Thời sự

Chuyện cái "đít tròn, đít vuông" thời bao cấp

27/09/2014, 06:22

Thời bao cấp cán bộ đi công tác về các tỉnh vớ được cái com-măng-ca đít vuông phải nói là "oai" nhất, nhưng com-măng-ca "đít tròn" còn "oách" hơn "đít vuông" nhiều.

Những năm đất nước còn khó khăn, Com-măng-ca là niềm kiêu hãnh với những người được ngồi trên chiếc xe này (Ảnh tư liệu)
Những năm đất nước còn khó khăn, Com-măng-ca là niềm kiêu hãnh với những người được ngồi trên chiếc xe này (Ảnh tư liệu)


Mê mẩn cái “đít tròn”


Một lần cơ quan cử tôi đi công tác, vì công việc khẩn, phải liên hệ nhiều đơn vị giao thông trên các tuyến nên “sếp” viết giấy đề nghị văn phòng xin một cái xe. Tôi mừng rơn, cầm giấy đến cửa văn phòng chầu chực mãi mới gặp được “sếp trưởng” nhân lúc có người trong phòng bước ra, tôi rón rén đẩy cửa vào: “Báo cáo anh, “sếp” em có giấy gửi cho anh”.


Cầm tờ giấy tôi vừa đưa, xem lướt qua, ông rút cái bút cắm ở lọ ngoáy tít một cái rất nhanh, trao trả tôi. Ra ngoài sân tôi đọc ở góc tờ giấy: “Chuyển đội xe giải quyết”. Bước chân đi mà tim cứ đập loạn xị như muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Còn một “cổng quan” nữa không biết thế nào đây? Đến cửa đội xe, tôi hỏi một anh lái xe: “Anh cho tôi hỏi, ông đội trưởng đi đâu?”. 


“Có việc gì ra ngoài chờ, đội trưởng đang đi có việc”, người lái xe lạnh lùng trả lời.
 

"Sau chuyến công tác về, tôi mới thấy được tác dụng thật sự của cái “đít vuông”, tôi thầm cảm ơn ông đội trưởng đội xe. Nếu có dịp đi công tác lần sau, tôi không dám mê tưởng “đít tròn” nữa mà mạnh dạn đề xuất, bẩm báo với ông rằng: Dạ kính thưa bác, bác làm ơn cho em xin cái “đít vuông”.

Tôi ra cổng cơ quan đứng chờ. Một lát sau thấy ông đội trưởng ngồi trên ô tô đi vào cổng, tôi chạy theo ngay. “Báo cáo bác, em xin xe đi công tác ạ”. Tôi đưa tờ giấy, ông thò tay vào ngăn kéo lôi cái mục kỉnh có dây đeo lằng nhằng, mất một lúc sau mới ráp được vào hai bên tai, đọc xong tờ giấy ông hỏi: “Mấy người đi?”. 

Tôi trả lời chỉ có một mình. Rồi ông mở cái cặp ba dây cáu bẩn, rách mép, bụi bám đầy để ở góc bàn rút tờ “lệnh điều xe” cắm cổ ngoáy một lúc, xong chìa cái giấy ra bảo tôi: “Cho cậu cái đít vuông”.


Thực tình tôi mê cái “đít tròn” hơn nên khi nghe ông phán tôi hơi thất vọng. Cố nài nỉ xin may ra thấu được tâm can ông đội trưởng. “Bác linh động cho em xin cái “đít tròn”, có mình em đi với lái xe mà ngồi “đít vuông” nó lãng phí quá”.


Ông đứng phắt dậy “quát” tôi một thôi một hồi mồm miệng sặc toàn mùi rượu (thì ra “bố” với lái xe vừa đi đánh chén tiết canh, lòng lợn về): “Cậu có trẻ con không đấy, “đít tròn” là tiêu chuẩn của các sếp từ cấp cục trưởng, cục phó, vụ trưởng, vụ phó trở lên nghe không, cậu chỉ là nhân viên quèn, tiêu chuẩn của cậu là đi xe ngoài tự bỏ tiền mua vé, lấy công lệnh về tài vụ mà thanh toán. Trường hợp này vì có giấy đề nghị của sếp cậu nên văn phòng mới linh động giải quyết, cho cậu cái “đít vuông” là quá lắm rồi, đi hay không do cậu quyết định. Nói xong ông lia cái lệnh điều xe ở góc bàn rồi bỏ đi”.

