Thời sự

Chuyện ba vị tướng làm Bộ trưởng GTVT

29/12/2014, 12:55

Bộ trưởng là Tư lệnh ngành, nếu nói theo ngôn ngữ quân sự. Suốt từ năm 1960 đến 1986, lần lượt đã có ba vị tướng từng trải trận mạc đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng GTVT.

Bộ trưởng GTVT Đồng Sĩ Nguyên và đại diện Chính phủ Phần Lan làm lễ bàn giao giai đoạn 1 xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển Phà Rừng (1984) Ảnh: Tư liệu
Bộ trưởng GTVT Đồng Sĩ Nguyên và đại diện Chính phủ Phần Lan làm lễ bàn giao giai đoạn 1 xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển Phà Rừng (1984)-Ảnh: Tư liệu

Chiến tranh nhân dân trên mặt trận GTVT

Tư lệnh ngành đầu tiên là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, hai lần làm Bộ trưởng: giai đoạn 1960-1974 (có thời gian kiêm luôn Tư lệnh và Chính ủy Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn); tiếp đó giai đoạn 1976 - 1980 ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GTVT.

Theo suy luận thông thường, một vị từng là Tư lệnh trong quân đội và công an như ông sẽ mang theo phong cách quân sự vào hoạt động quản lý ngành, đặc biệt là trong thời chiến, khi mà 60-70% số bom Mỹ ném xuống miền Bắc nhằm vào mục tiêu giao thông, còn ta thì tất cả cho tiền tuyến, để đánh thắng, bảo đảm mạch máu giao thông. Tuy nhiên, dấu ấn sâu sắc của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ là cách sống và làm việc đầy lạc quan, lúc bình thường cũng như khi nước sôi lửa bỏng. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Bình Tâm nhớ lại: “Nghệ thuật lãnh đạo của ông vừa khéo léo thuyết phục, vừa dân chủ bàn bạc, nhưng cũng quyết đoán đúng lúc, đúng trường hợp và dám chịu trách nhiệm về những chủ trương quyết sách của mình. Ông đoàn kết được đông đảo cán bộ chính trị, khoa học kỹ thuật, người trong Đảng và ngoài Đảng, biết động viên họ làm những việc tưởng chừng như không làm nổi. Ông nghiêm khắc với những sai sót của bản thân, nhưng khi xử lý kỷ luật cấp dưới lại rất thận trọng”. 

Trong tâm khảm của nhiều người làm GTVT, hình ảnh con người ông là sự kết hợp hài hòa của một Tư lệnh kiêm Chính ủy tài năng, sâu sắc và hết sức gần gũi. Ông như một đầu mối lớn quy tụ, phát huy sức mạnh toàn ngành, liên kết chặt chẽ với các địa phương, phối hợp lực lượng dân sự và quân sự, huy động mọi nguồn nhân lực (kỹ sư và công nhân giao thông, bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến, nhân dân) và phương tiện sẵn có (quang gánh, gùi thồ, thuyền bè, tàu xe), thực hiện sáng tạo phương thức chiến tranh nhân dân trên mặt trận GTVT, làm nên sức mạnh tổng hợp góp phần vào thắng lợi chung...

“Tôi về đây để kìm tốc độ xuống cấp của Ngành”

Người về làm Bộ trưởng GTVT thay ông Phan Trọng Tuệ là Trung tướng Đinh Đức Thiện. Ông làm Bộ trưởng trong một thời gian ngắn, khoảng một năm rưỡi (1981-1982) nên dấu ấn chưa rõ nét. Tôi chỉ nhớ một lần hơi ngỡ ngàng khi nghe ông nói: “Tôi về đây không phải để vực lên mà kìm tốc độ xuống cấp của ngành”. Hóa ra ông nói rất thật.

Giữa bộn bề thiếu thốn sau chiến tranh biên giới, đất nước bị bao vây cấm vận và lâm vào khủng hoảng kinh tế, cơ sở vật chất ngành GTVT xuống cấp không phanh, ông thực hiện lời nói trên bằng hành động thiết thực: Đôn đốc ráo riết, điều hành quyết liệt, cố gắng duy trì các hoạt động GTVT, qua đó làm bộc lộ rõ hơn mặt được cũng như chưa được của giải pháp quản lý hiện hành, tạo ra bước đệm cần thiết trước khi bàn giao chức Bộ trưởng cho Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. 

