Vận tải

Chuyện chưa kể về thuyền trưởng tàu cứu nạn lớn nhất Việt Nam

12/10/2020, 10:20

Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng được mệnh danh là "sói biển", chỉ huy đội tìm kiếm cứu nạn 16 năm qua để giành giật mạng sống cho ngư dân.

img
Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng (đeo kính) trở thành vị chỉ huy được nhiều đồng nghiệp nể phục, ngư dân yêu quý bởi sự dũng cảm và kinh nghiệm dày dặn

Gần 16 năm qua, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn bền bỉ đứng trên boong tàu, chỉ huy lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuộc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải VN giành giật mạng sống của ngư dân trước những cơn sóng dữ.

Người hùng trên biển

Ngày 7/10, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng nhận nhiệm vụ đưa tàu SAR 411 tìm một thuyền viên mất tích của tàu container Vietsun Fotuner hành trình từ Cửa Lò, Nghệ An đi Sài Gòn.

“Người chưa tìm thấy, quãng tìm kiếm lại khá dài (khoảng 80 hải lý) thì biển động do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sóng cấp 7, 8 buộc tàu cứu nạn phải rút lui”, anh Dũng kể và tâm sự: Không gì “đau” bằng việc người đang mất tích mà tàu cứu nạn lại phải nằm bờ chờ thời tiết bớt xấu. Bởi hơn ai hết, anh hiểu những lúc như vậy, từng phút, từng giây đều quý chứ không phải là cả ngày, thậm chí vài ngày chờ biển lặng.

Mới đây thôi, hồi tháng 6, trung tâm nhận thông tin, tàu Annie Gas 09 trên đường hành trình từ Vũng Tàu đi Hải Phòng đã va chạm với tàu cá TH 90282 TS tại vị trí cách phao số 0 Hải Phòng 43 hải lý về phía Nam Đông Nam.

Trong suốt 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước ngành GTVT đã đạt được những kết quả tích cực, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành. Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT lần thứ X (2020- 2025) sắp được tổ chức, từ số này, Báo Giao thông mở chuyên mục “Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT lần thứ X” nhằm chuyển tải các bài viết phản ánh về kết quả thực hiện phong trào thi đua ngành GTVT trong 5 năm qua, các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong phong trào.

Sau tai nạn, 4/7 thuyền viên trên tàu cá bị mất tích. Tàu SAR 411 nhận nhiệm vụ chỉ huy hiện trường cùng với các tàu trong khu vực tham gia tìm kiếm các nạn nhân. Thách thức lớn nhất trong vụ việc này là lần đầu tiên, công tác tìm kiếm cứu nạn phải triển khai dưới độ sâu hơn 40m.

Sau 2 - 3 ngày liên tục dò tìm, tưởng chừng công cuộc tìm kiếm đi vào ngõ cụt thì một đoạn dây lưới nghi là của con tàu chìm nổi trên mặt nước. “Ngay lập tức, tôi cùng các anh em phân tích và nhận định, có thể 4 thuyền viên kém may mắn kia đang nằm sâu dưới lòng biển cùng con tàu chìm”, thuyền trưởng Dũng nhớ lại.

Bằng kinh nghiệm lâu năm, anh cùng các anh em khác phân tích vị trí căn cứ vào dòng chảy, giúp thợ lặn tìm được chiếc tàu cá bị chìm vào ngày 13/6 qua hai lần thực hiện. Sau đó một ngày, 4 thi thể bị mắc kẹt trong tàu cá đã được đưa lên.

Cùng “chiến tuyến” với thuyền trưởng Dũng, bác sĩ Lê Văn Minh đã nhiều lần chứng kiến sự dũng cảm, kiên cường của vị chỉ huy được mệnh danh “sói biển” này.

