Đường sắt

Chuyện chưa kể hai lần nối ray đường sắt Bắc-Nam

24/06/2016, 10:35
image

Cách nhau đúng 40 năm, hai sự kiện nối ray, thông xe toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam đều là những kỷ lục.

30

Đoàn tàu Thống Nhất đầu tiên khởi hành trên sân ga Hà Nội vào TP Hồ Chí Minhsau lễ khánh thành ngày 31/12/1976

Từ đường ray xuyên Đông Dương

Ông Khuất Minh Trí, nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN, người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử đường sắt chia sẻ, ngày 2/9/1936, đường ray trục xuyên Đông Dương đã hòa làm một tại điểm nối ray nằm ở Km 1.221, cách ga Hảo Sơn 1km về phía Nam và cách Sài Gòn 509km về phía Bắc.

Một tấm bia đá khổ lớn đã được dựng ở đây để ghi nhận sự kiện đặc biệt quan trọng này. Có mặt tại lễ nối mối ray cuối cùng, vua Bảo Đại mặc quốc phục, cầm cờ-lê làm động tác siết bulông nối ray, chính thức công nhận trục đường sắt Đông Dương đã hoàn thành. Đúng một tháng sau, ngày 2/10/1936, chính quyền thực dân Pháp tổ chức lễ khánh thành “Đường xe lửa xuyên Đông Dương” tại Sài Gòn và tính đến thời điểm này, toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam đã có trên 2.600 km.

“Nhưng để có được tuyến đường sắt xuyên Bắc - Nam này, Pháp đã mất 55 năm kể từ khi khởi công tuyến đường sắt đầu tiên Sài Gòn - Mỹ Tho vào năm 1881, sau đó là toàn mạng lưới đường sắt”, ông Trí nói.

Trong 55 năm ấy biết bao xương máu của người dân Việt Nam - phu đường sắt đã đổ xuống cho từng mét ray hiện ra; Rất nhiều, rất nhiều người đã gục chết ngay trên công trường vì vất vả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giữa chốn rừng thiêng nước độc. Hàng trăm ngàn nông dân từ các làng quê Việt Nam, hết lớp này đến lớp khác phải đi phu phục vụ các công trường đường sắt, bị cai thầu bóc lột sức lao động, hành hạ...

Đến thông đường sắt Thống Nhất nối liền Bắc - Nam

Ông Trí cho biết, thực ra, sau khi đất nước thống nhất, việc khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam khu vực phía Nam đã được tiến hành từng bước. Công việc khôi phục đầu tiên tại Sài Gòn là sửa chữa cầu Bình Lợi, bị sập nhịp giữa dài 62m. Với 36 công nhân và một số cán bộ kỹ thuật, lao động liên tục trong 10 ngày đêm, cầu Bình Lợi đã thông xe.

Trong diễn văn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ tại lễ khánh thành thông xe tuyến đường sắt Thống Nhất có viết: “Đây là thành quả của gần 10 vạn lao động khẩn trương với khí thế cách mạng đã được thể hiện bằng việc làm. Sau 30 năm bị gián đoạn, đường sắt từ Bắc tới Nam đã lại hoạt động trở lại”.

Ngày 20/5/1975, chuyến tàu đầu tiên đã chuyển bánh từ Sài Gòn đến Biên Hòa. Ngày 20/7/1975, tàu chạy đến Long Khánh; Và ngày 5/11/1975, tàu chạy đến Mường Mán. Rồi đường sắt nhanh chóng tiếp tục được khôi phục từ Nha Trang đến Ninh Hòa, Tháp Chàm... Đồng thời từ Nha Trang, đường sắt cũng được khôi phục tới Diêu Trì, Quy Nhơn và Phù Mỹ, Bồng Sơn. Đến cuối năm 1975, đường sắt miền Nam đã khôi phục được 810 km và nhiều đầu máy, toa xe.

Tuy nhiên, phải đến tháng 11/1975 khi Hội đồng Chính phủ ra quyết định khẩn trương khôi phục đường sắt Bắc-Nam, công trình khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất mới thực sự sôi động từ Nam ra Bắc với sự vào cuộc của tất cả các ngành, của quân và dân dọc tuyến đường.

“Trong vòng 9 tháng mùa khô, 10 vạn người đã lên mặt đường, 2 triệu m3 đất đá được đào đắp, 1 triệu tấn sắt thép được vận chuyển, 1 triệu thanh tà vẹt được sản xuất”, ông Trí kể và cho biết, người dân các tỉnh nhiệt tình tham gia các công trường khôi phục đường sắt. Chỉ riêng các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, người dân đã thu góp được trên 10 vạn thanh tà vẹt, đặt được trên 100km và 40km đường ray cũ, gần 5 vạn m3 đá; đào đắp hàng chục vạn m3 đất và sản xuất hàng vạn m3 đá, đủ rải 100km đường.

Đến ngày 4/12/1976, đúng 10h55, các lực lượng lao động trên công trường xây dựng đường sắt Thống Nhất đã nối mối ray cuối cùng ở Km 446+ 885 đoạn Minh Cầm - Chu Lễ. Cùng ngày, chuyến tàu kiểm tra và chạy suốt đầu tiên đã xuất phát từ Thủ đô Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh; 12h30 ngày 13/12/1976, chuyến tàu hàng từ TP Hồ Chí Minh đã ra tới Thủ đô Hà Nội và chuyến tàu chở apatit phục vụ nông nghiệp đã xuất phát từ Hà Nội lên đường vào Nam.

Và ngày 31/12/1976, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã tiến hành lễ khánh thành thông xe bước 1 đường sắt Thống Nhất chào mừng thành công Đại hội lần thứ IV của Đảng. Sau hơn 30 năm gián đoạn, đường sắt xuyên Việt đã hoạt động trở lại, là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết và ý chí thống nhất của dân tộc: Bắc - Nam nối liền một dải, sum họp một nhà. 

Xem thêm clip tìm thấy thi thể nghi là quân nhân trên CASA-212

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.