Giao thông

Chuyển biến của ngành GTVT được nhân dân ghi nhận

25/08/2014, 17:20

Các đại biểu đánh giá cao kết quả hoạt động của ngành GTVT trong thời gian qua trong tái cơ cấu cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp.

Sáng nay (25/8), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung tái cơ cấu nền kinh tế trong phạm vi, lĩnh vực GTVT. Các đại biểu đánh giá cao kết quả hoạt động của ngành trong thời gian qua, nhất là trong tái cơ cấu cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp.

Ngành GTVT không còn dự án chậm tiến độ
Ngành GTVT sẽ truy trách nhiệm nếu công trình có chất lượng kém

Học hỏi kinh nghiệm cổ phần hóa doanh nghiệp của ngành GTVT

Mở đầu buổi làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá cao những hoạt động, cũng như kết quả của Bộ GTVT thời gian qua trong tái cơ cấu theo Đề án của Chính phủ. Theo báo cáo của Chính phủ, hết năm 2013, số doanh nghiệp Bộ GTVT thực hiện cổ phần hóa chiếm đến 50% tổng số doanh nghiệp mà Chính phủ đã thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2013. Đây là điều rất tích cực, muốn được trao đổi học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng điển hình và cũng là tìm ra những khó khăn để khắc phục.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Một trong những bài học có thể đưa vào trong báo cáo giám sát của Quốc hội là vai trò chỉ đạo sát sao, thống nhất của Ban Cán sự Đảng bộ và lãnh đạo Bộ GTVT, đã tạo ra sự đồng bộ trong quá trình tái cơ cấu. Các công việc Bộ GTVT đã làm góp phần tạo cơ sở giúp cơ quan quản lý nhà nước củng cố hệ thống văn bản của mình ngày càng hoàn thiện hơn.

Còn theo ông Vũ Văn Phòng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong nhiệm kỳ này, lĩnh vực nào của ngành GTVT cũng đều có những đột phá từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đến tiến độ và chất lượng các công trình giao thông, xây dựng văn bản thể chế, đảm bảo an toàn vận tải...

“Những thành quả của ngành GTVT được cả nước và nhân dân ghi nhận. Thậm chí có người còn nói với tôi rằng, chất vấn ngành GTVT ít thôi vì các anh đang làm rất tốt rồi, để các anh có thời gian chuyên tâm thêm cho công việc” – ông Phòng nói.

Nói suất đầu tư cao là không có cơ sở

Khẳng định ngành GTVT đã làm được nhiều việc trong thời gian qua, tuy nhiên các đại biểu vẫn muốn được hiểu thêm nhiều vấn đề, để có một cái nhìn tổng quát và rõ ràng hơn trước khi báo cáo lên Quốc hội.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, vị trí vai trò của ngành GTVT rất quan trọng để phát triển kinh tế. Cần làm rõ hơn việc huy động các nguồn lực lớn của xã hội, nếu không có những giải pháp quyết liệt sẽ không thể huy động được. Hướng xử lý các doanh nghiệp của ngành còn khó khăn như doanh nghiệp đường thủy, đường sắt và hàng hải. Thời gian tới, tỷ trọng lĩnh vực giao thông như thế nào?

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu muốn Bộ GTVT giải thích rõ vì sao suất đầu tư các công trình giao thông cao hơn các nước? Bộ GTVT làm gì để giảm suất đầu tư? Bên cạnh đó là các vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhanh nhưng hiệu qủa thế nào? Giải quyết các vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, thoái vốn ra sao?...

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp đã được thực hiện đúng kế hoạch. Đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án cổ phần hóa theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cổ đông chiến lược. Đến nay đã cổ phần hóa 63 doanh nghiệp. Riêng năm 2013 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp. 7 tháng đầu năm nay cổ phần hóa thêm 9 doanh nghiệp.

Trong tổng số 10 Tổng công ty nhà nước đã hoàn thành phương án cổ phần hóa, có 6/10 Tổng công ty không nắm giữ cổ phần chi phối. 7/10 Tổng công ty đã lựa chọn được cổ đông chiến lược, đồng thời sẽ tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước không nắm giữ 100% vốn nhà nước trong năm 2014, 2015. Bộ GTVT cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu 15 Tổng công ty.

Buổi làm việc
Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Bộ GTVT

Về thoái vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác, ông Thắng cho biết đã hoàn thành thoái vốn tại 39 doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành GTVT đầu tư ngoài ngành rất ít, mà chủ yếu tập trung thu gọn đầu mối, thoái vốn, chuyển nhượng vốn tại các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực kinh doanh chính và hoạt động kém hiệu quả.