“Hồi tháng 9/2017, tàu Ante Topic báo nạn về trung tâm có thuyền viên người Croatia bị vỡ nội tạng. Tàu SAR 411 được điều động ra hỗ trợ, đến nơi, do bất đồng về ngôn ngữ, bác sĩ không thể trao đổi trực tiếp với thuyền trưởng tàu bạn. Với vốn tiếng Anh dày dặn, thuyền trưởng Dũng lập tức vào làm phiên dịch viên, truyền đạt tỉ mỉ kết quả thăm khám. Vụ cứu nạn diễn ra suôn sẻ, được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao về khả năng hỗ trợ người bị nạn trên biển của Việt Nam”, bác sĩ Minh kể lại.

Một vụ việc khác là vụ cứu nạn hồi tháng 6/2019, trung tâm nhận được tin báo nạn khẩn cấp, tàu cá TTH 92062 TS trong lúc khai thác thủy sản tại vị trí cách đảo Bạch Long Vỹ 23 hải lý thì có 2 thuyền viên bị dây lưới vây đánh vào người, một người bị gãy xương đùi, người còn lại bị thương nặng vùng sườn và hông.

Xuất phát từ đảo Bạch Long Vỹ trong thời tiết xấu với những con sóng cấp 4 - 5, song với kinh nghiệm của mình, thuyền trưởng Dũng đã chỉ huy lái tàu gối sóng, chạy hết tốc lực và tiếp cận tàu cá. Kết quả, ca cấp cứu thành công và nếu như tàu cứu nạn đến chậm chỉ 10 phút, tính mạng của một trong hai nạn nhân sẽ rất khó lường.

Làm chỗ dựa để ngư dân vươn khơi, bám biển

Bước sang năm thứ 16 “bén duyên” với ngành cứu hộ cứu nạn, cùng đồng đội cứu thành công hàng trăm người và tài sản cho người đi biển song thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn mang nhiều nỗi trăn trở.

Anh chia sẻ, Việt Nam đã có những con tàu cứu nạn rất tốt song số lượng lại quá ít, khó có thể đáp ứng toàn bộ vùng trách nhiệm hơn 1 triệu km2. “Chúng tôi luôn mong muốn trong tương lai, ngành cứu nạn sẽ được đầu tư thêm những con tàu mới để chất lượng cứu nạn được nâng cao hơn, làm điểm tựa trên biển của ngư dân được vững chắc hơn”, anh nói.

Nói về cuộc sống gia đình anh kể: “Tôi hay tất cả các thuyền viên làm việc trên tàu cứu nạn vẫn có những bữa cơm với vợ con bị bỏ dở, vẫn có những đêm đang ngủ phải bật dậy, tức tốc ra tàu. Những chuyến đi chơi cùng gia đình đều trong khoảng cách hạn chế, để khi có tin báo nạn, tất cả phải có mặt tại tàu trong vòng 30 phút. Tôi may mắn lấy được người vợ tần tảo, vừa lo công việc gia đình, vừa chuyện học hành của con cái nhưng không bao giờ buông lời than trách. Những đứa con tôi dù ít được sự quan tâm của bố như bạn bè đồng trang lứa, song các cháu cũng rất ngoan ngoãn, hiểu chuyện, cùng mẹ làm hậu phương vững chắc để tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Chia sẻ thêm về dự định trong tương lai, vị thuyền trưởng cho biết: “Tàu vẫn là nhà, biển cả là quê hương, tôi sẽ cống hiến hết sức cho ngành cứu nạn đến khi còn có thể. Cứu nạn không chỉ đơn giản là việc cứu người hay trục vớt những thi thể xấu số mà thiêng liêng hơn là chúng tôi đang góp sức mình cùng ngư dân tạo nên hình ảnh Việt Nam, sức mạnh Việt Nam nơi biển cả, cùng nhau gìn giữ và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Trải qua nhiều năm cống hiến trong lĩnh vực cứu nạn hàng hải, thuyền trưởng tàu SAR 411 Nguyễn Mạnh Dũng đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Công nhân lao động xuất sắc tiêu biểu ngành GTVT năm 2017.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.