Xã hội

Chuyện chưa kể về hành trình tìm kiếm máy bay CASA-212

12/07/2016, 09:48

Đằng sau câu chuyện tìm kiếm hai chiếc máy bay CASA-212 số hiệu 8983 và Su-30MK2 là những ngày vô cùng khó khăn...

4

Tàu SAR 411 tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển

Đằng sau câu chuyện tìm kiếm hai chiếc máy bay CASA-212 số hiệu 8983 và Su-30MK2 là những ngày vô cùng khó khăn, vất vả của lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Công việc tìm kiếm trên biển những ngày biển lặng đã khó, những hôm biển động càng khó khăn hơn…

Nếu không có tàu Corvus?

Tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn hai chiếc máy bay rơi như ngồi trên đống lửa, sốt ruột cập nhật từng tin tức, điều động tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Phó tổng giám đốc Trung tâm Vũ Việt Hùng kể, ngay khi nhận được yêu cầu tìm kiếm cứu nạn từ Sở Chỉ huy tiền phương, tối 15 và sáng 16/6, trung tâm đã điều tàu SAR 412 ở Đà Nẵng, tàu SAR 273 lập tức lên đường. Riêng tàu SAR 411 ở Hải Phòng đang trong thời kỳ bảo dưỡng định kỳ, vẫn còn trên đà, trung tâm đã yêu cầu nhà máy khẩn trương hoàn thiện mọi công việc để tàu có thể xuất phát tìm kiếm cứu nạn ngay.

“Trung tâm đã yêu cầu nhà máy hoàn thiện mọi công việc nhanh nhất có thể, tất cả hạng mục bảo dưỡng cơ bản phải hoàn thành để có thể xuất phát nhanh nhất”, ông Hùng nói và cho biết: “Khoảng đầu giờ chiều ngày 16/6, chúng tôi vẫn chưa biết máy bay CASA-212 rơi khi anh Quang, Cục phó Cục Tác chiến nói về việc tìm kiếm trên biển. Khi đó, tôi chỉ mang máng hiểu có cái gì đấy rơi. Sau đó, họ mới nói với tôi là CASA-212 mất liên lạc”.

"Không chỉ trong tìm kiếm cứu nạn máy bay CASA-212, mà hiện nay trong tìm kiếm cứu nạn trên biển, chỉ có Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam có thể liên lạc được nhanh chóng, chính xác nhất tại bất cứ thời điểm nào với các trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải của nước ngoài. Phía Trung Quốc cũng phối hợp tìm kiếm trong phạm vi đường phân định trên biển giữa hai nước khi được chúng tôi yêu cầu. Chúng tôi luôn xác định được vị trí của từng tàu, thuyền đang hoạt động tại đâu để từ đó có những tham mưu điều phối chính xác nhất”.

Ông Vũ Việt Hùng
Phó tổng giám đốcTrung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam

Thông tin đó khiến ông Hùng bàng hoàng, phải một lúc lâu mới trấn tĩnh và phát thông báo yêu cầu tất cả các tàu, thuyền trong khu vực cùng tham gia tìm kiếm các vật thể liên quan. “Khi nhận được tin từ tàu Corvus quốc tịch Panama thông báo vừa nhìn thấy vật thể trông như cái dù nổi trên biển, ngay lập tức, thông qua hệ thống Đài Thông tin duyên hải, tôi yêu cầu thuyền trưởng tàu Corvus giữ nguyên vị trí. Đến khoảng 18h cùng ngày, tàu cứu nạn SAR và tàu tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng khác tiếp cận được hiện trường xác định vật thể. Tại vị trí này, lực lượng tìm kiếm cũng vớt nhiều vật thể khác như lốp máy bay và một vài mảnh vỡ ghi rõ: Cảnh sát biển Việt Nam. Như vậy có thể xác định được vị trí CASA-212 rơi cách đảo Bạch Long Vỹ gần 30 hải lý”, ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, vai trò của tàu Corvus rất quan trọng, gần như là yếu tố quyết định để sớm tìm ra được vị trí CASA-212 rơi. Nếu không có tàu này và không có quyết định dứt khoát yêu cầu tàu giữ vị trí, chắc việc tìm ra CASA-212 sẽ khó khăn hơn. Bởi lẽ, vị trí xác định mất liên lạc và vị trí máy bay lệch nhau đến gần 60km. Mà 1 km tìm kiếm trên biển sẽ rất khó khăn khi vật thể rơi xuống biển chỉ dài khoảng 16m.

