Đường sắt

Chuyện chưa kể về những chuyến tàu “giải cứu” giữa tâm dịch Covid-19

27/10/2021, 18:43

Những chuyến tàu lập riêng để “giải cứu” người dân về quê được tổ chức rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng dịch...

Ku Rớt ra đời trên chuyến tàu “giải cứu”

Đầu tháng 10/2021, khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng các biện pháp phòng dịch hơn so với trước, hàng ngàn người dân ở các tỉnh phía Bắc đang làm việc, sinh sống tại đây ùn ùn kéo nhau về quê bằng xe máy, dẫn đến nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19 và mất an toàn giao thông.

May mắn, chị Nguyễn Thị Nhâm khi đó đang ở những ngày cuối của thai kỳ được chọn đi chuyến tàu “giải cứu” SE16 do tỉnh Quảng Bình phối hợp với ngành Đường sắt tổ chức đón người dân về quê. May mắn hơn, trên chuyến tàu này, tối ngày 8/10 chị chuyển dạ, sinh một bé trai kháu khỉnh, “mẹ tròn con vuông” với sự hỗ trợ, chăm sóc của nhân viên trên tàu và bác sĩ trong đoàn công tác Quảng Bình đi đón người dân.

img

Em bé Ku Rớt được mẹ sinh an toàn trên đoàn tàu "giải cứu" về Quảng Bình

Sau đó, chị được đưa xuống ga Diêu Trì (Bình Định) để đưa đi bệnh viện chăm sóc y tế tốt hơn. Hôm sau, khi sức khỏe hai mẹ con đảm bảo, chị lại được đón lên chuyến tàu “giải cứu” tiếp theo của Quảng Bình về quê an toàn.

“Nhiều người quan tâm, hỏi thăm, chúc mừng và đặt vui tên con là Ku Rớt. Em sẽ giữ tên này cho con để thay lời cảm ơn của em và gia đình đến tất cả các cô, dì, chú, bác, lãnh đạo Quảng Bình, ngành Đường sắt”, anh Trương Quốc Tiến, chồng chị Nhâm chia sẻ và gửi lời cảm ơn trên facebook.

Chị Nguyễn Thị Nhâm chỉ là một trong 135 mẹ bầu trên chuyến tàu SE16 hôm đó. Đây là đoàn tàu đầu tiên trong 4 đoàn tàu mà tỉnh Quảng Bình phối hợp với ngành Đường sắt lập riêng xuất phát tại ga Sài Gòn trong hai ngày 8 và 9/10 để đón hơn 2.400 người dân đang “mắc kẹt” vì dịch tại TP.HCM, các tỉnh phía Nam. Trong đó, những chuyến tàu này ưu tiên phụ nữ đang mang thai; phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; học sinh đang học tập tại các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đi thăm thân; người già...

Không chỉ Quảng Bình, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc các tỉnh tổ chức, tạo điều kiện đón người dân về quê an toàn, đảm bảo phòng dịch, liên tiếp sau đó các tỉnh khác như: Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình, Quảng Trị, Tuyên Quang cũng tổ chức thêm nhiều đoàn tàu “giải cứu” đón dân.

Thông tin với Báo Giao thông, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết đã hỗ trợ và tư vấn cho các tỉnh trong việc tổ chức các chuyến tàu lập riêng này đảm bảo an toàn phòng dịch tốt nhất. Từ điều kiện hành khách như: quy định phải có giấy chứng nhận test âm tính còn hiệu lực; bố trí chỗ ngồi, toa xe dành riêng cho người dân theo địa phương... đến công tác đón, tiễn hành khách tại các ga và đưa đi cách ly theo quy định.

“Mỗi tỉnh sẽ áp dụng cách kiểm soát hành khách và tránh tập trung đông tại ga khác nhau. Như tỉnh Tuyên Quang, đón người dân về bao nhiêu huyện thì sẽ có bấy nhiêu bàn đón tiếp. Mỗi bàn đón tiếp người dân một huyện để kiểm tra theo danh sách đăng ký đi tàu từ trước, giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm đúng đối tượng, đủ điều kiện mới được phát vé đi tàu.

Trường hợp mất giấy xét nghiệm sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh ngay tại ga cho hành khách, kết quả âm tính sẽ được lên tàu. Hành khách lên tàu từ ga Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa cũng được bố trí chỗ theo từng cụm toa xe, tránh lây nhiễm giữa người dân đến từ các vùng nguy cơ”, ông Văn cho hay.

img

Tàu "giải cứu" đón người dân tại ga Sài Gòn

Quy trình phòng dịch chặt chẽ, khử khuẩn từ đồ vải đến rác

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Trần Văn Trí, Trưởng tàu SE16 (Đoàn tiếp viên đường sắt phương Nam) cho biết, nhân viên đi tàu đều đã được tiêm 2 liều vaccine, mặc quần áo bảo hộ y tế trên suốt hành trình.

