Hạ tầng

Chùm ảnh: Phớt lờ cầu vượt, người đi bộ vô tư băng cắt dưới lòng đường

30/05/2020, 09:20

Những cây cầu bộ hành của Hà Nội dù được đầu tư hiện đại, nhưng người đi bộ vẫn thờ ơ, chọn cách băng cắt qua đường đối diện nguy hiểm.

img
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, tình trạng người đi bộ bỏ qua cầu vượt, vô tư sang đường trước đầu dòng xe cộ khá phổ biến.
img
Khu vực Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (336 Nguyễn Trãi) dù có một cầu vượt bộ khang trang, song, hàng ngày, người đi bộ, đặc biệt là sinh viên của hai ngôi trường vẫn tập trung thành từng tốp đi dưới lòng đường để di chuyển sang nhà chờ xe buýt cách cầu bộ hành chỉ khoảng 200m.
img
Cây cầu vượt bộ trước cổng Học viện Ngân Hàng (đường Chùa Bộc, quận Đống Đa) bấy lâu nay cũng chung cảnh bị thờ ơ. Dù cách cổng trường học chỉ khoảng 10m, song mỗi giờ tan học, hàng trăm sinh viên lại chọn cách khép nép vào nhau băng qua lòng đường đông đúc phương tiện, đối diện van chạm giao thông thay vì thong thả lưu thông trên cầu đi bộ.
img
Trên cung đường Láng Hạ - Giảng Võ, dù cầu bộ hành được thiết lập gần các nhà chờ BRT Thành Công, Giảng Võ nhằm tạo thuận lợi cho người dân di chuyển an toàn sau khi rời xe buýt, tuy nhiên, người đi bộ lại không mặn mà, từ học sinh, người cao tuổi đều đua nhau lách qua khe hở giữa các thanh lan can sắt, băng cắt qua lòng đường.
img
Theo TS. Phan Lê Bình, Giảng viên Đại học Việt Nhật, cầu bộ hành là cơ sở hạ tầng có ý nghĩa tích cực trong việc nâng cao ATGT. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành, các cơ quan chức năng lại chưa tuyên truyền sâu rộng, cưỡng chế quyết liệt với người đi bộ khiến nhiều người đi bộ chủ quan, “ghẻ lạnh” với chính hạ tầng dành riêng cho mình.
img
Cũng theo ghi nhận của PV, bên cạnh những cây cầu bộ hành bị “lãng quên”, một số cầu vượt bộ lại đang tạo ra hiệu quả nhất định và đông người qua lại do được đặt ở vị trí gần trường học, tòa nhà chung cư, khu vực đường có dải phân cách cứng, khu vực hầm chui, điển hình là cầu đi bộ tại: Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, khu vực Học viện An ninh nhân dân, khu vực Trường Đại học Thủy lợi, Công viên Thống Nhất,…
img
Được biết, cùng với 50 cầu vượt bộ hành hiện hữu, mới đây HĐND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 6 cầu vượt cho người đi bộ với tổng mức đầu tư hơn 34,6 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2021-2022.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.