Showbiz

Chuyện á hậu đi làm biên tập viên truyền hình

20/06/2017, 05:48

Á hậu Tú Anh thừa nhận sắc đẹp là lợi thế khi bước vào nghề báo, nhưng để trụ được lại cần đầu óc.

tuanh

Á hậu Tú Anh thừa nhận sắc đẹp là lợi thế khi bước vào nghề báo hình, nhưng để trụ được lại được thì cần phải có đầu óc. (Ảnh: VTV)

Đăng quang ngôi vị Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, Tú Anh khiến nhiều người bất ngờ khi cô lựa chọn trở thành BTV truyền hình thay vì tham gia hoạt động nghệ thuật. Cô đã dành 2 năm tập luyện và trau dồi kinh nghiệm làm việc mới có thể được lên dẫn những bản tin đầu tiên của chương trình “Tài chính Tiêu dùng”.

Luôn áp lực về thời gian, nội dung

Xuất thân là Á hậu, có nhan sắc và tài năng, nhiều người thường chọn xuất hiện bên những biệt thự sang trọng, sự kiện sang chảnh và những chuyến du lịch nước ngoài. Còn Tú Anh lại lựa chọn con đường làm báo, vốn rất vất vả với phái nữ. Tại sao chị lại yêu thích công việc này?

Phải chia sẻ thật với bạn, cuộc sống như bạn vừa nói không chỉ là mơ ước của riêng bạn, riêng tôi mà còn là mơ ước của hầu hết tất cả mọi người. Nhưng sắc đẹp và nghề nghiệp lại là hai phạm trù khác nhau. Sắc đẹp là thứ trời cho, còn nghề nghiệp mới là thứ chính mình có thể tự lựa chọn. Nghề nghiệp gắn với tương lai và có thể là trọn đời, nó góp phần thể hiện khả năng, thành công của mỗi người, trong khi sắc đẹp thì ngược lại, sẽ phai nhạt dần theo năm tháng.

Tuổi trẻ được đi những nơi mình muốn, được làm công việc mình thích. Với tôi có lẽ đó là điều tuyệt vời nhất. Còn vì sao lại yêu thích thì cũng khó nói lắm, chỉ biết là ngay từ khi còn nhỏ xem tivi, tôi đã mơ ước có một ngày mình sẽ được làm công việc ấy. Niềm mơ ước ấy cứ lớn dần theo năm tháng. Lớn thêm chút nữa, chính gia đình lại định hướng Tú Anh đi theo nghề báo. Có lẽ  vì thế, mọi người mới nhìn thấy một BTV Tú Anh như ngày hôm nay.

Có phần nào lý do là không phải nặng gánh áp lực kinh tế nên chị chọn công việc này hay không, vì tôi được biết, thu nhập của một BTV truyền hình không quá cao?

Vì yêu thích nghề báo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên tôi mới quyết tâm thi vào Học viện báo chí tuyên truyền. Khi đó, thu nhập của một BTV truyền hình với tôi còn mơ hồ lắm. Nhưng giờ đi làm rồi thì thấy mọi thứ đều rất ổn đấy chứ! (Cười)

Chị mất 2 năm rèn luyện để có thể trở thành BTV. Khoảng thời gian ấy, chị đã trải qua những khó khăn gì?

Trước đây xem các anh chị dẫn trên truyền hình, tôi hình dung về mọi việc đều thấy rất dễ dàng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc mới thấy mọi thứ không đơn giản chút nào. Để có một bản tin trên sóng, dù ngắn hay dài thì đằng sau đó là cả một êkip với biết bao con người phải làm việc khá vất vả, căng thẳng. Các bản tin tôi đang thực hiện đều là dẫn trực tiếp nên không cho phép có một lỗi nhỏ trong bất kỳ một khâu nào của cả êkip. Áp lực về thời gian, nội dung lúc nào cũng có nhưng cũng phải tập quen dần. Bên cạnh đó, tôi luôn có sự hỗ trợ  nhiệt tình của các anh chị đồng nghiệp nên khó khăn nào cũng sẽ mau qua. 

0285254-n-1488611075835

 

Sắc đẹp không phải lợi thế lớn nhát trong nghề báo

Bước chân vào công việc BTV truyền hình, theo Tú Anh, lợi thế lớn nhất của chị là gì? Có phải là nhan sắc như nhiều người hay nói?

Với người làm truyền hình, nhất là các BTV nữ thì ngoại hình là một lợi thế. Trong một số trường hợp, ngoại hình tạo ra thiện cảm với người đối diện. Đó cũng chính là lợi thế của phụ nữ khi làm báo nói chung và những người được trời cho lợi thế nhan sắc nói riêng. Nhưng trong nghề báo, lợi thế thực sự phải là đầu óc và sự linh hoạt, nhanh nhẹn trong mọi tình huống và hoàn cảnh. Sắc đẹp có thể cho người xem ấn tượng ban đầu nhưng lâu dài vẫn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của người làm báo. Bởi thế, tôi không nghĩ nhiều đến nhan sắc bên ngoài một cách tuyệt đối. Cái cần trau dồi hàng ngày chính là các kỹ năng nghề nghiệp để thực sự tạo ra sự thu hút.

