Xã hội

Chùm ảnh: Ruộng nứt toác, đường sụp lún vì hạn mặn kỷ lục ở ĐBSCL

21/02/2020, 17:44

Hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, khiến nhiều diện tích trồng lúa, nuôi tôm của người dân bị ảnh hưởng, một số tuyến đường bị sụp lún nặng.

img
Thiếu nước khiến khoảng 2.000m2 trồng bồn bồn của người dân ở ấp Lai Hòa, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bị khô héo

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh thời điểm năm 2019 - 2020 được dự báo khốc liệt hơn năm 2015 - 2016, làm nhiều diện tích trồng lúa ở vùng ngọt hóa, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó là tình trạng sạt lở, sụp lún diễn ra nghiêm trọng, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

img
Ao nuôi của người dân ở ấp Ngọc Được, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cũng trong tình trạng bỏ không
img
Ruộng lúa khô cằn, đất nứt nẻ vì thiếu nước trong nhiều ngày
img
Hàng chục héc-ta lúa của người dân ở xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước nghiêm trọng
img
Tại tỉnh Sóc Trăng, đến thời điểm hiện tại, có khoảng 1.000ha lúa vụ 3 bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn; khoảng 5.000ha cây ăn trái, rau màu có khả năng thiếu nước tưới tiêu.
img
Chỉ tính riêng tỉnh Cà Mau, hiện nay, do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, trên địa bàn tỉnh đã có trên 20.500 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân
img
Hiện trạng sụp lún nghiêm trọng tuyến đường phòng hộ đê biển Tây tỉnh Cà Mau, nguy cơ giao thông bị chia cắt
img
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 18 nghìn ha lúa bị thiệt hại, gần 43 nghìn ha rừng (có diện tích Vườn Quốc gia U Minh Hạ) đang trong tình trạng báo động cháy (trong đó, cấp 4 là hơn 11 nghìn ha, cấp 5 hơn 12 nghìn ha). Ngoài ra, một số cống ngăn mặn bị rò rỉ đáy; hơn 900 vị trí ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh, rạch bị sụp lún, sạt lở với chiều dài gần 22km.
img
Những thiệt hại nói trên chủ yếu do vùng ngọt hóa bị thiếu nước phục vụ sản xuất, sông rạch khô cạn, chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài vùng ngọt hóa quá lớn. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, hạn hán năm nay có thể kéo dài đến tháng 5, thậm chí đến tháng 6. UBND tỉnh Cà Mau đang "cầu cứu" các chuyên gialàm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020.
img
Cống Âu thuyền Ninh Quới được khởi công vào cuối tháng 11/2018 với thời gian thi công 29 tháng, tổng vốn khoảng 280 tỷ đồng. Công trình này có nhiệm vụ chính là điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu ổn định của các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang; điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc QL1 của tỉnh Bạc Liêu.
Theo dự kiến của ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, các điểm thiếu nước ngọt, ảnh hưởng mặn là 5.400ha (tập trung ở các huyện: Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long và TX Giá Rai). Trường hợp xấu nhất, diện tích thiếu nước ngọt có khả năng lên đến 6.000ha. Đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất dự báo có nguy cơ 5.000ha nuôi tôm bị thiệt hại (tập trung ở huyện Phước Long và TX Giá Rai), còn vùng Nam QL1 dự báo 4000 ha nuôi tôm có nguy cơ thiệt hại, thời gian bắt đầu từ tháng 3/2020.
img
Đầu tháng 2/2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đến kiểm tra Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu). Tại đây, bộ trưởng đề nghị tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng các tỉnh lân cận Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang chủ động trong điều tiết nước, không để người dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.