Xã hội

Chuyện chăm khỉ ở đảo Rều phục vụ thử nghiệm vaccine

Khỉ đảo Rều bao năm nay đã hiến thân cho khoa học và hiện đang được chọn để tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 trước khi tiêm cho người.

img

Bác sỹ, Đảo trưởng Vũ Công Long bên bia đá tưởng niệm những con khỉ đã hiến thân cho khoa học

Các y bác sỹ ở đảo Rều (còn gọi là đảo Khỉ, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) ví việc chăm sóc hàng nghìn con khỉ hơn cả chăm con bởi những chế độ đặc biệt, tỉ mỉ. Khỉ đảo Rều bao năm nay đã hiến thân cho khoa học và hiện đang được chọn để tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 trước khi tiêm cho người.

Bao bọc bảo vệ khỉ

Đảo Rều có diện tích 22ha, cách cảng Vũng Đục (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) khoảng 3km, nên chỉ đi xuồng khoảng 10 phút là tới.

Tuy nhiên, để bầy khỉ không bỏ đi cũng như để bảo vệ bầy khỉ khỏi những căn bệnh có thể lây nhiễm từ con người, các tàu thuyền của ngư dân phải đậu cách đảo Rều tối thiểu là 150m và chỉ những ai xin được giấy phép đặc biệt mới được đặt chân lên đảo.

5h sáng một ngày đầu tháng 3, nhân viên chăm sóc khỉ trên đảo đã dậy, chuẩn bị nấu thức ăn cho cả nghìn con khỉ. Thực đơn hôm đó có xôi gạo lứt nấu cùng đậu đen, đậu tương. Sau bữa chính, khỉ sẽ tráng miệng bằng chuối, táo, lê, dưa hấu...

“Khỉ ở đây được ăn uống 4 bữa/ngày, 2 bữa chính gồm cơm gạo lứt nấu với đỗ đen, đậu tương và lạc nhân, 2 bữa phụ gồm chuối, cam, mía, ổi. Hàng ngày, khỉ phải có ổi để chống tiêu chảy vì thường ngày chúng ăn các nõn cây, trong đó có nhiều loại cây thuốc, thậm chí có loại cây con người không biết để chống bệnh tật”, bác sĩ thú y Vũ Công Long, Trại trưởng Trại chăn nuôi trên đảo Rều cho hay.

Theo BS. Long, khỉ có cơ địa gần giống con người. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nếu ai đó dương tính với Covid-19 mà ra đảo, nếu không thực hiện đúng công tác phòng dịch thì rất nguy hiểm.

“Khi một con khỉ nào đó dương tính với Covid-19 là “toang” luôn cả đảo vì khỉ sống bán hoang dã, leo trèo, chạy nhảy khắp nơi, khó mà biết con nào mắc bệnh để đưa đi cách ly. Dẫu khôn ngoan nhưng chúng vẫn là giống vật, không bắt chúng... đeo khẩu trang hay phải ý thức phòng bệnh như người được”, BS. Long cho hay.

Vừa kết thúc việc đo thân nhiệt cho khỉ và ghi chép nhật ký, BS. Nguyễn Huy Phương, Phó trại trưởng Trại chăn nuôi cho hay, các y bác sỹ, nhân viên ở đây coi khỉ như con. Ngoài cho ăn uống, giữ vệ sinh, theo dõi từng ngày, giữ ấm vào mùa Đông, đo thân nhiệt vào mùa Hè mà còn để ý đến... tâm trạng của từng con khỉ.

“Các con khỉ sau khi tiêm (thử nghiệm các loại vaccine) được theo dõi chặt chẽ vết tiêm hàng ngày xem có gì bất thường như nổi u cục hay mề đay không, ho hay có đờm hoặc bị sốt, ủ rũ do phản ứng với thuốc hay không”, BS. Phương chia sẻ.

Bia đá tưởng niệm khỉ

img

Đàn khỉ vàng trên đảo Rều

Đảo Rều là nơi duy nhất trong cả nước đang nuôi dưỡng hàng trăm con khỉ vàng trong điều kiện bán hoang dã để phục vụ cho sản xuất vaccine bại liệt, để thử phản ứng các loại vaccine H5N1, H1N1 trước khi tiêm cho người và nhiều công trình nghiên cứu y học khác.

