Y tế

Chùm bóng bay bơm khí hydro: Dễ nổ, gây bỏng, hậu quả cực kỳ nặng nề

19/09/2019, 19:11

Chùm bóng bay bơm khí hydro: dễ phát nổ, gây bỏng, hậu quả cực kỳ nặng nề vì đa số gây thương tích vùng mặt, tay, chưa kể hít phải khí độc...

img
Chùm bóng bay bơm khí hydro: dễ phát nổ, gây bỏng, hậu quả cực kỳ nặng nề vì đa số gây thương tích vùng mặt, tay, chưa kể hít phải khí độc...

Dự lễ khai mạc giải bóng đá ngành ngân hàng ngày 15/9, các cầu thủ U14 Sông Lam Nghệ An kéo chùm bóng bay che nắng, bất ngờ một người bật lửa. Chùm bóng bay bơm khí hydro bị lửa tác động phát nổ làm 3 cầu thủ ở gần bóng bay nhất bị thương. Người đàn ông bật lửa cũng bị bỏng nặng.

Bốn người được đưa vào BV Sản Nhi Nghệ An cấp cứu hôm 15/9, bị thương ở vùng mặt, cổ và tay. Ngày 18/9, bác sĩ cho biết sức khỏe ba cầu thủ tiến triển tốt, vẫn đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Người đàn ông bật lửa đã được chuyển ra bệnh viện ở Hà Nội điều trị.

Theo khuyến cáo của BS Nguyễn Thống, nguyên Trưởng khoa Bỏng, BV Saintpaul, mọi người cần phải thận trọng với bóng bơm khí hydro, vì khi bóng bay nổ đa số gây thương tích bỏng nặng vùng mặt, tay, mắt nên để lại hậu quả nặng nề. Bóng hydro rất dễ phát nổ nếu cọ xát mạnh hoặc gặp tàn thuốc. Nếu trẻ em nghịch chèn, ép bóng, dùng lửa cắt dây, bơm căng quá, nhiệt độ ngoài trời nóng... đều có thể làm bóng nổ.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân gây ra tai nạn từ những chùm bóng bay, BS.Thống cho hay bóng bay thường được bơm khí hydro (hoặc acetylene). Khi bơm bóng quá căng, áp suất trong quả bóng lớn sẽ gây nổ, do bóng thường được buộc thành chùm nên khi nổ sẽ tác động đến quả bóng bên cạnh và tạo thành vụ nổ lớn hơn. Mặt khác, khí hydro (hoặc acetylene) là những chất khí rất dễ cháy nên nếu vô tình chạm vào gần nguồn nhiệt (tàn thuốc lá, dòng điện…) sẽ làm tăng áp suất khí, khí hydro thoát ra kết hợp với oxy gây cháy nổ.

Nếu không may bị bỏng do bóng bay phát nổ, cần tiến hành các động tác sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân như sơ cấp cứu bỏng nhiệt, bị bỏng ở phần nào thì cho ngâm vào nước sạch phần đó. Đáng tiếc, di chứng của việc nổ bóng bay rất lâu, gây đau đớn, để lại sẹo và sạm da cho nạn nhân.

Không chỉ gây bỏng, nếu lúc bóng nổ từng chùm lớn, nạn nhân vô tình hít phải nhiều khí hydro từ bóng thoát ra cũng có thể sẽ bị lơ mơ, ói mửa, thậm chí co giật, hôn mê, lúc này cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực vụ nổ, đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.