Olympic 2021

Chuyện chưa biết về tay chèo 9X xinh đẹp giành vé dự Olympic

15/05/2021, 06:30

Từ cô gái miền sơn cước, rowing đã làm thay đổi cuộc sống của cô gái trẻ xinh đẹp Đinh Thị Hảo.

img

Đinh Thị Hảo (ngoài cùng bên trái) và đồng đội ở đội rowing. Ảnh: NVCC

Đinh Thị Hảo, tay chèo 23 tuổi vừa giành vé dự Olympic Tokyo cho thể thao Việt Nam kể, cô đến với đua thuyền chỉ vì tò mò nhưng càng gắn bó càng thấy yêu môn thể thao này và chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ.

Cô gái miền sơn cước và tấm vé Olympic

Những ngày đầu tháng 5, thể thao Việt Nam đón tin vui khi hai vận động viên Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo xuất sắc giành vé dự Olympic Tokyo tại vòng loại Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bộ đôi này về đích thứ 2 nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ với thời gian 7 phút 17 giây 34.

Nếu như Lường Thị Thảo đã nổi danh từ lâu với tấm HCV ASIAD 2018 (nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ cùng Tạ Thanh Huyền, Phạm Thị Thảo và Hồ Thị Lý) thì Đinh Thị Hảo phải sau tấm vé Olympic mới được người hâm mộ thuộc tên.

Cô sinh ra ở huyện miền núi Yên Sơn, Tuyên Quang trong một gia đình thuần nông. Tuổi thơ của Hảo giống như hầu hết các bạn cùng trang lứa, diễn ra khá êm đềm. Từ khoảng lớp 3, cô gái sinh năm 1997 đã bắt đầu phụ giúp bố mẹ việc nhà ngoài giờ tới trường. Lớn hơn chút nữa, cô tham gia công việc đồng áng. Ngoài ra, quê Hảo là vựa chè nên cô cũng thạo hái, sao chè.

Bước ngoặt trong cuộc đời cô tới vào năm học lớp 10. “Khi đó, các thày ở bộ môn đua thuyền về trường tuyển vận động viên. Thấy tôi chiều cao tốt, sải tay khá dài nên các thày muốn đưa tôi xuống Hà Nội vừa tập thể thao vừa học.

Ở tuổi mới lớn, nghe thấy vậy thì tôi háo hức lắm, muốn thử sức xem thế nào. Nhưng ngay khi vừa trình bày nguyện vọng với bố mẹ thì tôi đã nhận gáo nước lạnh. Bố mẹ nói ở nhà chuyên tâm lo học hành và phụ giúp gia đình”, Hảo nhớ lại.

Ấy vậy nhưng cái ý nghĩ muốn thử xem đua thuyền là như thế nào thôi thúc cô hàng ngày. Cô tiếp tục thuyết phục bố mẹ và cuối cùng sau nhiều ngày đã nhận được cái gật đầu. “Thực sự tôi chỉ nghĩ đi xem thử chứ trong đầu lúc đó chưa hình dung được mình sẽ tập cái gì”, Hảo kể.

Việc đầu tiên khi gia nhập đua thuyền là Hảo phải tập bơi trước khi được ngồi thuyền. “Ở nhà tôi chưa biết bơi, thậm chí còn sợ nước. Chẳng ai ngờ sau này tôi lại gắn bó với môn thể thao dưới nước. Biết bơi rồi tôi chuyển sang tập chèo thuyền. Nhìn thì đơn giản vậy thôi chứ những ngày đầu tôi bị lật thuyền suốt vì không giữ được thăng bằng”, cô gái vừa giành vé Olympic cười nói.

Rồi những bỡ ngỡ ban đầu cũng qua đi, nhờ đức tính chịu thương chịu khó, dưới sự dìu dắt của các HLV, cô không ngừng tiến bộ trở thành một trong những niềm hy vọng của môn rowing, bộ môn đua thuyền.

Năm 2016, chỉ sau bốn năm bén duyên rowing, cô đã giành HCV Giải vô địch châu Á. Một năm sau, cô đoạt tiếp chiếc HCV Đông Nam Á. Đáng kể nhất là tại ASIAD 2018, dù mới 19 tuổi, cô đã có tấm HCB quý giá.

HLV Lê Văn Quang, người trực tiếp huấn luyện Hảo những năm qua đánh giá, cô gái quê Tuyên Quang tuy không phải là mẫu vận động viên bùng nổ nhưng những bước tiến lại rất chắc chắn, ổn định. “Thông thường các vận động viên phong độ sẽ có lúc lên, lúc xuống nhưng Hảo lại cực ổn định nên ban huấn luyện rất yên tâm. Còn về ý thức thì em rất chuyên nghiệp, gần như chưa bao giờ bỏ dở giáo án”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng nhận định, với phong độ như hiện tại, gần như Hảo sẽ không có đối thủ tại SEA Games 31 diễn ra vào cuối năm nay.

“Trừ trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn, bằng không tấm HCV SEA Games nội dung thuyền đôi khó tuột khỏi tay Hảo. Thậm chí, em còn có thể chiến thắng ở nội dung khác. Tuy nhiên, tôi dự đoán tới năm 2022 mới là đỉnh cao trong sự nghiệp của Hảo, vừa hay là năm diễn ra ASIAD nên tôi rất kỳ vọng em sẽ có… vàng”.

