Quản lý

Chuyện "bà đầm thép", nữ giáo sư, bác sỹ ngành giao thông

08/03/2022, 06:18

Chị Đỗ Thị Yến Nhi được các đồng nghiệp mệnh danh là “bà đầm thép” trong kiểm tra, xử lý vi phạm Luật GTĐB, nhất là kiểm soát, xử lý xe quá tải.

Họ có thể là một nữ bác sỹ, một nhà khoa học hay thanh tra giao thông… vị trí công tác khác nhau nhưng có một điểm chung là vô cùng nghị lực và yêu nghề. Ở tuyến đầu luôn có những người phụ nữ như thế.

img

Đội trưởng Thanh tra An toàn Cục QLĐB IV Đỗ Thị Yến Nhi (thứ 5 từ trái) cùng các lực lượng kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật GTĐB

“Bà đầm thép” xử xe quá tải

Từ lâu, chị Đỗ Thị Yến Nhi, Đội trưởng Đội Thanh tra - An toàn, Cục Quản lý đường bộ IV, Tổng cục Đường bộ VN được các đồng nghiệp mệnh danh là “bà đầm thép” trong kiểm tra, xử lý vi phạm Luật GTĐB, nhất là kiểm soát, xử lý xe quá tải.

“Mọi người gọi vui vậy là do Đội 4 chúng tôi xử lý rất nghiêm túc nên anh em biết tiếng cũng có ý thức chấp hành, từ đó ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Đã là quy định thì không thể làm khác được, không thể du di giảm bớt, làm sai”, chị Nhi lý giải về “biệt danh” mọi người hay gọi mình và chia sẻ, do công việc phức tạp, nhạy cảm nên Đội thường xuyên quán triệt đến anh em phải thực hiện nghiêm, kể cả việc phòng chống tiêu cực nội bộ.

Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra từ ngày 9-13/3/2022 quy tụ 1.000 đại biểu chính thức. Đại hội nhằm đánh giá phong trào phụ nữ 5 năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027 và là dịp ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của phụ nữ thuộc các lực lượng, các dân tộc, tôn giáo và các lĩnh vực hoạt động khác nhau trong cả nước.


“Làm thanh tra đối với nam giới đã khó, với nữ giới càng khó hơn, nhất là khi kiểm tra, xử lý tại hiện trường hay đi kiểm soát tải trọng xe, cưỡng chế giải tỏa vi phạm hành lang đường bộ.

Nhiều đối tượng xin bỏ qua không được là manh động, phản ứng tiêu cực. Gặp trường hợp đó thì xử lý phải mềm dẻo, giải thích sao cho họ hiểu, chấp hành một cách “tâm phục, khẩu phục”. Chính vì vậy, nhiều năm nay không có đơn khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực xử lý của Đội”, chị Nhi cho hay.

Kể về những kỷ niệm đáng nhớ, chị Nhi cho biết, giai đoạn tham gia tổ kiểm tra về vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ GTVT thành lập tháng 7/2021 thật sự là những ngày không thể nào quên.

Khi đó, dịch đang bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tổ công tác có nhiệm vụ xử lý kịp thời các vướng mắc để đảm bảo vận tải thông suốt nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng dịch.

Thời điểm đó chị ở ngoài nhiều hơn ở nhà. Nay tỉnh này, mai tỉnh khác, bữa ăn thường xuyên là lương khô, mỳ gói.

“Dịch dã phức tạp, nguy cơ lây nhiễm rất cao, tôi lại là phụ nữ, hơn nữa còn con trai nhỏ mới học lớp 6 lúc đó chưa được tiêm. Nhưng “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, giặc này là giặc dịch bệnh, ngại nó, sợ nó mà ở nhà thì công việc làm sao chạy được”, chị Nhi tâm sự.

Cứu được người là quên hết vất vả, khó khăn

img

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà

Cũng công tác nơi tuyến đầu, nhưng là trong lĩnh vực y tế GTVT, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Giao thông vận tải đã có hơn 20 năm gắn bó với công việc hồi sức, cấp cứu.

Khoa là nơi điều trị những bệnh nhân nặng nhất nên nhiều khó khăn, vất vả. Các bác sỹ, điều dưỡng phải thường xuyên theo dõi trực tiếp người bệnh nặng 24/24h.