Khỉ vàng trên đảo Rều có cơ địa gần giống con người. Mỗi con khỉ chiết được gần một triệu liều vaccine giúp hàng nghìn trẻ em thoát khỏi nhiều căn bệnh hiểm nghèo.

Từ năm 1962, Việt Nam tự chế tạo thành công vaccine bại liệt Sabin bằng công nghệ nuôi cấy trên tế bào thận của khỉ vàng. Cũng từ đó, Bộ Y tế đã lựa chọn xây dựng đảo Rều trở thành Trại chăn nuôi khỉ để phục vụ cho sản xuất vaccine bại liệt và nghiên cứu các công trình y học khác.

Những lần trước chúng tôi ra đảo, cứ vào bữa cơm trưa, khỉ ăn rất đông nhưng lần này ít hơn. Một vài con khỉ đang trầm ngâm trước đống lửa. Mọi người nói, rất có thể chúng đang buồn vì tưởng nhớ đến đồng loại.

“Khỉ cũng có ý thức về cuộc sống và cái chết. Những con khỉ biết mình sắp chết, chúng cố bò về bể nước, uống ngụm nước cuối cùng rồi nằm chết ở đó. Nhiều con vì yếu quá, đàn khỉ khênh từ trong rừng về để con người mai táng. Vì trên đảo sẵn củi nên các nhân viên thường hỏa táng. Khi đống lửa cháy bùng, đàn khỉ kéo về, chúng ngồi xung quanh. Có nhiều con khỉ khi đồng loại chết, chúng bỏ bữa vì buồn”, BS. Phương trầm giọng kể.

img

Khỉ ở đảo Rều được ăn uống 4 bữa/ngày, 2 bữa chính gồm cơm gạo lứt nấu với đỗ đen, đậu tương và lạc nhân, 2 bữa phụ gồm chuối, cam, mía, ổi.

Chuyện kể rằng, gần 20 năm trước, các cán bộ trên đảo muốn chia đàn khỉ ra hai nơi nên họ đưa một số con khỉ ra đảo Rều Đá, nơi cũng có cây cối và thức ăn.

Các con khỉ cùng đàn bị tách ra ở đảo mới và đảo cũ, buổi tối chúng chạy ra mép nước gọi nhau thảm thiết. Nhiều con khỉ nhớ bạn tình nhảy xuống biển bơi về phía nhau, ôm nhau giữa dòng nước biển.

Vì sợ khỉ nhảy xuống nước bơi về đảo cũ chết đuối hoặc sa vào tay bọn bắt trộm, các cán bộ trên đảo buộc phải hủy kế hoạch “chia ly đàn khỉ”, đưa chúng về sống chung một đảo như cũ.

Đưa chúng tôi đến khu tưởng niệm khỉ như thầm cảm ơn những con vật đã hy sinh cho nghiên cứu khoa học để bảo vệ cuộc sống con người, BS. Long cho hay, hàng năm trên đảo có từ 100 - 300 con khỉ được chọn để chiết xuất vaccine.

Để tưởng nhớ những con khỉ đã hiến thân cho y học, BS. Long đã xin phép và xây dựng một khu tưởng niệm khỉ ở nơi trang trọng nhất trên đảo từ năm 2011, có cả bia đá. Bầy khỉ dường như cũng thầm hiểu ra ý nghĩa nơi đó nên chúng hầu như không phá phách, làm xấu nơi này.

Hiện có 12 con khỉ ở đảo Rều đang được chọn để tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19, chúng được đưa ra đảo Rều Đá, cách đảo Rều khoảng 1km đường biển.

BS. Long cho biết, đến nay đã gần 5 tháng sau khi tiêm thử nghiệm, tất cả 12 con khỉ đều khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường, thậm chí còn tăng cân. “Vaccine của Việt Nam sản xuất rất tốt, qua việc tiêm thử nghiệm trên khỉ”, ông Long nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.