Hậu trường sao

Chuyện chưa kể về cựu danh thủ đường sắt Vũ Quang Minh

02/09/2017, 13:05

Mới đây, tôi có dịp đến thăm cựu danh thủ Vũ Quang Minh, cha cựu danh thủ Vũ Minh Hiếu...

103

Lão tướng Vũ Quang Minh và con trai Vũ Minh Hiếu cùng các cháu

Ông lão “nghèo” ở ngõ nhà Dầu

Ông Minh vẫn tự nhận mình là lão nghèo trong ngõ nhà Dầu. Ngõ nhà Dầu, vâng tôi không sai chính tả đâu. Thời thuộc Pháp, hãng Shell có trụ sở ở đây, sau năm 1954, ngõ 1, Khâm Thiên có khu tập thể ngành Đường sắt, khu nhà cấp bốn. Không, dưới cả cấp bốn vì nó được lợp bằng giấy dầu. Thực ra, ông Vũ Quang Minh cũng không nghèo lắm, lương hưu của chuyên viên bậc 5 ngành Đường sắt 5,8 triệu đồng. Vợ ông, bà Hằng, kế toán Xí nghiệp Liên hiệp 1 Đường sắt, 4 triệu đồng nữa. Nhưng ông bà thương hai cháu nội mồ côi (Vũ Minh Hoàng HLV bóng đá bị TNGT mất năm 2012) nên lúc nào cũng thấy mình nghèo...

Năm ngoái, tôi đưa thủ môn huyền thoại Duy Bỉnh Koo’ng đến thăm ông. Chưa kịp bắt tay, ông Minh đã “mắng”: Này thằng Koo’ng, tao nghe nói trong các lần gặp gỡ cựu cầu thủ ba miền mày nói mày 90 tuổi. Mày hơn tao vài ba tuổi, tao 84, mày ngoài 85 một tí chứ mấy!

Một bà lão lưng còng chống gậy đi ngang, nghe thấy liền thủng thẳng: Này các ông, lên chức cụ cả rồi, ăn nói như trẻ trâu vậy, con cháu nó học theo đấy! Hai tay chơi thời Pháp đành nhoẻn miệng cười trừ.

Ông là cha của Vũ Minh Hiếu (cựu danh thủ Công an Hà Nội và Đội tuyển quốc gia). Hiếm có danh thủ bóng đá nào có truyền nhân giống cha đến thế. Vũ Minh Hiếu là bản sao hoàn hảo của ông. Từ vóc dáng, kỹ thuật, tố chất thủ lĩnh. Đặc biệt là tính cách thẳng như đường ray, ngang và ngay ngắn như thanh tà vẹt... dẫu đêm ngày dãi dầu gió sương.

102

Tác giả và ông Vũ Quang Minh (áo sáng)

Chuyến xuất ngoại đầu tiên

Ông Vũ Quang Minh sinh ngày 25/12/1933 tại Hà Nội nhưng không bao giờ quên gốc gác nhà quê. Ông nội ông là “ông trùm” xứ đạo Trung Lao, Trực Ninh, Nam Định, nơi có nhà thờ Trung Lao hơn trăm tuổi mới bị cháy cách đây không lâu. Ông vừa cùng anh trai gửi tiền về cho xứ đạo tu sửa nhà thờ. “Một chút ít thôi chú ạ, gọi là tấm lòng với quê cha đất tổ”, ông thủng thẳng nói.

Ông Minh tiếp tôi trong ngôi nhà ba tầng nhỏ nhắn nhưng khang trang, trên tường treo đầy những bức ảnh đen trắng. Tôi chú ý tới tấm ảnh khổ to, đóng khung trang trọng nhất, dưới ảnh có dòng chữ “Đội bóng Tổng cục Đường sắt 1960”.

Muốn rắc tro cốt trên đường ray

Đón lão tướng Tổng cục Đường sắt ở ngõ 1 Khâm Thiên, đi một đoạn bằng chiều dài sân bóng là ra tới chắn tàu Khâm Thiên. Hai anh em nhờ anh gác ghi chụp cho kiểu ảnh. Anh gác ghi nói: Bác Minh nhớ ga, nhớ tàu, nhớ đường ray à ?
Ông tâm sự với tôi, khi chết tôi không cần mồ mả gì cả. Hoả táng, thằng Hiếu sẽ rắc ít tro ở sân Hàng Đẫy, một ít ở đường ray ga Hàng Cỏ. Thế là xong. Ảnh thờ thì có quá nhiều. Rồi ông cười, tiếng cười của ông chìm vào tiếng xình xịch của đoàn tàu sắp rời ga. Cựu danh thủ đội bóng đường sắt đã có một cuộc đời gian truân nhưng hạnh phúc.

“Đây là đội bóng vô địch giải Liên đoàn Lao động miền Bắc. Chú có thấy ngăn nắp như một đoàn tàu không? Đầu tàu là Tổng cục trưởng Hà Đăng Ấn, đuôi tàu là ông Tạ Đình Đề, Trưởng ban TDTT ngành Đường sắt. Hàng đứng gồm: Nguyễn bác sỹ, Phục, Thư, Đạt, Liêm, Lợi gôn, Hạng “già” từ Thể công về làm Bí thư Ban TDTT, giúp việc cho Tạ Đình Đề; Cung thủ môn, Pẩu hoa kiều vẫn sống ở Hà Nội, Đào Đình Phú - Vụ trưởng Vụ Nhân sự tiền lương (thân sinh đồng chí Đào Đình Bình, Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT), tôi (Quang Minh), Thiệu - Trưởng phòng Kế toán Cục Vận chuyển. Hàng ngồi gồm: Vũ Trọng Bích (tức Bảy, từng lên tuyển nhiều lần), Thắng điếc (hiện ở Nga), Thắng bịch (ở Anh), Tín sọ dừa, Chính (vợ là Lan), Dũng, Quỳ bại, Mùi...”, ông Minh kể một lèo rồi bỗng thở dài: “Chết gần hết rồi chú ạ. Nhiều người còn trẻ hơn tôi. Hay là tại cái ngõ nhà Dầu này ngoắt ngoéo quá nên Thần chết bị lạc đường...”.