Khổ mấy cũng chịu được

img

Vận động viên rowing Đinh Thị Hảo

Trở lại với Đinh Thị Hảo, cô cho hay, đến thời điểm này, cô chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì đã chọn đua thuyền. “Với phụ nữ, để theo được đua thuyền thực sự chị em chúng tôi phải hy sinh rất nhiều, nhất là nhan sắc.

Đặc thù môn này buộc tôi và đồng đội phải tập ngoài trời, mưa nắng cũng không ngoại lệ. Có những hôm trời nắng gắt, nhiệt độ trên dưới 37, 38 độ C, chúng vẫn phải phơi mình để tập luyện. Thế nên chị em chúng tôi có ai trắng đâu, toàn đen nhẻm”, cô gái sinh năm 1997 tếu táo.

Khi được hỏi có sử dụng các biện pháp chống nắng nào không, Hảo cười đáp: “Chẳng có loại kem dưỡng da hay loại thuốc nào chịu được khi cả ngày phơi mặt ngoài trời. Tối về thì mệt, ăn uống và vệ sinh cá nhân xong chỉ muốn lên giường đi ngủ để hôm sau còn có sức tập”.

Ngày nhỏ, tôi thường xuyên chứng kiến bố mẹ sao chè. Chè sao trong thùng với nhiệt độ rất cao mới ra sản phẩm để bán cho người tiêu dùng. Tôi nghĩ, vận động viên đua thuyền cũng như những lá chè, chịu được “nhiệt” mới mong đạt được thành công.
VĐV rowing Đinh Thị Hảo


Cũng bởi đặc thù, Hảo chia sẻ, cô và đồng đội ai cũng bị đau lưng, đau khớp gối. “Môn này vận động viên phải gập, ngả lưng liên tục trong suốt chặng đường dài, ngày này qua ngày khác.

Đầu gối cũng phải căng ra mới có lực để chèo mạnh. Sau mỗi buổi tập, tôi cảm thấy ê ẩm hết sống lưng nhưng hôm sau lại có thể xuống thuyền. Nhưng lúc trái gió trời thì sẽ thấm đau”, tay chèo quê Tuyên Quang cho hay.

Vất vả là vậy nhưng Hảo quả quyết, cô chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ từ bỏ. “Tôi nghĩ không thành công nào khởi nguồn từ sự lười biếng. Tôi rất thích câu thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Bởi vậy, có bữa tập nặng, trời nắng gắt, tôi chỉ muốn nhảy ra khỏi thuyền rồi bơi vào bờ nằm nghỉ nhưng vẫn cố hoàn thành bài tập”.

Bên cạnh ý chí bản thân, tình cảm chị em cũng là động lực giúp Hảo và đồng đội vượt qua khó khăn. “Chúng tôi mỗi người một nơi nhưng vào đội thì thân như chị em ruột thịt, có gì cũng chia sẻ cho nhau, giúp đỡ nhau. Gắn bó như thế nên khi cùng nhau chiến thắng chúng tôi luôn ôm nhau khóc nức nở”, Hảo tâm sự.

23 tuổi đời, gần 10 năm tuổi nghề, trải qua nhiều cực nhọc, Hảo nghiệm ra rằng, không có đua thuyền sẽ không có cô của ngày hôm nay. Nhờ đua thuyền, cô quen và kết hôn với anh Linh, người hiện cũng đang tập luyện ở đội tuyển đua thuyền quốc gia. Vì cùng là dân thể thao nên anh rất thấu hiểu và chia sẻ với người vợ trẻ, cả hai trở thành điểm tựa của nhau trong cuộc sống.

Cũng nhờ đua thuyền, Hảo giúp đỡ được bố mẹ sửa sang lại căn nhà ở quê khang trang hơn, mua sắm vài thứ đồ đạc.

“Trước khi lập gia đình, tiền lương và thưởng tôi gần như gửi về hết cho bố mẹ. Tôi ở đội, được ngành Thể thao nuôi nên chỉ giữ lại một chút để dùng vào việc thiết yếu. Nhưng có gia đình rồi thì hai vợ chồng phải tập trung tích lũy cho tương lai, để sau này có con thì còn lo được cho con. Vợ chồng tôi cũng muốn tiết kiệm để mua một căn hộ chung cư nhỏ làm nơi an cư. Cuộc đời thể thao ngắn lắm, không chuẩn bị trước sau này giải nghệ rồi sẽ rất khó khăn”, Hảo bộc bạch.

Bên cạnh nghiệp đua thuyền, cô gái quê Tuyên Quang rất thích kinh doanh nhưng chưa biết kinh doanh gì. Cô chia sẻ, có thể sau này khi đã chuyển sang huấn luyện cô sẽ nghiên cứu việc bán các sản phẩm bổ trợ cho vận động viên thể thao nói chung, đua thuyền nói riêng.

Cô cho biết thêm, vợ chồng cô chưa nghĩ tới việc sinh con mà chỉ chuyên tâm vào tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31 và AISAD 2022. Hiện tại, ngoài tập luyện, thi đấu, Hảo còn đang học Đại học chuyên ngành huấn luyện. Cô muốn trong lương lai có thể giúp đua thuyền Việt Nam tạo ra nhiều vận động viên tài năng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.