Tác dụng không ngờ của cái “đít vuông”


Thế là tôi đành chấp nhận “đít vuông”. Hôm sau cái “đít vuông” tróc gần hết sơn, vừa chở vôi ve, cát sỏi ở đâu về còn dính bê bết đầy bùn đất với người lái đang chờ tôi ở sân. Hai chúng tôi chào hỏi nhau rồi lên đường, lái xe là một thanh niên còn trẻ vừa mới ra trường chỉ kém tôi vài tuổi nên chúng tôi dễ thông cảm. 


Xe chạy bon bon trên đường, tôi ngồi oai vệ cạnh lái xe đảo mắt phóng ra hai bên đường đầy vẻ dương dương tự đắc, miệng phì phèo điếu thuốc lá trông “oai ” ra phết. Bên cạnh để chiếc cặp giả da đứt quai, hỏng khóa đi mượn của ông hàng xóm tối qua đựng quần áo, ríp, bàn chải đánh răng, cuốn sổ tay. Chà! Ước gì mình được thăng quan, tiến chức làm “sếp” đủ tiêu chuẩn “đít tròn” thì khối anh, khối ả phải tròn mắt. Đang nghĩ miên man, quay đầu lại thấy hai băng ghế sau bỏ không, tôi bảo cậu lái xe: “Hai băng ghế bỏ không sao cậu không ghé bến làm chuyến quá giang kiếm ít hào uống bia?”.


Cậu lái xe cười bảo tôi: “Tiền ai chẳng muốn nhưng đừng có dại, chẳng may gặp phải mấy ông “Thanh tra giao thông” mất cần câu cơm như chơi”.


“Cậu còn trẻ lại đẹp trai sao không lái cái “đít tròn” cho oai mà phải xài cái “đít vuông” ghẻ lở, hắc lào này?”, tôi hỏi tiếp.


“Em mới ra trường lại không “con ông, cháu cha” của ai trong cơ quan, ở trên phân xe nào thì xào xe ấy không dám đòi hỏi. Xe này cơ động lắm anh ơi, chuyên dụng chở gạch ngói, xi măng, vôi ve, cát sỏi, sắt thép, cả lợn, gà, tương cà, mắm muối, tôm tép, hàng căng tin cho công đoàn, đắt khách hơn “đít tròn” là cái chắc”, cậu lái xe vừa cười đắc chí, trả lời. 


Chiều đến, cảnh núi rừng vắng lặng, dọc hai bên đường dân ở đây chất đầy những đống củi cành, củi gỗ để bán cho khách qua đường. Thời bao cấp đến cái chất đốt cũng phải có bìa phiếu, nhà hết cái đun muốn mua phải dậy từ hai ba giờ sáng đi xếp hàng rồng rắn. Mỗi tháng được cung cấp vài ba chục cân về nhóm lò mùn cưa khói um thiên địa cả hàng xóm láng giềng. Còn củi ở đây không phải tem phiếu, giá lại rẻ hơn ở đô thị tha hồ chọn, hơn nữa có cái “đít vuông” không mất tiền chuyên chở. Thoáng ý nghĩ đó, tôi bảo cậu lái xe: “Hôm nào xuôi về ta làm xe củi chứ?”.


“Anh nói hợp ý em, tội gì về xe không. Bà cụ nhà em nấu được bữa ăn hai mắt đỏ ngầu vì thiếu chất đốt. Tiêu chuẩn bìa phiếu nhà em tháng nào đun cũng thiếu”, cậu lái xe nói.

Nguyễn hữu Sinh

(Nguyên Chuyên viên đối ngoại Bộ GTVT)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.