Kinh tế

Chứng khoán phục hồi hay "bẫy" tăng giá?

05/06/2018, 07:12

Thị trường đang kỳ vọng vào một đợt hồi phục mới nhưng vẫn đi kèm tâm lý cảnh giác “bẫy” tăng giá.

bien_dong_vnindex

VN-Index đã mất hơn 22% giá trị từ đỉnh tháng 4 đến nay(Nguồn: VNDirect. Đồ họa: Zing)

Thị trường thách thức tâm lý người cầm tiền

Hai phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số chứng khoán chung VN-Index tăng vọt bất ngờ hơn 40 điểm, vượt xa kỳ vọng của giới đầu tư. Cũng chính điều này khiến những nhà đầu tư bán ra trong những phiên giảm điểm tiếc nuối. Anh Hoàng.T.Ng, nhà đầu tư lâu năm trên thị trường cho biết: Trong phiên giao dịch ngày 16/5, anh nhanh tay “thoát hàng” tại 2 mã thuộc nhóm ngân hàng, 2 mã trong nhóm ngành thực phẩm. Tuy nhiên, đến phiên ngày  28/5, khi thị trường đỏ sàn và diễn ra tình trạng bán tháo, anh Ng. lại “liều lĩnh” “xuống tiền” hai mã ngân hàng cũ mà anh mới thoát. Tính toán sơ bộ đến phiên thứ 6 cuối tuần qua, anh Ng. lãi gần 34 triệu ở hai mã ngân hàng này.

Anh Ng. cho biết, những nhà đầu tư “lỡ tàu” trong đợt phục hồi này hiện vừa tiếc nuối vừa nôn nóng. “Nhìn thị trường bật lại mạnh trong hai phiên cuối tuần không ai có thể ngồi yên. Nhưng khi giá đã lên rồi mà xuống tiền thì lại sợ thị trường quay đầu giảm ngay trong lúc cổ phiếu còn chưa về. Có thể nói, thị trường đang thách thức tâm lý của người cầm tiền”, anh Ng. nói.

Tâm lý cảnh giác này của nhà đầu tư không phải không có cơ sở bởi tính từ thời điểm VN-Index đạt đỉnh cao nhất lịch sử (ngày 9/4), đến cuối tháng 5, chỉ số VN-Index đã giảm gần 20%. Hiện nay, dù đã tăng mạnh cuối tuần qua và các chỉ số đều chỉ báo về một đợt phục hồi nhưng theo Công ty chứng khoán FPT, dấu hiệu xu hướng chưa rõ rệt, đặc biệt diễn biến thanh khoản vẫn chưa củng cố theo chiều phục hồi của thị trường.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng cũng cho rằng, các phiên tăng điểm vừa qua có thể nằm trong một đợt phục hồi kỹ thuật kéo dài từ 3-5 phiên và VN-Index có thể tiến gần tới 1.000 điểm. Nhưng công ty này cũng khẳng định xu hướng chính trong ngắn, trung hạn vẫn là điều chỉnh và các tín hiệu xác nhận xu hướng điều chỉnh vẫn còn. Do đó, cả hai công ty chứng khoán trên đều cho rằng giai đoạn này chỉ dành cho “nhà đầu tư mạo hiểm tận dụng đợt phục hồi này để thực hiện chiến lược lướt sóng với tỷ trọng nhỏ”. Một số mã chứng khoán được các công ty gợi ý tham khảo đều là các cổ phiếu “nóng” thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản do đang phục hồi mạnh.

Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trong thời gian tới, thị trường vẫn có khả năng điều chỉnh sau chuỗi phiên tăng điểm vừa qua. Nhà đầu tư có thể giải ngân một phần nhỏ trong những phiên thị trường điều chỉnh nhẹ và tránh sử dụng margin (đòn bẩy tài chính)”.

Vốn ngoại chưa ngưng bán ròng

Nhìn lại đợt khủng hoảng của thị trường vừa qua, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phân tích: Thị trường giảm điểm giai đoạn vừa qua theo xu hướng chung của thế giới.

Bên cạnh đó, là xu hướng rút vốn của nhà đầu tư ngoại tại các thị trường Đông Nam Á và thị trường lân cận trong tháng 5 như: Malaysia (rút 625 triệu USD), Hàn Quốc (853 triệu USD), Thái Lan (703,4 triệu USD), Indonesia (550 triệu USD), Philippines (105 triệu USD), Ấn Độ (583 triệu USD), Đài Loan (392 triệu USD)...

Nhìn nhận một cách khách quan, ông Dũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài: Năm 2017 tăng 48%, quý I/2018 tăng tiếp 17%. Do đó, thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, thêm vào đó là tâm lý chốt lời của giới đầu tư khi đã lãi lớn. “Tâm lý đó diễn ra đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán thế giới điều chỉnh giảm nên tác động cộng hưởng càng lớn”, ông Dũng lý giải.

Riêng về động thái của nhà đầu tư ngoại, dù thị trường giao dịch tích cực nhưng khối ngoại vẫn chưa ngưng bán ròng. Trong tháng 5/2018, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng mạnh trong một số phiên như các phiên 21/5 (436 tỷ đồng), 22/5 (596 tỷ đồng), 25/5 (508 tỷ đồng). Trong hai phiên thị trường tăng điểm cuối tuần qua, khối này tiếp tục bán ròng hơn 400 tỷ đồng và hơn 671 tỷ đồng.

Dù vậy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn cho rằng, khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Bằng chứng là dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng ở mức độ tương đối cao, đạt 615 triệu USD trong tháng 4 và 809 triệu USD trong tháng 5/2018. Lũy kế, vốn ngoại chảy vào ròng từ đầu năm đến ngày 22/5/2018 đạt gần 2,35 tỷ USD (bằng 80% mức vào ròng của cả năm 2017) và cao hơn nhiều so với mức vào ròng năm 2016 (1,28 tỷ USD).

Tháng 6, thị trường sẽ đối mặt với kỳ đánh giá lại danh mục của các quỹ ETF (quỹ đầu tư hoán đổi danh mục) nhưng người đứng đầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tin tưởng nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng ở sự tăng trưởng của thị trường và sẵn sàng giải ngân ở thời điểm thích hợp.

VN-Index tái lập mốc 1.000 điểm

Chỉ số VN-Index đã tái lập thành công mốc quan trọng 1.000 điểm trong phiên giao dịch ngày 4/6. Chung cuộc, VN-Index tăng thêm 20,91 điểm lên 1.013,78 điểm nhờ lực tăng mạnh từ nhóm cổ phiếu lớn như VNM, HSG, BVH, PNJ, VJC, VCB, VIC… đi lên ngay từ đầu phiên và duy trì đà tăng tới tận cuối phiên.

Xét theo nhóm, các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng vai trò trụ cột khi đua nhau tăng giá. Trong đó, VPB, STB tăng kịch trần. Bên cạnh đó, VCB cũng tăng 2.300 đồng lên 59.300 đồng/cổ phiếu... BID dù vướng tin xấu và giảm mạnh trong buổi sáng nhưng đến khi chốt phiên cũng đảo chiều tăng mạnh 800 đồng lên 30.500 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng mạnh phiên này: SSI tăng 3,2% lên 33.400 đồng/cổ phiếu, HCM tăng 3,7% lên 67.400 đồng/cổ phiếu... Dù tăng mạnh nhưng thanh toán toàn sản phiên này không cao như mong đợi, chỉ dừng ở 232,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng, đạt trên 6.100 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận khoảng 700 tỷ đồng. Phiên này, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 7,56 triệu đơn vị, tương ứng 35,11 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.