Quản lý

Chuyện chưa kể về thi tuyển lãnh đạo tại Bộ GTVT

01/05/2015, 07:07

Công bố điểm ngay sau khi thi, công nhận người trúng tuyển không thông qua Ban Cán sự... là chuyện ít người ngờ tới.

241
Các ứng viên tham gia thi tuyển chức danh Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ GTVT (tháng 3/2015) - Ảnh: Thanh Bình

Công bố điểm ngay sau khi thi, công nhận người trúng tuyển không chờ thông qua Ban Cán sự là chuyện mà ngay cả các thành viên Ban giám khảo cũng không ngờ tới khi quyết định nhận lời làm người “cầm cân nảy mực”, những cuộc thi tuyển ứng viên cấp trưởng tại Bộ GTVT thời gian qua.

Tập diễn thuyết trước gương

Thi tuyển chức danh cấp trưởng từ lâu đã trở thành “đặc sản” của Bộ GTVT; giờ đã không còn là điều quá ngạc nhiên hay nói cách khác đã trở thành “việc bình thường” tại Bộ GTVT. Tuy nhiên, với các ứng viên, cảm giác hồi hộp trước mỗi cuộc thi là điều khó tránh khỏi, dù là ứng viên trong các cuộc thi đầu tiên (tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, Vụ trưởng Vận tải) hay những ứng viên trong cuộc thi gần đây (Tổng giám đốc Quản lý bay VN, Giám đốc Trung tâm CNTT…).

“Khi đi thi ai cũng có những hồi hộp đan xen lo lắng. Để có thể tự tin cũng như truyền đạt được ý tưởng của mình, tôi đã đứng trước gương tập diễn thuyết; lúc đầu là một mình, sau đó trước anh em đồng nghiệp, bạn bè và các nhà nghiên cứu”, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện chia sẻ với Báo Giao thông ngay khi trúng tuyển chức danh quan trọng này trong cuộc thi tuyển chức danh cấp trưởng đầu tiên của Bộ GTVT.

"Tôi đặc biệt đánh giá cao các cuộc thi tuyển cán bộ của Bộ GTVT. Các cuộc thi được chuẩn bị công phu từ khâu thông báo, tổ chức đến công tác giám khảo của cuộc thi. Ngay từ khâu chủ trương, Bộ GTVT đã công khai để mọi người tham gia ứng tuyển vào danh sách thi tuyển, không loại trừ ứng viên là “lính mới” hay “lão làng”. Tôi cho rằng, với cơ chế thi tuyển này anh không làm được thì thôi, sau khỏi thắc mắc. Anh làm được thì đệ đơn ứng cử đi, không phân biệt ai cả, không con ông cháu cha, không có thân quen, không có móc ngoặc, không có chạy chức chạy quyền”.

Ông Nguyễn Đình Hương
nguyên Phó trưởng Ban
Tổ chức Trung ương

“Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi viết, tôi đã viết thử trong khoảng thời gian cho phép để xem viết được bao nhiêu trang mà có thể diễn đạt hết các ý tưởng cũng như chương trình hành động của mình”, ông Huyện nói và chia sẻ, khi quyết định thi, tôi đã dốc toàn tâm toàn lực, ban ngày vẫn điều hành trong lĩnh vực thanh tra, ban đêm tôi tập trung nghiên cứu, viết bài để hoàn thiện đề án của mình.

Cùng tâm trạng như ông Huyện, tân Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam Phạm Việt Dũng cũng thú thật, “cảm thấy hơi lo lắng” trước một Ban giám khảo toàn “Anh hùng, Tướng quân đội” mà Bộ trưởng Đinh La Thăng từng nhận định là “một Ban giám khảo cực kỳ chất lượng”.

Xin được nhắc lại rằng, Ban Giám khảo cuộc thi tuyển Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN có tới hai Anh hùng Lực lượng vũ trang (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, nguyên Cục trưởng Cục Hàng không VN Nguyễn Tiến Sâm; Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân VN) và Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới là nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Quản lý bay Việt Nam Trần Xuân Mùi. Đây đều là những người hiểu rất sâu sắc về ngành Hàng không nói chung và về quản lý bay nói riêng.

“Giám khảo cuộc thi đều là những người am tường về ngành Hàng không và rất có kinh nghiệm. Những câu hỏi giám khảo đưa ra thực sự khó và ở tầm bao quát, xoáy vào những vấn đề thực tiễn, bức thiết của ngành”, ông Dũng nói.

