Showbiz

Chuyện chưa kể về nhà văn Chu Lai

18/01/2017, 18:02
image

Chu Lai thích rút vào những góc riêng để tránh xã hội nhiều tạp âm xô bồ.

nha_van_chu_lai

Nhà văn Chu Lai.

Từ văn sĩ hào sảng…

Mọi bài viết về Chu Lai thường bắt đầu bằng các đặc trưng cơ bản: “Tóc xoăn, lông mày rậm, mắt tròn to, gương mặt góc cạnh”. Đi đến đâu, ông cũng cười nói rộn ràng, đem theo bầu không khí ồn ào, huyên náo như vỡ trận. Tựu chung là phóng khoáng, hào sảng, có chút xê dịch chủ nghĩa.

Từ thời chiến đến thời bình, Chu Lai hầu như không chịu gò mình ngồi yên. Giai đoạn đầu nhập ngũ, ông từng bỏ làm ở đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị nhảy sang học Quân y, sau đó lại nộp đơn xin làm lính đặc công. Thời bình, ông cũng xê dịch từ ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, vốn an nhàn sang ban sáng tác.

Người ta kể gã biên tập trẻ vì không chịu được cảnh tối ngày cắm đầu vào đống bản thảo nên chơi “khổ nhục kế” để được chuyển đi. Cứ bài hay thì gã giữ lại, bài dở thì chuyển lên trên. Trưởng ban thời ấy, cố nhà văn Lê Lựu phát cáu: “Thằng này, biên tập linh tinh quá. Mệt quá! Cho nó sang Ban sáng tác”.

Sau này, có người nói vui: Nhờ có nhà văn Lê Lựu mà đất nước được một tiểu thuyết gia Chu Lai nổi tiếng, và Văn nghệ Quân đội mất một người biên tập kém. Đáp lại, Lê Lựu cười bảo: “Cái dạo ấy tao biết thừa. Nhưng thằng có tài thì phải cho nó đi viết chứ bắt nó ngồi biên tập phí đi”. Kỳ thực, tác giả Thời xa vắng đã nhìn ra được với cá tính sáng tạo của Chu Lai, chỉ đi và viết là phù hợp nhất.

Ngay cả trên những chuyến công tác, hiếm thấy Chu Lai giấu vẻ ùng oàng. Có một lần đi Trường Sa, gặp sóng to, lính đảo phải dìu nhau mới xuống xuồng được. Trong lúc mọi người rón rén, rụt rè thì nhà văn lúc này đã gần 60 nhảy ùm xuống biển bơi vào bờ. Không lạ, bởi ông từng là lính đặc công vùng ven Sài Gòn, từng đội lục bình bơi vượt sông Sài Gòn vào nội đô, vượt qua cả chó canh phòng, lính đi tuần.

... Đến ngòi bút cô đơn

Đằng sau vẻ “người của công chúng” ấy là một kẻ viết lách trong cô đơn. Nhà gần tòa soạn, Chu Lai không nhận phòng làm việc. Ông viết ở nhà, hoặc trên những cung đường du hành. Tư gia biến thành không gian sáng tác riêng, gọi theo phong cách nhà binh là một gian hầm cố thủ. Có việc, ông chỉ đáo qua cơ quan rồi đi, đến nhanh bao nhiêu rút cũng lẹ chừng đó. Hiếm khi thấy gã văn sĩ tóc xoăn, đeo kính ấy ngồi ở quán cà phê, giao du chơi bời. Tửu lượng của ông, nếu như ai chưa biết, cũng thuộc dạng một cốc đã say!

tiểu thuyết Mưa đỏ

Tiểu thuyết Mưa đỏ.

