Vận tải

Chui hầm, đội nắng đóng tàu "khủng", thu nhập thấp vẫn bám trụ với nghề

15/09/2019, 15:35

Nghề đóng tàu thủy đòi hỏi tay nghề cao, tỉ mỉ vì chỉ “sai một li, đi một dặm” nhưng môi trường làm việc lại vô cùng nặng nhọc, độc hại.

img
Ngành đóng tàu Việt Nam hiện nay có hơn 100 nhà máy đóng, sửa chữa tàu với trọng tải trên 1.000 tấn, với 170 công trình nâng hạ thủy. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy khoảng 2,6 triệu tấn/năm. Nghề đóng tàu thủy đòi hỏi tay nghề cao, tỉ mỉ vì chỉ “sai một li, đi một dặm” nhưng môi trường làm việc lại vô cùng nặng nhọc, độc hại. Dù là đóng mới hay sửa chữa, hoán cải, dù là làm trong xưởng hay ngoài trời, họ đều phải chịu khói, bụi, tiếng ồn, rồi nóng bức, thiếu khí. Ảnh: thợ đóng tàu đội nắng sửa chữa tàu
img
Hiện Việt Nam có thể đóng các loại tàu rất đa dạng từ: hàng rời, tàu dầu, tàu chở container, tàu hàng thường, tàu chở ô tô, tàu chở khí hóa lỏng… từ hàng chục đến hàng trăm nghìn DWT như tàu chở dầu 105000 DWT. Từ năm 2008 đến nay, lĩnh vực đóng tàu luôn trong tình cảnh lao đao, thiếu việc do thị trường vận tải biển xuống dốc.
Tuy nhiên, trong xưởng vỏ tàu của các đơn vị thành viên SBIC, những người thợ vẫn miệt mài làm việc để kịp bàn giao cho đối tác. Họ phải thực hiện nhiều công đoạn, từ cắt, tạo hình vỏ, đấu ghép thành các block trong tiếng ồn ầm ĩ của tiếng máy cắt thép, tiếng búa, tiếng hàn xì...
img
Họ đang phải đấu tranh tư tưởng để bám trụ với nghề bởi thu nhập thấp. Trung bình, với những đơn vị đủ việc làm, thu nhập bình quân cũng chỉ đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Trong khi công việc rất nặng nhọc. Dù phân xưởng nóng bức, thợ đóng tàu vẫn phải bịt kín mít để đảm bảo an toàn lao động, thực hiện tỉ mỉ việc dựng khung tàu vỏ nhôm, đòi hỏi cao về kĩ thuật, nhất là hàn
img
Đây là mức thu nhập rất không tương xứng. Vì công nhân ngành đóng tàu đòi hỏi mức độ đào tạo chuyên môn, kĩ thuật cao hơn so với ngành nghề khác; tính chất công việc thì nặng nhọc, độc hại. Lao động mới ra trường, doanh nghiệp đóng tàu phải đào tạo tiếp mất mấy năm theo hình thức thợ giỏi kèm cặp, rồi tổ chức thi lấy chứng chỉ, thử tay nghề. Có chứng chỉ rồi mới được đăng kiểm cho phép thi công trên tàu. Vì vậy, lực lượng lao động này rất dễ bị thu hút từ các doanh nghiệp cơ khí khác có mức lương cao hơn, điều kiện làm việc đỡ vất vả hơn. Trong ảnh: thợ đóng tàu đang thực hiện các chi tiết sau khi đã dựng xong block
img
Không ít người có ý định bỏ nghề. Những người ở lại mong ngành đóng tàu sớm vượt qua giai đoạn khó khăn để có thu nhập tăng thêm. Trong ảnh: Những người thợ chui trong khoang tàu kiểm ngư để kiểm tra, chỉnh sửa, lắp ráp từng con bu lông, ốc vít, các chi tiết
img
Một thợ đóng tàu cho biết, khi đấu đà, ghép nối các block trên triền để hình thành nên con tàu hoàn chỉnh, anh em phải hàn trong các khe ngách nhỏ hẹp ở khoang tàu kín mít, chật chội, nóng bức, thiếu ánh sáng, khói hàn ngột ngạt mùi dầu, mùi tôn mới, mùi cháy khét của kim loại, tiếng đe búa đinh tai váng óc. Nhất là trong hầm tàu dầu, các khoang hầm chỉ thông với nhau bằng các “cửa giảm trọng” là những lỗ tròn vừa đúng một người chui, trong khi độ nóng của que hàn là cực lớn, truyền vào những tấm tôn. Những người thợ hàn phải hàn trong tất cả các tư thế, từ ngửa thẳng mặt lên đến gập người sát xuống những tấm tôn.
img
Còn ở phía ngoài, họ phải cheo leo trên giàn cao để mài, hàn vỏ tàu, hoàn thiện các chi tiết
img
Thợ đóng tàu đứng trên giàn giáo cao hàng mét để kiểm tra, hoàn thiện các chi tiết, mối hàn
img
Dưới hầm tàu cách boong tàu khoảng 20m đang phơi trong nắng hè, giữa cái nóng lên đến hơn 40 độ, lại thêm gia nhiệt bởi cả khối sắt thép khổng lồ đang bị nung trong nắng, những người thợ đóng tàu vẫn miệt mài, nào hàn, nào mài, nào cắt tôn, thép… để hoán cải tàu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.