Đời sống

Vào chung cư Hạ Đình: Lặng ngắt, không một bóng người

10/09/2019, 12:13

Khu chung cư 54 Hạ Đình cách Công ty Rạng Đông bức tường vắng ngắt. Các hộ dời đi, hàng quán ế ẩm, trường mầm non lặng như tờ...

img
Khu nhà xưởng mặt đường Hạ Đình được phủ bạt xanh kín mít, đường vào vắng vẻ

Cả khu chung cư: mỗi tầng còn lại 1 hộ

Sau hơn chục hôm diễn ra vụ cháy, Công ty cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) đã quây bạt xanh kín mít xung quanh hiện trường che đi phần tôn, sắt, máy móc, nhà xưởng cháy trơ trọi trước đó. Nhưng mùi cháy, khét vẫn nồng nặc. Đứng trên sân khu chung cư 54 Hạ Đình, thi thoảng có cơn gió tạt qua, PV Báo Giao thông cảm nhận có mùi như thuốc sâu.

img
Người qua lại thưa thớt, hàng quán vắng khách

Khu Chung cư 54 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội cách Công ty Rạng Đông chỉ một bức tường trở lên vắng ngắt.

img
Khu chung cư 54 Hạ Đình vắng ngắt

Ông Nguyễn Đức Tiến, Trưởng ban quản trị tòa nhà dường như biết sẽ có nhiều phóng viên, nhà báo tìm đến nên đã ngồi đợi sẵn ở quán nước ngay đường vào khu chung cư. Vai đeo chiếc cặp da nhỏ, đăm chiêu nhìn về khu nhà, ông Tiến buồn bã: "Ở đây có 276 căn hộ, nếu tính cả khu nhà thấp tầng khoảng 300 hộ. Đến ngày hôm nay người dân vẫn tiếp tục chuyển nhà đi. Họ tranh thủ đưa con đi học, xin phép nghỉ làm để có thời gian chuyển nhà. Trước khi cháy, khu chung cư có khoảng 600 cháu nhỏ sinh sống cùng gia đình, hơn 100 cháu đang theo học tại hai trường mầm non nô đùa vui chơi ở sân toà nhà. Hôm nay không còn bóng dáng một cháu nào. Buổi tối khu chung cư tối om, không còn ánh đèn. Phải đến 90% hộ dân di dời đi nơi khác. Mỗi tầng có khoảng mười hộ giờ chỉ còn một hộ ở lại".

img
Ông Nguyễn Đức Tiến, Trưởng ban quản trị ngồi trò chuyện với PV Báo Giao thông, sân chung cư không bóng người

Cũng theo ông Tiến, mọi khi quán nước này đông vui, người dân nghỉ ngơi xuống ngồi uống nước, hóng gió trò chuyện. Các cháu nhỏ không chỉ ở chung cư mà khu xung quanh đều đến chơi vì rộng rãi, không vướng nhiều xe qua lại, an toàn. Ngoài ra có khu sinh hoạt cộng đồng, thể dục, thể thao. Tết Trung thu hằng năm Ban quản trị ứng tiền tổ chức trung thu múa rồng, múa lân, liên hoan cho các cháu, "nhưng nay làm gì có ai ngoài tôi và anh. Ô nhiễm thế này thì cháu nào dám về". Ông Tiến buồn rầu.

Khi được hỏi vì sao ông vẫn ở lại đây, không di dời như những gia đình khác, ông Tiến cho biết: Ông là một trong những người túc trực ngay từ khi cháy, huy động cư dân lấy nước, máy móc cứu hoả của khu chung cư để hỗ trợ cứu hoả nhà máy. Mấy nay rất mệt mỏi, đáng lẽ phải đi khám nhưng ông vẫn nấn ná túc trực để hỗ trợ thông tin nhà báo, truyền hình và bảo vệ an ninh cho cư dân. Vợ con đã dời đi ở chỗ khác, giờ có mình ông Tiến ở lại trong nhà mình.

