Hàng không

Chuyện chưa kể những chuyến bay đưa người Việt hồi hương mùa Covid-19

10/02/2021, 06:44

Có rất nhiều chuyến bay đặc biệt được các hãng hàng không thực hiện trong mùa dịch và với các phi hành đoàn đây là những kỷ niệm khó quên...

img

Hành khách trên chuyến bay từ Guine Xích đạo trở về

Năm 2020 khép lại cùng những khó khăn chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, giữa những ngày tháng tứ bề khốn khó đó, vẫn có những ánh sáng ấm áp từ tình người tỏa ra lấp lánh, đặc biệt là trên những chuyến bay đưa người Việt về nước.

Chuyến bay dài nhất cuộc đời

Một trong những chuyến bay không thể quên với ngành hàng không Việt Nam nói chung, với Vietnam Airlines và bản thân anh Hoàng Trung Kiên, Phó đội trưởng Đội Điều hành và quản trị cơ sở dữ liệu (VIAGS) nói riêng trong năm 2020 là chuyến bay về tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc.

“Thông tin về dịch Covid-19 tại Vũ Hán lúc đó vô cùng khủng khiếp khiến chúng tôi buộc phải có những chuẩn bị chưa từng có tiền lệ. Toàn bộ phi hành đoàn mặc đồ bảo hộ y tế đặc chủng, toàn bộ ghế ngồi bọc nylon. 9 giờ bay đi bay về mà toàn bộ phi hành đoàn không ăn, không uống, không cả đi vệ sinh”, anh Kiên kể.

Khi tới Vũ Hán, tàu bay lăn vào sân đậu. Sân bay vắng, lạnh lẽo không một bóng người. Dưới mặt đất, phía Trung Quốc chỉ có vài người đón đoàn, còn lại là toàn bộ phi hành đoàn của Việt Nam.

“Tới sân bay Vũ Hán, nhìn những người Việt đứng lẻ loi dưới sân bay vắng lặng, có nhiều trẻ nhỏ, có cháu còn đang phải bế ngửa, thật sự không biết diễn tả cảm xúc của mình như thế nào”, anh Kiên chia sẻ.

Chuyến bay này sau đó được Đỗ Quang Duy, 1 trong 30 công dân Việt Nam may mắn được “giải cứu” miêu tả là “chuyến bay dài nhất cuộc đời”.

Những tưởng chuyến bay Vũ Hán đã đặc biệt nhất rồi, gần 5 tháng sau, anh Kiên lại tiếp tục hành trình trên một chuyến bay lịch sử khác của hàng không Việt - bay tới Guinea Xích đạo để đón 240 khách về nước (trong đó có 140 khách được thông báo dương tính với Covid-19).

Nam nhân viên có 20 năm gắn bó với Vietnam Airlines chia sẻ: “Quang cảnh sân bay Bata (Guinea Xích đạo) rất hiu quạnh. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, chúng tôi chỉ thấy toàn rừng là rừng. Rồi hiển hiện trước mắt là một sân bay nhỏ, vắng lặng với dăm ba chiếc máy bay nhỏ, đã cũ rỉ và hỏng hóc. Duy nhất chiếc A350 dường như là “còn sống”. Giữa khung cảnh đó, hình ảnh đồng bào mình dắt díu nhau lên máy bay, thương lắm”.

“Bạn sẽ không thể hiểu được cảm xúc của tôi lúc đó đâu. Ánh mắt của họ, sự rụt rè của họ, cách họ dìu nhau lên máy bay... tất cả khiến mình lúc đó có cảm giác muốn che chở, bảo vệ. Ngay lúc đó, tôi thực sự cảm thấy mình không có một chút lo sợ nào về việc nhiễm bệnh, chỉ muốn hoàn thành nhanh nhất công việc để cùng phi hành đoàn đưa đồng bào mình về”, anh Kiên tâm sự.

Tiếp viên Phạm Xuân Trường - người có mặt cùng anh Kiên trên chuyến bay lịch sử này sau đó cũng đã có những ghi chép đầy xúc động: “Máy bay Airbus A350 chở theo phi hành đoàn và đội ngũ y, bác sĩ cùng nhiều trang thiết bị y tế đáp xuống sân bay Bata - Guinea Xích đạo lúc 13h30 giờ địa phương. Những đồng hương của chúng ta được tập trung từ rất sớm tại 1 hangar, nơi họ chỉ đứng, khi mệt quá lại ngồi bệt xuống đất, không một ghế ngồi, không quạt mát, không nước uống. Thật thương lắm những đồng bào xa xứ nơi đất khách quê người”.