Trên thực tế, tại các cuộc thi tuyển chức danh cấp trưởng tại Bộ GTVT, Ban giám khảo đều tập trung “truy vấn” những vấn đề nóng nhất của ngành. Ở cuộc thi Vụ trưởng Vận tải là chuyện xe dù, luồng tuyến. Với Quản lý bay là chuyện chất lượng kiểm soát viên không lưu, “ngồi một chỗ mà kiểm soát được hết vùng trời”. Vụ Quản lý doanh nghiệp là câu chuyện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, Vụ An toàn giao thông không gì khác là việc cách nào kéo giảm TNGT bền vững…

Việc đưa thực tiễn nóng bỏng thành đề tài hỏi thi tuyển chọn người tài, cũng chính là cách Ban giám khảo “giải bài toán” mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra trước đó: “Phải tuyển người làm được việc, tuyển người thực tài chứ không phải là tuyển người có bằng cấp”, xóa bỏ những định kiến về vấn đề tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm công chức, cán bộ như bấy lâu nay vốn chỉ căn cứ theo hồ sơ, bằng cấp đã dẫn đến chuyện chọn nhầm, bỏ sót.

Giám khảo ngỡ ngàng vì kết quả thông báo ngay sau khi thi

Trò chuyện với Báo Giao thông, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, thành viên Ban giám khảo cuộc thi tuyển Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN nhắc lại câu chuyện về việc Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Tiến Sâm, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, thành viên Ban giám khảo cảm thấy phân vân khi được mời vào Ban Giám khảo vì nghĩ “Ban Cán sự sẽ quyết định hết, tổ chức thi chỉ là hình thức”.

“Sau này, khi tham gia vào Ban giám khảo và kết quả thi được công bố ngay sau khi chấm, anh Sâm hết sức ngỡ ngàng. Tôi cũng như anh Sâm, tưởng rằng khi có kết quả chấm thi, Ban Cán sự Đảng sẽ có quyết định công nhận ai trúng tuyển nhưng trong thực tế, ngay khi có điểm đã công bố luôn người cao điểm nhất trúng tuyển. Chính Ban giám khảo quyết định ai trúng chứ không phải Ban Cán sự. Chính vì thế các thí sinh hoàn toàn tin tưởng vào kết quả kỳ thi, người được chọn là xứng đáng. Những người không trúng cử cũng tâm phục, khẩu phục”, Trung tướng nói.

Tiếp nối thành công của kỳ thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN hồi cuối tháng tư năm ngoái, đến nay Bộ GTVT đã tổ chức các cuộc thi tuyển chức danh Vụ trưởng Vận tải, Vụ trưởng ATGT, Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp, Cục trưởng Đường thủy, Tổng giám đốc Quản lý bay VN, Giám đốc Trung tâm CNTT. Sắp tới đây, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển chức danh: Cục trưởng Đường sắt, Cục trưởng Hàng hải, Giám đốc Học viện Hàng không… Cùng đó, chủ trương thi tuyển cả cấp phó cũng đã được Bộ GTVT thông qua và sẽ được triển khai tới đây.

T.M - Đ.Q

Trung tướng Soát cũng tiết lộ hậu trường chấm thi là điểm chấm cho từng người được liệt kê ra. Từng giám khảo sẽ xem lại biên bản chấm thi xem điểm thi đã được ghi đúng chưa và phải ký xác nhận vào biên bản. Sau đó Tổ thư ký sẽ cộng lại, tổng hợp và phát cho mỗi giám khảo một bản, đọc từ trên xuống dưới dò từng chữ.

“Kết quả được thông báo luôn. Không thể nào sai được”, Trung tướng Soát nói và cho biết, những người được mời vào Ban giám khảo đều có kiến thức, tri thức, có trách nhiệm. Vì vậy, việc đánh giá các học viên rất chính xác, công bằng, ai giỏi ai không giỏi đều chấm, cho ý kiến rất xác đáng. Cách chấm ấy là chấm riêng biệt, độc lập từng người, không bàn bạc. Mỗi người cũng có lòng tự trọng riêng, không phải hỏi người này người kia.

Được lãnh đạo Bộ GTVT mời làm thành viên Ban Giám khảo kỳ thi tuyển Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cảm nhận sâu sắc về cách thức thi tuyển các chức danh lãnh đạo của Bộ GTVT. Ngay sau cuộc thi, ông Muôn nói: “Khi thực hiện các phần thi, các thí sinh đều rất chuyên tâm. Lãnh đạo Bộ không có bất cứ sự can thiệp, gợi ý nâng đỡ người này hay người kia. Tôi rất ấn tượng với câu nói trong phần khai mạc kỳ thi của Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Trao hoa cho 6 người dự thi nhưng chỉ trao một quyết định cho người trúng tuyển”.

“Câu nói này hàm ý nhiều ý nghĩa về một sự công bằng để các thí sinh yên tâm, tự tin với phần thi của mình”, ông Muôn chia sẻ và cho biết, thực tế, trong tuyển dụng, chỉ có công khai, minh bạch mới lựa chọn được những người thực sự có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực lãnh đạo để bổ nhiệm. Muốn thế, phải tổ chức thi tuyển. Chỉ qua thi tuyển mới có thể tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.