Khi cư dân di dời hết, cũng là lúc kẻ gian dễ dàng lợi dụng vào khua khoắng, ăn trộm ăn cắp. Ông Tiến kể, cách đây mấy ngày đã có người đi lên chung cư, tìm cách đột nhập, nhưng khi thấy có người trong nhà mở cửa mới vờ hỏi mua chó, mua mèo. Ban quản trị đã thông báo đến toàn cư dân và yêu cầu an ninh siết chặt công tác quản lý.

img
Người dân sắp xếp đồ đạc thiết yếu, bỏ nhà đi thuê trọ

Theo chân một nhân viên bốc xếp lên tầng 6 nhà chung cư, PV gặp chủ nhà phòng 4 đang tất bật dọn đồ thiết yếu như tủ lạnh, quần áo, nồi niêu xong chảo..., còn những thứ cồng kềnh khác đành để lại. Anh chia sẻ, nhà có 4 người, giờ phải dọn đồ sang nhà thuê cách đây 2km. Con cái vẫn phải duy trì học hành, nên gia đình anh tính chịu khó đi xa một thời gian đến khi an toàn thì về.

Quán xá không một bóng khách

img
Cửa hàng, quán xá đóng của chuyển đi nơi khác

Cư dân di dời, hàng hoá ế ẩm, chị Lệ bán trà đá và tạp hoá giọng rầu rĩ: "Chán lắm, giờ thưa thớt, không thống kê chính xác nhưng lượng khách giảm một nửa so với trước đây. Họ đi nơi khác, có quê về quê. Tôi quê ở xa, vướng con cái học hành năm cuối (lớp 12-PV) thi cử, công việc quán xá không bỏ đi được. Lo lắng lắm nhưng không biết làm sao bây giờ!".

Cách cửa hàng chị Lệ không xa, quán cà phê của anh Nguyễn Phúc Hải Sơn không một bóng khách. Anh Sơn chia sẻ, cửa hàng chủ yếu phục vụ cư dân khu chung cư, giờ di dời hết ảnh hướng rất lớn về doanh thu. "Trước đây doanh thu của quán 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/ngày. Giờ chỉ bán được chưa tới 500 nghìn đồng. Chi phí đó chi trả tiền thuê nhà, tiền thuê nhân viên. Mình đi làm không công. Tôi quyết định từ ngày mai phải đóng cửa, khi nào chính quyền thông báo an toàn, cư dân quay trở lại thì mở tiếp", anh Sơn cho biết.

Trường học lặng ngắt như tờ

img
Trường Chăm sóc trẻ thơ không còn lấy một học sinh...

Trong khu cư dân có hai trường mầm non thì Trường Chăm sóc trẻ thơ cửa đóng then cài. Lá cây, bụi bẩn do mưa xối thành đống ngoài sân.

img
...Cửa trường khoá trái từ bên trong

Trường Misha có hơn 40 trẻ, giờ chỉ vỏn vẹn 5 học sinh.

Chị Phạm Thị Hằng, quản lý trường Misha cho biết: Phần đa các phụ huynh đều xin phép nhà trường cho các con nghỉ để di tản về quê với ông bà. Có gia đình hẹn một tháng, có gia đình lại nói khi nào có thông tin an toàn mới quay trở lại.

"Vụ cháy ảnh hưởng rất lớn đến nhà trường. Bình thường học sinh đi học đều, công ăn việc làm của cô giáo ổn định. Giờ còn 5 học sinh trông miễn phí. Các cháu ở lại học là vì không có quê hoặc nơi khác để đến, không có người trông. Một số cô thấy ít học sinh nên xin nghỉ. Trước đó có 11 cô, giờ chỉ còn 5 cô trông 5 trẻ. Chỉ mong các cấp chính quyền vào cuộc hết sức, đảm bảo an toàn môi trường cho người dân và học sinh sớm quay trở lại", chị Hằng bày tỏ.

img
Trường mầm non Misha lặng như tờ, chỉ còn vỏn vẹn 5 học sinh

.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.