Thị trường

Chuỗi thức ăn đường phố “lội ngược dòng” giữa mùa dịch

28/03/2020, 06:22

Ra mắt đúng mùa dịch (tháng 1/2020), song EM+ vẫn đặt mục tiêu hết sức tham vọng.

img
Các kiot bán đồ ăn đường phố của EM+ tận dụng được mặt bằng dư thừa của các cửa hàng, nhà hàng để phát triển mô hình tích hợp Ảnh: Tạ Hải

Nhiều chuỗi bán lẻ, dịch vụ theo mô hình truyền thống đầu tư rất lớn, vốn đã tăng trưởng chậm lại càng thêm tê liệt khi gặp cú sốc dịch bệnh. Song vẫn có một chuỗi dịch vụ “lội ngược dòng” khi ra mắt và đặt mục tiêu khá tham vọng, đó là EM+.

Khi trà sữa bắt tay thức ăn đường phố

Một số khách hàng của quán trà sữa DingTea (số 180, đường Cầu Giấy, Hà Nội) gần đây bất ngờ thấy xuất hiện thêm quầy bán đồ ăn gồm những món quen thuộc trên đường phố, như xôi, bánh mì, khoai tây chiên… Bạn Hà Mỹ Linh (quận Cầu Giấy), một khách quen của DingTea bày tỏ: “Tới quán trà sữa, nhiều khi thèm ăn vặt mà không có. Gọi ship thì tiền bánh một đồng, tiền ship hai đồng nên có lần phải đi tìm quanh đó. Giờ trà sữa có thêm đồ ăn rất tiện, nhất là với tụi con gái ngồi lâu, thích ăn vặt như tụi em”.

Từ lúc có thêm kiot bán đồ ăn đường phố, công việc của Khánh Linh, nhân viên của quán trà này cũng bận rộn hơn. Theo đó, các món ăn sẽ được chuẩn bị từ 8h sáng và đến khoảng 10h là thời điểm khách đến đặt món đông nhất. Vừa làm món mỳ trộn cho khách, Linh vừa chia sẻ: “Ngoài bán hàng, chúng em còn được đào tạo thêm cách chế biến, cách trang trí và những biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực đơn hàng ngày khá đa dạng, có bánh mỳ, xôi, phở trộn, mỳ trộn, khoai tây chiên…”.

Chị Lương Mai Anh, chủ quán trà sữa này cho biết: Thị trường trà sữa đang bị bão hòa sau giai đoạn bùng nổ từ nửa cuối năm 2017. Cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thể nói đây là quãng thời gian khó khăn nhất cho những người kinh doanh mặt hàng này. Vì vậy, vẫn mặt bằng, nhân lực đó, chị đã quyết định kết hợp cùng thương hiệu “street food” với các kiot bán đồ ăn đường phố có tên EM+ để tận dụng thời gian trống của nhân viên. Bởi, cả DingTea và EM+ đang cùng có một tập khách hàng, nếu sử dụng chung trên một nền tảng, chia sẻ chi phí vận hành sẽ có thể làm gia tăng giá trị cộng sinh.

“Trước đó, tôi cũng đã tự tìm kiếm thêm những giá trị để bổ sung cho khách hàng như thử tích hợp thêm cả bánh ngọt. Nhưng nhu cầu của khách hàng vẫn mong muốn nhiều hơn nữa. Nếu như chỉ ăn bánh ngọt và một cốc trà sữa thì không đủ cho bữa trưa và phải mua thêm đồ ăn bên ngoài. Vì vậy, thực đơn của EM+ khá linh hoạt và đáp ứng được nhu cầu của khách từ trưa cho đến chiều. Hiện tại, chúng tôi hợp tác với EM+ trên phương diện cá nhân và đang xin phép master của DingTea để tích hợp chung cho thương hiệu. Việc cộng sinh này đã bắt đầu cho những tín hiệu tích cực, điển hình là mỗi ngày cửa hàng đã bán được vài chục đơn nhưng tôi mong mô hình này sẽ còn phát triển hơn nữa”, chị Mai Anh nói.

