Thời sự

Chui vào túi nilông... qua suối: Sẽ có cầu treo

18/03/2014, 10:32

"Bộ GTVT sẽ cho triển khai xây cầu treo để phục vụ các thầy cô, học sinh và người dân" - Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thông báo như vậy sau khi đọc bài "Chui vào túi nilông để... qua suối"

Đang công tác tại Nhật Bản nhưng ngay sau khi đọc thông tin trên Tuổi trẻ về câu chuyện chui vào túi ni lông để qua suối của các thầy cô và học sinh ở bản Sam Lang, Điện Biên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trao đổi ngay với cán bộ dưới quyền và khẳng định Bộ GTVT sẽ cho triển khai xây cầu treo để phục vụ các thầy, cô, học sinh và người dân. Ông cũng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ. 

Báo Giao thông xin giới thiệu với bạn đọc nội dung này.

“Bộ GTVT sẽ cho triển khai xây cầu treo để phục vụ các thầy cô, học sinh và người dân” - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thông báo như vậy sau khi đọc bài “Chui vào túi nilông để... qua suối” và hình ảnh cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang (X. Nà Hỳ, H. Nậm Pồ, Điện Biên) vượt suối bằng túi nilông vào mùa lũ.

Vào mùa lũ, các thầy cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang phải chui vào túi nilon và nhờ người biết bơi kéo qua suối - Ảnh trích từ clip của cô giáo Tòng Thị Minh.
Vào mùa lũ, các thầy cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang phải chui vào túi nilon và nhờ người biết bơi kéo qua suối - Ảnh trích từ clip của cô giáo Tòng Thị Minh.

 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường
Ông Nguyễn Hồng Trường

Đang công tác ở Nhật Bản, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời Tuổi Trẻ về quyết định nói trên. Ông Trường nói:

- Việc người dân đưa ra những giải pháp để vượt sông là một nhu cầu thực tiễn. Vừa rồi đã có những bài báo phản ánh người dân dùng cáp treo, bè nứa, gỗ vượt sông và bây giờ Tuổi Trẻ lại phản ánh chuyện dùng bao nilông kéo người vượt suối. Tôi cho đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng con người, đặc biệt là các em học sinh. Cái này chúng ta phải giải quyết ngay. Trách nhiệm các cấp các ngành và Bộ GTVT là phải làm việc với các cấp liên quan để sớm xóa bỏ hiện tượng này.

 * Cụ thể “giải quyết ngay” như thế nào, thưa ông?

- Bộ đang giao Sở GTVT Điện Biên đi khảo sát thực tế ở đó. Bộ yêu cầu trước mắt phải có giải pháp cho người dân đảm bảo đi lại bằng phương án không nguy hiểm. Giao Sở GTVT Điện Biên phối hợp các ngành trình Bộ GTVT phương án để sớm xây cầu ở đây. Bộ sẽ dùng các nguồn vốn từ giao thông nông thôn để xây cầu. Chúng tôi cho rằng việc xây cầu ở đây sẽ được giải quyết nhanh.

* Bộ GTVT có thể cam kết mùa mưa năm nay bà con nơi đây sẽ không phải chui vào túi nilông để qua suối không?

- Chúng tôi cho rằng từ nay đến mùa mưa vẫn còn thời gian để lập phương án xây cầu treo ở đó. Tôi nghĩ thời gian 4-5 tháng để xây cầu treo thì có thể đáp ứng được.

* Được biết, Bộ GTVT đang trình Chính phủ đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên. Việc này đã triển khai tới đâu, thưa ông?

- Thời gian qua, Bộ GTVT đã thực hiện chương trình về giao thông nông thôn với các tỉnh rất lớn, hằng năm thực hiện nhiều dự án cụ thể để bêtông hóa đường liên thôn, xóm, giao thông nông thôn miền núi. Đồng thời xây dựng các cầu tạm, ngầm tạm (chủ yếu là cầu treo và đập tràn) để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên trên thực tế mới chỉ đáp ứng được yêu cầu rất nhỏ do kinh phí quá lớn...

Để xử lý vấn đề này, thời gian qua bộ trưởng Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho xây dựng đề án xóa bỏ cầu khỉ, xây cầu ở những khu vực khó khăn để đảm bảo đi lại cho vùng có đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng đề án cho 55 tỉnh có khả năng phải làm những cầu đó. Sau khi rà soát, trước mắt sẽ thực hiện ở 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên. Cấp bách nhất là xây dựng khoảng 186 cầu, chủ yếu là làm cầu treo có khẩu độ 50-70m, rộng 2-4m để có tải trọng qua cầu 2,5-4 tấn. Đề án này chúng tôi đã trình lên Chính phủ và Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ ngành. Nếu được thông qua, Bộ GTVT sẽ đưa ra một chương trình tổng thể để trong vòng hai năm (2014 và 2015) sẽ giải quyết xong 186 cầu có tính chất thiết yếu như trên.

* Nỗi ám ảnh vụ lật cầu treo Chu Va 6 vẫn còn. Với 186 cầu treo cấp bách mà đề án đưa ra, vấn đề an toàn được đặt ra như thế nào?

- Cầu treo từ trước tới nay chủ yếu giao cho các tỉnh đầu tư vì thuộc về giao thông nông thôn. Qua việc cầu treo Chu Va 6 bị lật, tới đây Bộ GTVT sẽ đưa ra một thông tư quy định việc xây dựng cầu treo ở nông thôn thế nào để đáp ứng chuẩn mực về khảo sát thiết kế, thi công, có rà soát thẩm định của cơ quan có thẩm quyền thì mới được đưa vào sử dụng.

* Còn những cầu treo đang xuống cấp như những cây cầu mà báo Tuổi Trẻ phản ánh trong phóng sự ảnh (Tuổi Trẻ 16-3) thì Bộ GTVT có giải pháp gì không, thưa ông?

- Với những cầu đã xây dựng, đang sử dụng, ngày 25-2 Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có công điện gửi các tỉnh, thành chỉ đạo rà soát để đưa ra các giải pháp tăng cường bảo dưỡng, kiểm tra, chủ động khắc phục những khiếm khuyết có thể xảy ra sự cố... Chúng tôi đang tổng hợp để báo cáo Chính phủ bổ sung nguồn vốn cấp bách và đề nghị các tỉnh giải quyết dứt điểm tồn tại ở tất cả các cầu treo này trước mùa mưa năm nay.

* Trân trọng cảm ơn ông./.

Theo dõi bản gốc trên Báo Tuổi trẻ tại đây

img
img
Cách vượt suối của học sinh, giáo viên bản Sam Lang.
Cách vượt suối của học sinh, giáo viên bản Sam Lang.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.