còi, bật đèn ưu tiên đi vào khu phố cổ, khu dân cư... là bất thường. “Người dân, người tham gia giao thông cùng giám sát; người điều khiển phương tiện ưu tiên phải thực hiện đúng quyền năng của mình, thì sẽ đảm bảo tốt yếu tố pháp lý”, ông Quỹ nói.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Dự thảo quy định về xe ưu tiên của Bộ Công an theo hướng cụ thể, siết chặt quản lý loại phương tiện này là cần thiết. Tuy nhiên, cần có sự kiểm tra, rà soát thường xuyên để phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm.

Theo ông Lê Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, nếu để lạm dụng tín hiệu xe ưu tiên, sẽ gây ảnh hưởng cho quá trình tham gia giao thông, bởi khi đó các phương tiện khác đều phải nhường đường hoặc dừng lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.