Kinh tế

Chuyện chưa kể sản xuất bộ kit phát hiện Covid-19 "made in Việt Nam"

06/03/2020, 06:13

Bộ kit real-time RT-PCR one step của Việt Nam dù ra đời muộn hơn của Mỹ và WHO sản xuất nhưng có ưu điểm về giá thành và hiệu suất sử dụng.

img
Ông Phan Quốc Việt (trái) cùng cộng sự trong nhóm nghiên cứu đề tài Học viện Quân y giới thiệu bộ kit phát hiện Covid-19

“Tôi không thích câu “người Việt dùng hàng Việt”… Tại sao không phải là “người Việt dùng hàng tốt, giá tốt”, ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á chia sẻ với Báo Giao thông tại sự kiện ra mắt bộ sinh phẩm phát hiện Covid-19 ngày 5/3.

Giá chỉ bằng 1 nửa kit test của Mỹ

Khi được hỏi tại sao lại chọn Công ty Việt Á là đối tác phối hợp chứ không phải DN nào khác, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y chia sẻ: “Nghiên cứu thành công bộ kit chỉ là giai đoạn ban đầu, muốn sản xuất thương mại hóa thì cần phải tìm tới đối tác được Bộ Y tế cấp phép, đảm bảo tiêu chuẩn. Quả thật tại Việt Nam có rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tuy nhiên, Việt Á là công ty duy nhất tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8. Đây cũng là đối tác được Học viện Quân y lựa chọn và phối hợp hơn chục năm qua”.

Trưa 5/3, Bộ KH&CN họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) real-time RT-PCR one step phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Đây được coi là kết quả “1 tháng+1 đời nghiên cứu” của Học viện Quân y phối hợp với Công ty CP Công nghệ Việt Á. Bởi lẽ, từ khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu tới khi cấp phép sản xuất đại trà chỉ trong vòng một tháng. Tuy nhiên, đằng sau đó là nỗ lực ngày đêm, trí tuệ sáng tạo của hàng loạt các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Thế nhưng ít ai biết, người đứng đầu Việt Á cũng là thành viên “già nhất” trong công ty chính là Giám đốc Phan Quốc Việt, sinh năm 1980. Chia sẻ về thành công của bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2, vị giám đốc trẻ của Việt Á cười tươi. “Ngay từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên tại Trung Quốc, chúng tôi đã kết hợp với các nhà khoa học tại Học viên Quân y chủ động thu thập thông tin về virus này. Ngay khi Bộ KH&CN “phát lệnh”, các bên đã nhanh chóng ráp lại, nhanh chóng ra sản phẩm. Đây là thành quả của sự hợp tác giữa các bộ, ngành, nhà khoa học và DN trong bối cảnh phải chịu sức ép rất lớn từ cộng đồng trước sự lây lan của đại dịch. Tôi chỉ muốn nói rằng: Một cây làm chẳng nên non, 3 cây chụm lại trị èn cô vy (nCoV-PV)”, Giám đốc Việt Á bộc bạch.

Theo ông Việt, tới nay, trên thế giới có rất ít bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2 được thương mại hóa, song với năng lực của Việt Á, sau khi được Bộ Y tế cấp phép, có thể sản xuất khoảng 10 nghìn bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 bùng phát. “Không giống như sản phẩm thông dụng như khẩu trang y tế, nước rửa tay… với kinh nghiệm hơn 10 năm sản xuất bộ kit thử, chúng tôi hoàn toàn chủ động nguồn nguyên liệu, không lo bị đứt nguồn hàng”, ông Việt khẳng định.

Dù ra đời muộn hơn so với bộ kit của Mỹ và WHO sản xuất, tuy nhiên bộ kit real-time RT-PCR one step của Việt Nam lại có ưu điểm về giá thành và hiệu suất sử dụng. “Mỗi bộ kit được đóng gói chứa khoảng 50 test với giá từ 400 - 600 nghìn đồng/kit, chỉ bằng 1/2 so với chi phí theo quy trình kiểm nghiệm virus SARS-CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Trong khi đó, độ chính xác, độ nhạy là tương đương đạt 100%. Ngoài ra, khả năng bộ kit của Mỹ phải tốn tới 4 test/mẫu bệnh phẩm, còn sản phẩm của Việt Nam chỉ cần thao tác 1 lần 1 test/mẫu bệnh phẩm là cho kết quả trong khoảng thời gian 1 tiếng, không kể công đoạn xử lý mẫu. Do đó, có thể khẳng định, hiệu suất bộ kit của Việt Nam gấp 4 lần so với sản phẩm Mỹ, đáp ứng nhu cầu ngay cả khi mẫu bệnh phẩm tăng đột biến”, ông Việt phân tích.