Giai đoạn 1982-1986 là đỉnh điểm của những khó khăn cuối thời bao cấp và chính chủ trương xốc lại tổ chức quản lý và sản xuất, chấn chỉnh kỷ cương, năng động vượt qua thách thức đã góp phần quyết định trong việc đào tạo đội ngũ, tập dượt và mở ra thế trận mới để ngành GTVT tự tin bước vào giai đoạn đổi mới nhiều mặt.   

Lúc đó, nguồn viện trợ của các nước XHCN cạn kiệt, vốn đầu tư phải tính từng đồng, ngoại tệ ít ỏi trong khi rất nhiều nhu cầu thúc bách. Đến mức, Bộ trưởng phải cân đối từng tấn nhựa đường, bởi vì giá nhập khẩu 1 tấn nhựa đường và 1 tấn gạo bằng nhau, mà dân thì đang đói, “rải nhựa đường là rải gạo ra đường”, ông Đồng Sĩ Nguyên luôn nhắc nhở cấp dưới như vậy”.

Năm 1985, chuẩn bị cho cuộc đua xe đạp xuyên Việt kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi ban tổ chức xin một ít nhựa đường để vá ổ gà trên QL1A, Bộ trưởng, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã động viên ngành đường bộ cố gắng dùng đất cấp phối kẹp vữa để vá ổ gà cho đường tạm êm thuận và nói thêm: “Tất cả nhựa đường chỉ dành cho công trình trọng điểm”.

Đây cũng là thời kỳ những kỹ sư, công nhân GTVT ăn cơm độn, mặc áo vá đã làm nên không ít kỳ tích như xây dựng một số công trình đầu mối ở Thủ đô và dự án giao thông trọng điểm khác...

Công trường thường làm ba ca liên tục và có điều lạ là lãnh đạo chủ đầu tư, giám đốc các BQL dự án, đơn vị thi công ai cũng tự giác có mặt vào cuối giờ hành chính của ngày làm việc và suốt ngày chủ nhật, trừ trường hợp bất khả kháng. Bởi Tư lệnh ngành còn giữ các cương vị cao hơn (Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ) bận nhiều công việc, chỉ vào những lúc ấy mới sắp xếp đi kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp và tại chỗ các công trình giao thông trọng điểm.

Khi mở cửa ngõ phía Tây Thủ đô (đường Nguyễn Trãi bây giờ) vướng khâu GPMB, ngay buổi tối, Bộ trưởng mời Phó Chủ tịch thành phố, Giám đốc Sở Công an Hà Nội, chủ đầu tư, nhà thầu đứng giữa khu vực Ngã Tư Sở cùng cam kết: “Gắng vận động người dân tự giác di dời.

Đến đúng giờ G thực hiện cưỡng chế đối với trường hợp cố tình dây dưa. Có mặt bằng đến đâu, xe máy phải thi công liền tới đó, không chậm một giây”. Trong buổi làm việc với ngành Đường sắt về triển khai phương án tăng tốc độ chạy tàu, tôi đã nghe ông nói rất rõ ràng: “Không thể chấp nhận để kéo dài tình trạng tàu chạy như rùa bò và chậm giờ liên miên. Phải tăng tốc. Nếu có ai đó chưa thông, xin tự giác đứng tránh sang một bên. Trường hợp cứ ngồi chắn “giữa đường tàu”, chúng tôi sẽ kẹp nách xách lên”.

  Những năm gian khổ đó, mấy Tết liền cánh phóng viên viết về giao thông đạp xe đạp ra đón Giao thừa giữa sông Hồng gió buốt căm căm, để đưa tin ông thăm hỏi và động viên người lao động xây dựng cầu Chương Dương (Hà Nội)...

Quang Tuấn

(Nguyên PV Báo Nhân dân)  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.