Chu Lai thích rút vào những góc riêng để tránh xã hội nhiều tạp âm xô bồ. Ông ngụy trang bằng vẻ ngoài khác người: Mặc quân phục sẫm màu, vai đeo túi mìn Clay-mo, chân đi giày Kosygin Nga, khuân vác lỉnh kỉnh những bản thảo, điện thoại, thẻ ATM trên chiếc xe hơi mua bằng tiền viết lách. Tất cả để hễ có cơ hội là phóng đi trong cô độc. Năm 2006, sau 41 năm sống ở quân đội, ông làm một cuộc hành quân lên Tây Nguyên ăn Tết một mình. Thời điểm trả lời phỏng vấn cho bài viết này, nhà văn cũng đang trên trại viết Đại Lải, dù cho đã giáp Tết.

Bản thân Chu Lai từng thừa nhận: “Cô đơn là bí quyết làm nghề của tất cả chủ thể sáng tạo, kể cả hội họa, sân khấu, điện ảnh, văn chương… Một mình anh âm thầm đánh vật tìm ra một lối đi, phần lớn những kẻ ham vui, láng cháng, viết qua loa đại khái, đi du lịch, du hí gặp bạn bè, vui đâu chầu đấy, có viết cũng sẽ chẳng ra cái gì. Còn tôi, có lẽ trong một giai đoạn viết tương đối nhiều, do đó đã quen dần với sự cô đơn, và khi đã quen với sự cô đơn thì biến thành nghiện cô đơn…”.

Đa chiều trong cách viết

Hành trình văn chương của Chu Lai xuất phát từ cội rễ nghệ thuật trong máu. Bố ông là nhà văn, nhà viết kịch Học Phi nhẵn mặt công chúng với các vở cách mạng như: Một đảng viên, Chị Hòa, Cô hàng rau, Ni cô Đàm Vân... Anh trai Hồng Phi cũng viết kịch, khách đến chơi nhà thuở bé đều là cây đa đề trong làng sân khấu: Thế Lữ, Đào Mộng Long, Song Kim... Rồi ông lấy nhà văn Vũ Thị Hồng, mối lương duyên kéo dài đến tận bây giờ. Hơi thở nghệ thuật cứ thế tràn ngập đời sống của ông.

Nghiệp văn của ông theo đó nhận khá nhiều lực đẩy từ gia đình. Có một bí mật lưu truyền trong làng văn, rằng cụ Học Phi thường bảo: “Văn chương là phải thanh lịch, thằng ấy (Chu Lai) máu nóng thì văn chương nỗi gì”. Nhưng cứ hễ con ra cuốn tiểu thuyết nào là ông cụ đều cho người mua bằng được để đi tặng bạn bè. Còn nữ văn sĩ Vũ Thị Hồng thường đóng vai trò là độc giả đầu tiên, vừa là người biên tập, in các tác phẩm của chồng.

10 năm làm lính đặc công góp phần tạo nên một nhà văn viết về chiến tranh tầm cỡ Việt Nam. Tiểu thuyết Nắng đồng bằng (1978) đầu tay vốn tràn ngập cảm xúc tươi mới trong trẻo, cứ ngỡ sẽ trật nhịp không khí chiến tranh. Nhưng không ngờ nó thành công vang dội, đưa Chu Lai bước lên đứng cùng Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy và Năm 1975, họ sống như thế của Nguyễn Trí Huân. Sau này về công tác ở số 4 Lý Nam Đế, ông sở hữu sức viết cường tráng không thua một ai, “đẻ sòn sòn” 12 cuốn tiểu thuyết, gần hai chục đầu truyện ngắn, đặt chân sang cả sân khấu và thậm chí điện ảnh cho đến lúc nghỉ hưu.

Từ Nắng đồng bằng (1978) đến Mưa đỏ (2016), nhà văn cắt nghĩa về khả năng thâm canh trên một đề tài lâu năm mà vẫn không bị xói mòn cảm xúc: “Chiến tranh bao giờ cũng mang một mẫu số chung là đau thương và hào sảng. Hình tượng người lính tương tự, bao giờ cũng là đau thương, quyết liệt và lãng mạn”. Với ông, luôn có một hệ quy chiếu chung để người viết thẩm thấu tận cùng những sự kiện, con người trong đó, để làm trỗi dậy ý tưởng cho ngòi bút.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.