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, khó khăn hiện đối với các dự án là chưa rõ trách nhiệm trong bồi thường tái định cư. Việc thỏa thuận giá đền bù và xác định nguồn gốc đất rất phức tạp dẫn đến kéo dài khâu GPMB và tiến độ dự án chậm.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng bổ sung thêm, nói suất đầu tư các dự án ở Việt Nam cao hơn các nước khác từ 3 đến 5 lần là không có cơ sở. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng làm báo cáo về suất đầu tư các công trình xây dựng tại Việt Nam. Thực tế các dự án ở Việt Nam, để thực hiện một dự án xây dựng mất rất nhiều chi phí cho GPMB. Khó nhất hiện nay là thỏa thuận giá đền bù, cứ nơi này nhìn nơi kia để đòi giá cao lên. Hơn nữa, phải mất chi phí cho rà phá bom mìn. Chúng ta vẫn có thói quen đường đi qua phố nên cầu chui, cầu vượt nhiều, nút giao nhiều. Mà mỗi nút giao mất khoảng nghìn tỷ đồng, thấp thì mất dăm ba trăm tỷ đồng. Hơn nữa, nhiều dự án của ta cứ thích thiết kế hoành tráng gây lãng phí.

Lấy ví dụ dự án Bến Lức – Long Thành, Bộ trưởng cho biết chỉ cần điều chỉnh lại thiết kế dự án này quy mô hợp lý hơn đã giảm được gần mười nghìn tỷ đồng. Tại sao cái gì cũng thiết kế cầu dây văng cho tốn kém, trong khi đất nước còn nghèo.

Quy rõ trách nhiệm nếu công trình chất lượng kém

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cục, vụ của Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát để hoàn thiện báo cáo. Bộ GTVT đã phê duyệt 3 Đề án về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu vận tải được thực hiện nghiêm túc, sát sao. Các đề án này cũng được đánh gia cao. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành GTVT giai đoạn 2011 – 2020.

Đề án tái cơ cấu ngành GTVT được xây dựng trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế cả nước, trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước giai đoạn 2011 – 2020 và các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết đại hội Đảng. Tái cơ cấu vận tải góp phần thúc đẩy tái cơ cấu cả nước. Giao thông luôn phải đi trước để góp phần thúc đẩy tái cơ cấu chung của nền kinh tế. Ngành GTVT đã tranh thủ huy động được nguồn lực xã hội vào quá trình tái cơ cấu. Tái cơ cấu ngành GTVT phải gắn với các địa phương, đầu tư theo chiến lược và quy hoạch.

Danh mục các công trình theo thứ tự ưu tiên theo kế hoạch. Mục tiêu xóa bỏ đầu tư dàn trải, không có nợ đọng xây dựng, không điều chỉnh tổng mức đầu tư. Bộ GTVT vừa qua cũng đã phê duyệt chiến lược phát triển GTNT, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Về tiết giảm vốn đầu tư, Bộ trưởng cho biết kiên quyết rà soát lại toàn bộ các dự án. Chỉ đầu tư các dự án cần thiết. Quy mô đầu tư phải căn cứ vào thực tiễn, lấy giá trị sử dụng làm mục tiêu đầu tư. Dứt khoát không còn công trình giao thông chậm tiến độ. Lãnh đạo đơn vị nào để tiến độ chậm sẽ bị thay thế. Công trình nào chất lượng kém sẽ quy rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm.

Về cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đến 2015 sẽ không còn doanh nghiệp nhà nước nếu nhà nước không còn cần giữ cổ phần hoặc cổ phần chi phối. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhưng trọng tâm sẽ là cổ phần hóa, thoái vốn. Đảm bảo công khai minh bạch trong cổ phần hóa.

Để kiểm soát tải trọng xe hiệu quả hơn, Bộ trưởng cho biết rất cần sự vào cuộc của các Bộ ngành khác nữa. Thời gian qua, Bộ GTVT đã yêu cầu đơn vị liên quan kiểm soát tải trọng ngay từ chân hàng các cảng, ga.

Thời gian tới, Bộ GTVT tập trung hoàn các dự án trọng điểm, tập trung làm đường cao tốc Bắc Nam và một số tuyến cao tốc phía Bắc, phía Nam. Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án hiện đại hóa đường sắt Bắc Nam và xây dựng đường sắt tốc độ cao...

Thiện Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.