Thời sự

Chui túi nilông qua suối: Khoan vội phán xét

20/03/2014, 17:59

Hai ngày nay, từ mạng xã hội đến báo chính thống đều đã nêu lên nghi vấn clip cô giáo và những đứa trẻ chui vào túi ni lông vượt suối là dàn dựng.

Hai ngày nay, từ mạng xã hội đến báo chính thống đều đã nêu lên nghi vấn clip cô giáo và những đứa trẻ chui vào túi ni lông vượt suối là dàn dựng. 

Có thể dàn dựng được không một câu chuyện xót lòng đến thế, phóng viên Báo Giao thông xin ghi lại ý kiến của những người liên quan trực tiếp tới câu chuyện này.

TIN LIÊN QUAN

Cách vượt suối của học sinh, giáo viên bản Sam Lang.

Cách vượt suối của học sinh, giáo viên bản Sam Lang.

Ảnh từ clip trên báo Tuổi trẻ

Không thể để người dân lội giữa dòng nước dữ

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Trung - Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên, người đã lên tận bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ để khảo sát vị trí xây cầu khẳng định con đường đến trường của các em trong mùa mưa và mùa lũ khác nhau một trời một vực.

Ông Trung nói: Chúng tôi đã lên tận nơi và thấy đây là con đường duy nhất để đi lại của người dân trong bản. Thực tế là mùa khô lòng suối cạn có thể đi lại được, tại đây vẫn có một cây cầu tạm bằng tre và trụ cầu rọ đá để bà con qua dễ dàng hơn. Nhưng mùa mưa lũ thì chịu, vì nước lớn và rất xiết.

Theo ông Trung, tại các con suối ở vùng núi, mùa khô người dân hoàn toàn có thể đi lại qua lòng suối, nhưng mùa mưa lũ mới thấy nguy hiểm đe dọa an toàn tính mạng như thế nào. Suối không sâu nhưng nước xiết. Không thể để người dân ngày nào cũng phải lội qua sông suối giữa dòng nước lũ như thế.

Tôi tin là có thật

Trên diễn đàn ofviet.com, thậm chí đã có một đề nghị thực nghiệm chui túi ni lông qua suối sau rất nhiều phản biện tính chân thực của clip do báo Tuổi trẻ đăng tải. Nhiều thành viên cho rằng, chiều rộng của con suối trong clip chỉ 5 - 7 mét.

Tuy nhiên, theo Sở GTVT Điện Biên, sau chuyến thực nghiệm tại xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, cây cầu treo sắp được xây cần độ dài 64 m, rộng 1,3 m, dự kiến mức đầu tư 3,5 tỷ đồng.

Trên chính tờ Tuổi trẻ, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, người đã tham gia chuyến công tác Tháng ba biên giới của tờ báo này và đã có mặt tại Nà Hỳ khẳng định trong một bài viết: "Khi thầy Xuân kể, thoạt nghe tôi cũng khó tin. Nhưng khi lên đến điểm Trường Sam Lang 2, nhìn thấy khung cảnh ngôi trường và các thầy cô giáo đứng lớp thì tôi tin là chuyện vượt suối đến trường bằng bao nilông là có thật. Bởi tại lớp mẫu giáo ở điểm Trường Sam Lang 2, cô giáo Tòng Thị Minh đã cho các nhà báo xem clip do chính cô quay được bằng điện thoại di động trong mùa mưa 2013. Và chính phóng viên truyền hình Tuổi Trẻ đã phải dừng lại ở những đoạn suối cạn có bắc cầu tạm để quay cảnh đối chiếu với cảnh suối mùa mưa".

Nhà thơ xót xa: "Hằng tuần, học sinh từ lớp 4 trở lên lại phải xa nhà đến trường từ chiều chủ nhật mãi đến chiều thứ sáu mới trở về bản. Do vậy khi mùa lũ về, cha mẹ các em học sinh phải đưa con đến trường, vượt qua suối sâu nước xiết bằng cách bỏ con vào bao nilông để bơi đưa qua suối. Các cô giáo cũng phải nhờ cha mẹ học sinh giúp đỡ để có thể về trung tâm trường báo cáo và học tập vào cuối tuần".

Ông viết thật lòng: "Là người từng ở rừng, từng vượt suối sâu đèo cao từ hơn 30 năm trước, nay được tận mắt chứng kiến cảnh các thầy cô giáo ở điểm Trường Sam Lang 2 phải vượt qua biết bao gian khó, hiểm nguy để đưa con chữ đến với các học sinh trên bản làng biên giới, tôi mới thấy những gian khó mình đã trải qua chẳng thấm tháp gì. Để đưa được con chữ đến với bà con dân tộc ở đây, các thầy cô giáo đã hi sinh như những chiến sĩ biên phòng và còn hơn thế nữa".

Không ai muốn đối mặt nguy hiểm như thế

Chia sẻ với chúng tôi khi những thông tin về clip có thể được dàn dựng đã ngập tràn trên mạng xã hội, ông Nguyễn Tăng Cường – Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung khẳng định: "Không ai dại gì, và chắc chắn cũng không ai muốn chui vào túi ni lon như thế để đi qua suối".

Theo ông Cường, như vậy quá bất tiện và nguy hiểm. Có chăng đây chỉ là cách bất đắc dĩ của các cô giáo và học sinh tại bản Sam Lang để đi qua con suối này. Chúng ta khoan hãy vội phán xét, khi không hiểu họ đã và đang phải chống chọi với khó khăn như thế nào, ông Cường nói.

Việc so đo tính toán chiều rộng, chiều sâu và thời gian qua suối cũng thật bất nhẫn, cũng giống như cầu Chu Va 6, mùa khô bà con có thể đi lại dưới lòng suối, có thể đắp một con đường nhỏ tương đối bằng phẳng là có thể qua suối an toàn. Nhưng vào mùa mưa, dù suối nông hay sâu cũng đều hung dữ nên bất cứ ai lội qua sông, suối đều rất mạo hiểm.

Ngay cả con suối dưới chân cầu treo Chu Va 6 vào mùa cạn cũng rất ít nước. Nhưng mùa lũ đến thì rất ít ai dám bơi hay lội qua
Ngay cả con suối dưới chân cầu treo Chu Va 6 vào mùa cạn cũng rất ít nước. Nhưng mùa lũ đến thì rất ít ai dám bơi hay lội qua

Ông Cường cho rằng, việc làm cầu treo là cần thiết, nhưng cần tránh làm tràn lan theo kiểu tự phát như ở nhiều địa phương hiện nay. Nhiều cầu được làm sơ sài bằng tấm ván, bằng tre nứa, cầu phao nổi bằng thùng phuy... không theo quy chuẩn nào. 

Ông Cường cho biết thêm, sẽ sớm lên Sam Lang khảo sát vị trí để xây cầu xong trước mùa mưa năm nay. Xí nghiệp cơ khí Quang Trung sẽ là đơn vị ứng trước vốn (không tính lãi) để có thể làm cầu Sam Lang sớm nhất như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. 

 

Anh Thiện

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.