“Đặc thù ở khoa là điều trị bệnh nhân nặng nên sự mong đợi của người nhà người bệnh đối với các y, bác sỹ rất lớn. Thật sự rất áp lực.

Việc người nhà có lúc phản ứng hay thái độ tiêu cực là không tránh khỏi. Nhưng mỗi khi cứu được một người bệnh thoát khỏi “cửa tử”, chúng tôi quên hết những vất vả”, bác sỹ Hà chia sẻ.

Ngoài công việc ở khoa cấp cứu, 2 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị được giao phụ trách việc phòng chống dịch của bệnh viện.

Chị Hà cùng các thành viên khác xây dựng phương án, các kịch bản phòng chống dịch, bao gồm cả tiêm vaccine và điều trị người bệnh F0 phát hiện trong quá trình khám chữa tại bệnh viện.

Mỗi ngày, bệnh viện phải tiêm cho khoảng 1.000 người là CBCNV ngành GTVT và người dân quận Đống Đa, phải huy động khoảng 50 bác sỹ, nhân viên y tế tham gia. Nhưng với quyết tâm, nỗ lực của cả tập thể, tất cả công việc đều diễn ra thuận lợi, an toàn.

Âm thầm cống hiến

img

PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy khi được vinh danh Công dân ưu tú Thủ đô

Khác với chị Nhi, bác sỹ Hà, công việc của PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên Bộ môn Kết cấu và vật liệu - Khoa Công trình, trường Đại học Công nghệ GTVT lại ít phải va chạm với xã hội.

Nhưng nói nhà nghiên cứu ở tuyến đầu cũng không sai, bởi ngày ngày họ miệt mài với những bài toán, những phép thử, theo đuổi bằng được những mục tiêu đặt ra.

Và kết quả nghiên cứu của họ là tiền đề, là những hiệu quả mang lại cho công việc hàng ngày của những người làm giao thông.

PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy đã có 40 năm gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy, từ khi về công tác tại Viện Khoa học và công nghệ năm 1981, cho đến khi chuyển về giảng dạy tại trường vào năm 2014.

PGS. TS. Thủy đã trực tiếp chủ trì và tham gia hàng chục đề tài, tiêu chuẩn Nhà nước và cấp bộ, sở. Nhiều công trình nghiên cứu của bà cùng cộng sự đã được áp dụng trong thực tế như sơn vạch kẻ đường, biển báo ATGT; sơn bảo vệ chống ăn mòn với độ bền cao cho cầu Chương Dương; sơn duy tu cầu Thăng Long...

Cùng đó, bà là chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu chế tạo phụ gia bám dính đá nhựa trên cơ sở Oligomamid cho công trình giao thông Hà Nội, chế tạo nhựa đường chất lượng cao trên cơ sở nhựa đường biến tính cao su, cải thiện chất lượng nhựa đường bằng phần tử nano...

“Đây là giai đoạn số hóa, để có những sản phẩm tốt, chúng tôi không được dừng lại, phải liên tục trau dồi kiến thức, tăng cường hợp tác quốc tế để đưa ra những sản phẩm mới, hiện đại, hướng tới công nghệ xanh. Rất vui là vừa qua chúng tôi đã nghiên cứu được công nghệ chống trượt ceramic để giảm thiểu TNGT”, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ.

Với những đóng góp này, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ KH&CN tặng bằng khen; Bà từng đạt giải Nhì Vifotec; Giải thưởng Kovalevskaya, được vinh danh Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu, Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước…

Năm 2021, bà tiếp tục được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của phụ nữ Thủ đô.

Trong hàng vạn những lao động nữ trong ngành giao thông, những tấm gương của chị Nhi, bác sỹ Hà hay PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy là niềm tự hào và là động lực cho không ít chị em vượt qua các khó khăn về giới, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển ngành GTVT.

Năm 2021, có 22 nữ công nhân lao động điển hình tiên tiến được Công đoàn GTVT VN tuyên dương, 5/19 lao động nữ được Công đoàn GTVT VN tặng bằng khen đột xuất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhiều lao động nữ được nhận bằng khen, giấy khen, khen thưởng các cấp.

Lãnh đạo Công đoàn GTVT VN cho biết, nữ công nhân viên chức lao động ngành GTVT được tiếp cận các thông tin về giới, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, đã tích cực học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất của phụ nữ Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.