Anh Trường kể tiếp: “Trong hangar xa xa, hành khách đã mặc đồ bảo hộ, mắt luôn hướng về chiếc máy bay màu xanh, chờ đợi giờ phút được ra máy bay, thỉnh thoảng tiếp viên chúng tôi lại mang lá cờ Việt Nam ra cửa máy bay vẫy chào để họ yên tâm. Trời nhá nhem tối và cơn mưa cũng nặng hạt thêm, lúc này hành khách mới được thông báo ra máy bay, từng tốp 5 người giãn cách, vừa đi vừa chạy dưới cơn mưa…”.

Nhiệm vụ đặc biệt - “giải cứu các bà bầu”

img

Trên chuyến bay đưa 343 công dân Việt Nam từ Đài Loan về nước cuối tháng 5/2020 có tới 243 phụ nữ mang thai

Có rất nhiều chuyến bay đặc biệt được các hãng hàng không thực hiện trong mùa dịch và câu chuyện được nhiều nhân viên hàng không chia sẻ nhất là chuyến bay mà mọi người vẫn nói đùa là “giải cứu các bà bầu”.

“Ít người biết, trong 343 công dân Việt Nam từ Đài Loan về sân bay Đà Nẵng trong ngày cuối tháng 5 và được đưa vào cách ly tập trung tại Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có tới 243 phụ nữ mang thai. Có người thậm chí còn ở những tuần cuối cùng của thai kỳ, bình thường sẽ không một hãng hàng không nào cho phép vận chuyển”, một nữ nhân viên nói và cho biết, không có ai trong số họ là cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan mà toàn bộ là những lao động qua Đài Loan làm việc, cuộc sống khó khăn, họ đều có địa chỉ thường trú ở Việt Nam.

Một chuyến bay khác cũng có số bà bầu kỷ lục đến từ hãng hàng không Vietjet. Theo đó, trên chuyến bay chở 230 khách từ Đài Loan về có tới 135 hành khách là phụ nữ mang thai.

Kỹ sư bảo dưỡng tàu bay Phạm Trung Tín, người tham gia chuyến bay, cười nói: “Đây đúng là chuyến bay chào đón công dân tương lai”.

Nói về những chuyến bay đặc biệt như thế này, anh Hoàng Trung Kiên cho biết, trên chuyến bay đầu mùa dịch từ Vũ Hán trở về, anh và các “đồng đội” thậm chí còn đã tính tới cả phương án “đỡ đẻ” trên máy bay khi có một hành khách đang mang thai 36 tuần có nguy cơ sinh non.

“Việc đi lại bằng đường hàng không thường chỉ chấp nhận với thai phụ mang bầu dưới 32 tuần tuổi. Sự thay đổi áp suất trên máy bay sẽ gây nguy hiểm cho thai phụ hoặc khiến thai phụ sinh non. Vì vậy, các bác sĩ và tổ bay đã phải thảo luận rất kỹ trường hợp này, tính toán kỹ lưỡng từ việc sinh ở khu vực nào, chuẩn bị đồ đạc ra sao, thậm chí chuyến bay nếu bắt buộc phải chuyển hướng thì như thế nào...”, anh Kiên nói.

Cũng theo anh Kiên, ban đầu các bác sĩ đề nghị Vietnam Airlines lắp cáng trên máy bay, tuy nhiên sau khi trong đoàn thảo luận thì phương án lắp cáng không khả thi do bác sĩ sẽ không có chỗ đứng để tác nghiệp. Phương án cuối được thống nhất là dùng vị trí bếp phía cuối máy bay để trưng dụng làm bàn đẻ cho sản phụ. Rất may, tình huống đặc biệt này đã không xảy ra. Suốt hành trình bay từ Vũ Hán về nước, sản phụ rất may mắn được bác sĩ sản khoa chăm sóc riêng nên thai nhi ổn định, sức khỏe tốt, đảm bảo an toàn.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng cho những tình huống đặc biệt nhất trong mỗi chuyến bay, miễn là có thể đưa được đồng bào mình về nhà”, anh Kiên nói.

Thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, trong năm 2020, ngành Hàng không Việt Nam đã thực hiện gần 300 chuyến bay, đưa gần 80.000 công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước an toàn.
Ngoài ra, các hãng hàng không cũng thực hiện gần 50 chuyến bay hành khách trả phí trọn gói, với hơn 12.200 hành khách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.