Đoạn ông Minh quay sang một tấm ảnh khác. “Đây là đội tuyển Việt Nam Dân Chủ cộng hoà lần đầu xuất ngoại, đi Campuchia năm 1958. Từ từ để tôi nhớ lại. Trung phong Tuất người Nam Định; thủ môn Duy Bỉnh Koo’ng cảng Hải Phòng; Lư Hùng Phán Thể Công, bố Lư Đình Tuấn, hiện là trợ lý HLV trưởng ĐTQG; Phòng Nam Định; Ông Minh kể rằng, chuyến đi Campuchia ấy, tuyển chúng ta hoà đội tuyển Campuchia và thắng Thanh Niên Campuchia 2-0. “Trương Tấn Nghĩa chơi hay lắm, nhưng cuộc đời nuông chiều nó quá. Dân tập kết, bố lại có tí chức sắc nên Nghĩa được ưu ái, thậm chí là nuông chiều nên sớm mắc bệnh ngôi sao. Trên sân thì không thể không mê nó. Chú chịu khó tìm gặp những người lớn tuổi đã từng xem Trương Tấn Nghĩa, nhiều điều thú vị lắm”.

Cũng ở chuyến đi Campuchia ông Bửu vừa huấn luyện vừa đá. Cả đội tập ở sân Quần Ngựa. Sau buổi tập là tắm tập thể. Có lần, ông Bửu la to: “Cái quầng, cái quầng đùi khô tui zừa để đây đâu rồi? Thằng Nghỉa, thằng Nghỉa đâu?” Cả đội được trận cười vỡ bụng.

Bà lão trên chuyến tàu Thống Nhất

Sự nghiệp lẫy lừng của ông Vũ Quang Minh bắt đầu từ khi ông còn là học sinh, đá cho đội Đông Tân cùng Tòng “cháy”. Như bao thanh niên trong vùng tạm chiếm, ông và Tòng cháy đi lính. Nhờ tài đá bóng, hai ông vào chơi cho Bảo chính đoàn (lính địa phương) nên không phải ra mặt trận.

Hoà bình lập lại, cả hai ông chơi cho Hoàng Diệu rồi cùng đá cho ngành Công an. Ông Tòng gắn bó với Công an Hà Nội cho đến hết đời. Còn Vũ Quang Minh được biệt phái xuống Hải Phòng. Vừa đá vừa huấn luyện cho Công an Hải Phòng ba năm. 1960, ông về Tổng cục Đường sắt và cùng đội bóng này đoạt chức vô địch giải Tổng công đoàn.

Vũ Quang Minh từ giã sân cỏ năm 1968. Ông về làm Đội trưởng Đội Chống thất thu toàn ngành, phụ trách 34 người tốt nghiệp đại học và trung cấp. Có một kỷ niệm khó quên trong thời kỳ ấy. Đêm mùa đông, trên chuyến tàu Thống Nhất, ông phát hiện một bà lão không có vé ngồi co ro ở đầu toa. Anh trưởng toa lúng túng: Báo cáo anh, bà ấy lên lúc nào em không biết, đến ga tới em sẽ cho bà ấy xuống.

Hỏi ra mới biết, thì ra bà lão đi đón con ở trại cải tạo về, hai mẹ con chỉ mua được một vé. Sau khi xem giấy tờ, ông Minh chỉ đạo: Đồng chí trưởng toa, bán vé cho bà cụ. Thưa anh, bán giá gấp ba ạ! Không, bán đúng giá dưới ga.

- Em sẽ bị kỷ luật.

- Không, tôi sẽ chịu trách nhiệm...

Sáng hôm sau đồng chí Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tư gọi Đội trưởng Vũ Quang Minh lên văn phòng 118, Lê Duẩn.

- Anh biết anh vi phạm gì không? Anh chẳng coi những quy định của ngành, cả chỉ thị của tôi ra gì? Vậy thì tôi còn nói được ai?

- Thưa thủ trưởng, tôi biết rồi, thủ trưởng cứ kỷ luật. Đêm đông, tôi không thể đuổi bà lão ngoài 80 xuống một ga xép. Tôi đi làm đây, thủ trưởng gửi kỷ luật xuống đội nhé!

- Từ từ đã, làm gì mà nóng thế. Đồng chí văn thư, đưa cái “phong bì kỷ luật” tôi đã chuẩn bị cho anh Minh.

“Ra khỏi văn phòng Tổng cục trưởng, tôi xé phong bì, trong ấy có mỗi tờ 5 nghìn đồng, cả đội chống thất thu của tôi được bữa liên hoan thoải mái. Tôi được làm việc với nhiều lãnh đạo ngành Đường sắt. Từ Hà Đăng Ấn, Nguyễn Văn Tư, Trần Mẫn, cả “soái ca” Tạ Đình Đề nữa. Họ là những con người thật tuyệt vời...”, ông Minh nhớ lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.