3.000 điểm bán và hơn thế nữa?

Ding Tea 180 Cầu Giấy chỉ là một trong hàng chục điểm bán được chuỗi EM+ phát triển trong thời gian qua. Ra mắt đúng mùa dịch (tháng 1/2020), song EM+ vẫn đặt mục tiêu hết sức tham vọng: Trong năm 2020 mở 500 điểm bán, tiến tới nâng lên 3.000 điểm trong 3 năm tiếp theo và xa hơn là 200.000 điểm trên toàn khu vực Đông Nam Á!

“Mục tiêu này có lãng mạn quá không, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và toàn cầu lao đao vì dịch bệnh hiện nay?”, PV Báo Giao thông đặt câu hỏi với chị Đỗ Hương Ly, Chủ tịch Công ty Kinh tế đa ngành MJU Group và là người sáng lập chuỗi ẩm thực đường phố EM+.

“Với những kết quả đã đạt được bước đầu, tôi cho rằng mục tiêu của chúng tôi không phải là quá tham vọng. Thậm chí, dịch bệnh cũng mang đến cơ hội giúp chúng tôi đẩy nhanh tốc độ phát triển chuỗi”, chị Hương Ly tự tin.

Nhà sáng lập EM+ giải thích phân tích: Sau một thời gian ồ ạt đầu tư, thị trường đồ uống kiểu trà sữa, trà chanh… cũng bắt đầu bão hòa. Cạnh tranh lớn, doanh số giảm, lại thêm cú sốc Covid-19, nhiều cửa hàng trà sữa doanh thu chỉ trên dưới 30 triệu/tháng, trong khi chi phí vận hành nhiều trăm triệu. “Và tôi mang đến cho họ giải pháp, không mất nhiều chi phí mà gia tăng doanh thu điểm bán thì họ không có lý do gì từ chối cả”, chị Hương Ly nói.

Cô chủ EM+ hào hứng chia sẻ, mặc dù ra mắt đúng mùa dịch, song doanh thu mỗi điểm bán cũng dao động 1,5 - 2,5 triệu đồng/ngày. EM+ đang tính toán cung cấp sản phẩm đến những khu vực cách ly và hướng tới thị trường ship tận nhà. “Tôi kỳ vọng dịch là cú hích về địa điểm, truyền thông”, Hương Ly nhận định.

“Vậy EM+ vận hành theo cách nào?”. Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông, chị Hương Ly cho biết: Bất cứ quán trà sữa, cà phê hay điểm kinh doanh nào có mặt bằng cũng có thể nhận nhượng quyền thương hiệu ẩm thực EM+ để tận dụng khoảng trống mặt tiền đã thuê. Đối tác của EM+ chỉ mất khoản vốn đầu tư nhỏ, khoảng 20 triệu đồng chi phí tham gia, 30 triệu đồng cho chi phí đầu tư cơ sở vật chất để có thể vận hành một kiot. Hiện, EM+ có chính sách miễn phí nhượng quyền cho 50 cơ sở đầu tiên.

Thực đơn được thay đổi theo tuần, bao gồm cả đặc sản vùng miền. EM+ sẽ giao hàng tận điểm bán. Chi phí món ăn từ 20 - 50 ngàn đồng. EM+ cũng đang cấu trúc lại thực đơn, ví dụ cuối tuần sẽ phục vụ các món lẩu, món ăn buổi tối… “Chúng tôi như một nhà máy sản xuất thức ăn, phân phối khắp Hà Nội qua các đại lý này”, chị Hương Ly mô tả.

Để cạnh tranh với rất nhiều quán ăn đường phố quen thuộc, chị Hương Ly thông tin: Quy trình đóng gói sản phẩm, vận hành, quản lý được chúng tôi chuẩn hóa. Chúng tôi cũng xây dựng thương hiệu, văn hóa gần gũi, thân thiện cho EM+. “Hiện nay, chi phí đầu vào nặng nhất cho bếp và hệ thống giám sát. Nếu phát triển lên 3.000 điểm bán thì hệ thống quản trị phải lớn và chuyên nghiệp. Tôi cũng đã có kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư lớn cả về tài chính, công nghệ để số hóa công tác quản trị. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 nghìn điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Chúng tôi còn tính đến việc, nếu EM+ làm tốt, có thể chuyển hóa cả các mô hình truyền thống này”, nhà sáng lập EM+ tiết lộ.