Chất xám phải để phục vụ cộng đồng

img
Bộ kit real-time RT-PCR one step test nhanh virus corona chủng mới

Nhận định về năng lực của Việt Á, GS.TS. Lê Bách Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay: “Việt Á hiện đang chiếm tới 70% thị trường sản phẩm bộ kit thử nghiệm các tác nhân gây bệnh tại Việt Nam. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong nước xuất khẩu bộ kit thử ra nhiều nước trong khu vực”.

Lập nghiệp từ năm 2007, trong tay chàng kỹ sư chuyên ngành sinh học phân tử Phan Quốc Việt chỉ có khoảng 80 triệu đồng với sự góp sức của 4 thành viên khác. Trải qua bao thăng trầm, Việt Á hiện có hơn 300 lao động với chi nhánh tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Được biết, trước khi sản xuất thành công bộ kit thử nghiệm virus SARS-CoV-2, Việt Á là đơn vị được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 bộ kit thử trong đó có nhiều tác nhân gây bệnh thông dụng như: Lao, Viêm gan A, Viêm gan B, Tay - chân - miệng, HPV… Đáng nói, so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, sản phẩm của Việt Á đều có giá rẻ hơn từ 4 - 10 lần.

“Đối với sản phẩm y tế, chúng tôi thường nói về nguyên tắc “hoặc được tất cả hoặc không có gì”. Một chiếc điện thoại với chức năng nghe gọi có thể có giá từ vài trăm nghìn tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, sản phẩm y tế liên quan tới sức khỏe con người nếu không đạt chất lượng thì dù cho không cũng chẳng ai cần. Ngược lại, nếu đạt chất lượng thì giá đắt mấy cũng mua”, anh Việt chia sẻ và nói: “Người ta cứ nói Việt Nam rất khó cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ cao, tuy nhiên với sản phẩm kit thử tác nhân gây bệnh, tôi dám chắc chúng ta không hề thua kém, nói không ngoa, các công ty nước ngoài khó có thể chen chân vào thị trường này”.

Với phương châm “chất xám phải để phục vụ cộng đồng”, nên khi được hỏi về lợi nhuận từ sản phẩm y tế, Giám đốc Việt Á cho biết: “Chúng tôi tìm mọi cách tiết kiệm chi phí, giảm giá, trong khi chất lượng tương đương với thế giới nên biên độ lợi nhuận không cao”.

“Tôi không thích câu “người Việt dùng hàng Việt” bởi lâu nay một số DN Việt vẫn lợi dụng nó để nâng giá sản phẩm. Tại sao chúng ta không quan niệm người Việt dùng hàng tốt, giá tốt? Hàng sản xuất trong nước hoàn toàn có lợi thế so với hàng nhập khẩu, ít nhất về chi phí vận chuyển. Anh sản xuất trong nước trước hết phải phục vụ người dân trong nước, tại sao lại tăng giá tới mức cắt cổ? Chất xám cần để phục vụ cộng đồng”, vị giám đốc chia sẻ.

Quá trình “khai sinh” bộ kit phát hiện Covid-19 của Việt Nam

Ngày 30/1 (tức mùng 6 Tết), Bộ KH&CN tổ chức buổi họp khẩn với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu bàn về các hướng nghiên cứu về dịch tễ học, virus học, phác đồ điều trị đặc biệt là chế tạo bộ kit phát hiện Covid-19.

Đầu tháng 2, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký quyết định phê duyệt đặt 4 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia đột xuất góp phần phòng chống dịch bệnh, trong đó có đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus Corona chủng mới” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty CP Công nghệ Việt Á thực hiện.

Chiều 3/3, Hội đồng KH&CN cấp Quốc gia đã đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit real-time RT-PCR one step với tỷ lệ 8/8 (100%) thành viên đồng ý thông qua.

Ngày 4/3, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BTY về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm SARS-CoV-2 được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty CP Công nghệ Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.