Gần như MC nào lên sóng cũng từng bị dư luận chê bai hay phản ứng. Tú Anh dừng như cũng không ngoại lệ. Chị phản ứng thế nào trước những lời chê của khán giả?

Có ai khi bị chê mà lại không buồn, không chạnh lòng chứ, tôi cũng vậy. Nhưng nghề nghiệp của chúng tôi, lắng nghe mọi điều khen chê của khán giả để phát huy cái tốt, khắc phục những điều còn thiếu sót là cực kỳ cần thiết. Bởi thế, tôi trân quý vô cùng những lời đóng góp chân thành ấy, và đó cũng chinh là động lực giúp tôi cố gắng mỗi ngày.

Dư luận đồn rằng, để trụ được tại VTV cần phải có người chống lưng. Bản thân Tú Anh trụ được vì lý do gì?

Lại có cả tin đồn như thế này nữa sao? Tại trung tâm tin tức VTV24 nơi tôi làm việc có rất nhiều người trẻ, trong số đó có rất rất nhiều người gia đình chưa từng có ai làm truyền hình. Cũng như tôi, được vào làm việc tại đây cũng như một cơ duyên. Chị Thụy Vân chính là người đầu tiên gợi ý cho tôi tham gia buổi kiểm tra thử. Nhưng để có thể được dẫn bản tin trên sóng trực tiếp như ngày hôm nay, tôi đã mất gần 2 năm  luyện tập dưới sự chỉ dẫn của chị Ngọc Trinh và chị Thụy Vân. Tại đây, không có sự ưu ái nào dành cho những người lười biếng và không cố gắng. Sự đào thải là không ngừng, cũng như không có sự chống lưng nào cho từng cá nhân nếu bạn không hoàn thành tốt công việc. Vì thế, tôi không dành thời gian bận tâm tới những lời đồn không những không đúng mà còn vô căn cứ nữa.

 

ahautuanh

 

Vẫn có thể yêu đồng nghiệp

Rất ít khi thấy Tú Anh chia sẻ những câu chuyện về đời sống riêng của mình trên truyền thông. Vì sao vậy?

Bản thân tôi cũng tránh nhắc đến vấn đề này, không phải vì ngại, vì sợ. Nhưng thật lòng, tôi không muốn cuộc sống riêng bị đào bới quá nhiều. Có những câu chuyện mình đã từng chia sẻ, có những khoảnh khắc, những câu nói đùa vui thôi đôi khi lại bị bóp méo, xuyên tạc. Điều đó vô tình lại mang đến những câu chuyện không vui cho bản thân, cho gia đình tôi và đôi khi tổn thưong cả người khác. Vì vậy, tôi tâm niệm rằng, thôi những gì riêng có giờ chỉ giữ cho mình, cho những người thân yêu bên mình là đủ.

Nhiều nhà báo nữ cho biết họ sẽ không bao giờ yêu nam đồng nghiệp vì thấu hiểu tính chất công việc. Tú Anh có nằm trong quan niệm này?

Phụ nữ làm báo rất thiệt thòi, họ hầu như có rất ít thời gian riêng dành cho gia đình. Thế nên nếu trong gia đình cả hai người cùng làm báo thì khó khăn chắc sẽ nhân lên nhiều lần. Thực lòng thì khó có thể nói trước điều gì, bởi tình yêu là thứ tình cảm lạ lắm, khó ai định nghĩa được. Dù là đồng nghiệp nam đi nữa thì khi trái tim mình đã cảm rồi thì khó mà cưỡng nổi. Tôi thiết nghĩ, cứ thuận theo tự nhiên, đã là tình yêu thì phải để trái tim lên tiếng, quan niệm hay quy tắc nào thì cũng sẽ không còn giá trị nữa đâu. 

Vậy mẫu người đàn ông như thế nào có thể lọt vào mắt xanh của chị?

 Một người đàn ông chin chắn, bản lĩnh, biết yêu thương và chia sẻ. Vậy là đủ! (Cười)

Một người làm truyền hình rất bận rộn, thời gian dành cho bản thân và gia đình không nhiều. Để một người phụ nữ có thể thành đạt trong công việc, theo Tú Anh, có thể dựa hoàn toàn vào sự cảm thông của người đàn ông bên cạnh?

Phụ nữ làm truyền hình luôn bận rộn, giờ giấc thất thường, thời gian dành cho gia đình không nhiều. Do đó, có được sự chia sẻ và cảm thông của người đàn ông bên cạnh mình thì còn gì tuyệt vời hơn thế. Tôi tin hầu hết các nhà báo nữ đều mong muốn như vậy. Có thêm động lực, họ có thêm nhiều thời gian, tâm huyết để dành cho sự đam mê của mình. Sự cảm thông của người đàn ông bên cạnh không quyết định được sự thành công của các nhà báo nữ nhưng lại là nguồn động lực to lớn để giúp họ có được thành công ấy.

Cảm ơn chị!

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.