Cộng sinh chia sẻ

Chia sẻ về quá trình “thai nghén”, cho ra đời EM+, bà chủ MJU cho biết: Những năm gần đây, ngành bán lẻ Việt Nam có sự chuyển dịch lớn, theo trải nghiệm mới của khách hàng, gắn với sự phát triển của công nghệ, môi trường số. Nhiều chuỗi theo mô hình truyền thống dù được đầu tư lớn song tăng trưởng chậm, thậm chí phải đóng cửa do chi phí mặt bằng quá lớn. “Do đó, tôi muốn tạo ra một sân chơi trên mô hình kinh tế chia sẻ, tích hợp với mô hình truyền thống. Không riêng ẩm thực đường phố, tôi cũng đã ấp ủ, chuẩn bị cho ra đời sản phẩm mỹ phẩm theo cách thức như thế, vào tháng 4 tới. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát, nên thời điểm ra mắt có thể phải tính toán lại”, chị Ly nói.

Tuy nhiên, cô gái này vẫn có góc nhìn khá lạc quan vì đã xây dựng kịch bản quản trị chủ động cho doanh nghiệp. Ngay khi dịch bệnh xuất hiện, Hương Ly cho biết đã chủ động tìm hiểu cặn kẽ về dịch bệnh, thậm chí làm việc với chuyên gia nước ngoài để lường hết mọi tình huống, kể cả khi nhân sự công ty, thậm chí người đứng đầu bị lây bệnh. Công ty xây dựng kịch bản, hướng dẫn, huấn luyện cho nhân sự với tinh thần sẵn sàng “sống chung với dịch bệnh”.

MJU kinh doanh đa lĩnh vực, trong đó dịch vụ New Studio, dịch vụ chụp ảnh cưới, cho thuê váy cưới gần như tê liệt khi dịch bệnh bùng phát. Trong khi đó, cả hai dịch vụ này đều gánh chi phí mặt bằng và nhân sự rất lớn. “Riêng chi phí mặt bằng ngốn hàng trăm triệu đồng. Còn chi phí nhân sự (toàn bộ nhân sự của MJU 50 người) khoảng 500 triệu đồng/tháng. Song, trừ một số nhân viên tự xin nghỉ, còn tôi chưa cắt giảm nhân sự nào”, Chủ tịch MJU cho biết.

Không cắt giảm, song người đứng đầu doanh nghiệp bắt tay cơ cấu lại quản trị, nhân sự, cách thức đo lường hiệu suất công việc... Thậm chí, Hương Ly cho rằng, đây là cơ hội để nội bộ gắn kết hơn, nhân viên năng động hơn trong thích nghi thay đổi, hào hứng khi có những trải nghiệm mới tạo ra giá trị so với ngồi lo âu.

Chấp nhận dịch vụ áo cưới, chụp ảnh cưới chưa có giải pháp và phải đối mặt với thua lỗ, song với ngành bán lẻ, người đứng đầu MJU quyết tâm cấu trúc lại sản phẩm, mô hình. Và EM+ sau một thời gian thai nghén, đã được cô chủ quyết tâm tung ra đúng mùa dịch. “Có thể trong điều kiện bình thường, chuỗi trà sữa kinh doanh thuận lợi, sẽ không thiết tha bắt tay với EM+. Nhưng thị trường suy giảm là lúc phải tìm cách cộng sinh. Do đó, tôi cho rằng, bên cạnh thiệt hại tài chính thì vẫn có giá trị nhận được qua dịch bệnh. Vấn đề là thay đổi nhận thức ở hiện tại, chuẩn bị cho tương lai”, cô gái này đúc kết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.