“Tuy vậy, nguy cơ vẫn cao vì tuy hành khách đã xét nghiệm Covid trong vòng 72 giờ trước khi đi tàu, nhưng có thể họ đã nhiễm mà chưa phát hiện ra. Tuy nhiên, tổ tàu chúng tôi vẫn xung phong đăng ký đi. Phần vì nhớ tàu sau 4 tháng nghỉ tạm hoãn hợp đồng do không có tàu. Phần nữa là chúng tôi muốn làm một điều gì đó, góp phần đưa bà con về quê cũng như đóng góp vào công tác phòng chống dịch”, Trưởng tàu Trí nói.

Ông Trí cũng cho biết, các quy định phòng dịch trên các chuyến tàu chuyên biệt này rất chặt chẽ. Phòng vệ sinh, buồng rửa mặt cứ 30 phút phải làm vệ sinh, khử khuẩn một lần. Dọc hành lang và các cửa phòng khách, các vị trí dễ lây lan dịch cũng liên tục được khử khuẩn. Nhân viên quản lý hành khách trong toa, thường xuyên nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang, không đi lại giữa toa này sang toa khác.

Việc phục vụ các bữa cơm cũng phải có quy trình riêng. Thực hiện cuốn chiếu, lần lượt từng toa, từ toa 12 trở xuống. Tất cả nhân viên phục vụ cơm phải mặc quần áo bảo hộ, thực hiện 5K. Nhân viên toa xe và hành khách được phục vụ cơm tại chỗ, hạn chế đi lại và không được đến toa xe hàng cơm.

Rác thải, đồ vải hành khách đã dùng như: chăn, ga, gối cũng phải được khử khuẩn trước khi đem đi xử lý. Nhất là rác thải sinh hoạt, ăn uống của hành khách đều phải bỏ vào bao nilon, niêm phong, phun khử khuẩn rồi mới đưa xuống ga.

Sau khi tiễn khách xuống tàu, nhân viên trên tàu phải thu dọn vệ sinh toa tàu để y tế địa phương phun khử khuẩn toàn bộ đoàn tàu. Nhân viên trên tàu cũng không được ra khỏi khu vực đoàn tàu, không được tiếp xúc với nhân viên ở ga, phải thay đồ bảo hộ, tắm rửa luôn trên tàu.

img

Trưởng tàu Bùi Danh Hưng giám sát tiếp viên toa xe thực hiện khử khuẩn túi rác trước khi đưa xuống ga xử lý

Khi tàu về đến ga Sài Gòn, nhân viên trên tàu sẽ được xét nghiệm nhanh kiểm tra và lưu trú tại khu vực dành riêng trong 3 ngày. Sau đó, lại test lần nữa, kết quả âm tính mới được về nhà.

Trưởng tàu Bùi Danh Hưng, phụ trách tổ tàu phục vụ đoàn tàu SE24 “giải cứu” của tỉnh Tuyên Quang xuất phát ga Sài Gòn ngày 14/10 cho biết, chuyến đi rất đặc biệt, là chuyến tàu có hành trình xa nhất, nối tuyến TP.HCM - Hà Nội và Hà Nội - Phú Thọ. Đây cũng là chuyến tàu duy nhất kéo thêm toa xe hành lý để vận chuyển xe máy, hành lý cồng kềnh như tủ... của người dân hồi hương.

“Đặc biệt nhất là trên đoàn tàu, nhân viên y tế của tỉnh Tuyên Quang thực hiện test nhanh ngay trên tàu và phát hiện một trường hợp dương tính. May là hành khách toa nào ở yên toa đó, hạn chế đi lại trên tàu. Hơn nữa, toa đó chỉ có 14 hành khách nên chúng tôi bố trí cách ly hành khách dương tính ở khu vực riêng. Khi tàu quay trở lại ga Sài Gòn, chúng tôi nhận được tin tỉnh phát hiện thêm 11 trường hợp hành khách trên tàu bị dương tính”, Trưởng tàu Hưng nói.

Vui mừng thông tin với Báo Giao thông, Trưởng tàu Hưng cho hay, rất may đến nay sức khỏe toàn bộ nhân viên tổ tàu vẫn ổn định và sẵn sàng nhận nhiệm vụ trên những chuyến tàu tiếp theo.

Thời gian qua, ngành Đường sắt phối hợp với các địa phương tổ chức 15 đoàn tàu chuyên biệt lập riêng để đón hơn 8.200 người dân các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.