“Khi tàu SAR 273 tiếp cận hiện trường, thuyền trưởng tàu Corvus còn cẩn thận ghi lại tọa độ và vị trí những vật thể tìm được và chuyển cho lực lượng tìm kiếm”, ông Hùng nói và cho biết, cũng chính các yếu tố này đã khiến việc tìm kiếm 8 thi thể tổ bay CASA-212 được nhanh chóng.

Vượt mọi khó khăn

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Thuyền trưởng tàu SAR 411, cũng là chỉ huy hiện trường chia sẻ, khi nhận được lệnh, dù tàu SAR 411 vẫn đang trong thời gian sửa chữa định kỳ nhưng anh em đã đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thành bảo dưỡng để có thể lên đường sớm nhất. Đêm 16/6 đã lên đường.

“Ngoài tìm kiếm trong vùng phân công, chúng tôi còn tìm kiếm theo đường phân định với Trung Quốc. Chiều 22/6, phía Trung Quốc thông báo tìm được một vật thể nghi của máy bay, chúng tôi lập tức tiếp cận tại đường phân định để xác định vật thể, nhưng không phải của CASA-212. Ngày 23/6, chúng tôi nhận được tin báo xác định được một thi thể, nên lập tức đến hiện trường cùng một tàu biên phòng. Sau này xác định, thi thể đó chính là phi công Nguyễn Văn Chính. Vị trí tìm thấy tại tọa độ 20.09,9 vĩ độ Bắc và 101.49,3 kinh độ Đông. Sau đó, lần lượt 7 thi thể khác đều được tìm thấy nhờ robot lặn dưới đáy biển sâu hơn 50m và lưới vớt được 3 thi thể ban đầu”, ông Dũng nói và khẳng định, thời tiết hôm đầu khá thuận lợi cho công tác tìm kiếm, nhưng những hôm sau sóng cấp 6, cấp 7 rất khó khăn. Bằng quyết tâm, các lực lượng vẫn tiếp tục tìm kiếm liên tục theo phân công, phải cho tàu chạy theo hướng chếch, gối sóng để đạt tốc độ và an toàn cao nhất.

Theo thiết kế, tàu SAR 411 dài 41m, khả năng có thể chịu được sóng cấp 8. Như vậy, với điều kiện thời tiết sóng biển khắc nghiệt như thế, tàu SAR 411 đã chịu đựng gần như tới mức giới hạn. Ông Nguyễn Tiến Thanh, Phó trưởng Phòng Phối hợp cứu nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam cho biết, khi điều kiện sóng to như thế, giữa hai đầu đỉnh sóng có thể đạt khoảng 25 – 35m, sóng càng lớn chân sóng càng dài. Trong khi tàu SAR 411 dài 41m, như vậy nếu đi đối sóng, đầu và đuôi tàu có thể sẽ nằm trên hai đỉnh sóng rất dễ dẫn đến gãy tàu. Vì thế tàu không được phép đi đối sóng, có thể đi hình sin, chếch sóng để đảm bảo an toàn. Tuyệt đối tàu không được đi xuôi vì có thể bị hở chân vịt, không còn lực đẩy sẽ khiến chân vịt bị gãy tan, thậm chí vỡ máy khi chân vịt rơi chạm lại nước.

“Công việc tìm kiếm trên biển những ngày biển lặng đã khó, những hôm biển động càng khó khăn hơn. Biển mênh mông, trong khi mọi vật thể trên biển đều nhỏ bé, nhưng các lực lượng vẫn quyết tâm tìm kiếm không ngừng nghỉ”, ông Thanh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, tìm kiếm trên biển thực hiện theo phương pháp hình vuông mở rộng, chạy song song, đường cắt chéo... để đảm bảo không bỏ sót mét vuông nào. Khi biển động, tất cả phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, nhưng không được phép bỏ sót bất cứ vật thể nào.

“Đến nay, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã tìm được 8 đồng chí, nhưng vẫn còn một đồng chí chưa tìm được. Đây là điều đáng tiếc và đau buồn nhất với chúng tôi. Giá như tìm được trọn vẹn...”, Thuyền trưởng tàu SAR 411 Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.