Xã hội

Chuyện chưa kể về vợ chồng chủ tịch xã cứu trăm người trong lũ

01/01/2021, 15:05

Chủ tịch xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cứu hơn 100 người gặp nạn trong mưa lũ và cưu mang 33 người qua những ngày hoạn nạn.

img

Ông Lê Văn Quyết (đứng ở mũi thuyền) cùng đoàn cán bộ xã đến từng nhà tìm kiếm, đưa người dân đến nơi an toàn

Dù nhiều tháng trôi qua, người dân xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vẫn chia sẻ câu chuyện chủ tịch xã này cứu hơn 100 người gặp nạn trong mưa lũ và cưu mang 33 người qua những ngày hoạn nạn.

Ngâm mình giữa dòng nước lũ cứu dân

Câu chuyện “gây sốt” trên mạng xã hội thôi thúc chúng tôi về xã An Thủy. Hai tháng sau đợt mưa lũ, cuộc sống người dân nơi đây đã ổn định trở lại. Con đường bê tông dẫn vào thôn Phú Thọ đã khô ráo, sạch sẽ nhưng ai tinh ý vẫn nhận thấy những dấu vết của đợt mưa lũ cuối tháng 10/2020 còn sót lại trên các bức tường nhà.

Đồng chí Lê Văn Quyết thường ngày làm công việc quản lý nhà nước về hành chính, là cán bộ sống và làm việc có trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ngoài việc gần gũi, giúp đỡ đồng nghiệp, anh Quyết luôn nhiệt tình hỗ trợ người dân khi gặp hoạn nạn, được người dân địa phương kính trọng, yêu mến.
Ông Trần Đức Tài, Bí thư xã An Thủy


Chỉ vào vệt nước thấm còn in mờ trên tường, chị Đỗ Thị Duyên (38 tuổi) nhớ lại, khi đó 6 thôn của xã An Thủy thì thôn Phú Thọ ngập nặng nhất, có nơi tới gần 4m, chạm nóc nhà. Gần 40 năm sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, chưa năm nào chị thấy nước lũ lên nhanh như vậy.

“Tối 17/10, nước lũ bắt đầu dâng, tôi và chồng chỉ nghĩ chắc như mọi năm thôi, không ngờ nước lũ lên nhanh vào cao đến thế. Đồ đạc trong nhà kê lên bao nhiêu, nước lũ lại dâng lên theo, cho đến khi không thể kê được nữa thì nước đã gần chạm nóc”, chị Duyên nhớ lại.

Cũng vì chủ quan nên khi thấy nước lên gần đến nóc nhà, gia đình chị Duyên mới tá hỏa và cầu cứu khắp nơi. Thế nhưng, bốn bề chỉ có nước và nước, hàng xóm người thì đã chạy lũ từ chiều, người ở lại cũng đang cùng cảnh ngộ với gia đình chị. Trong lúc tính mạng cả gia đình đang nguy cấp, ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy cùng với đoàn cán bộ xã xuất hiện.

Ngặt nỗi, nhà chị Duyên ở lối nhỏ sâu nhất trong thôn, nước chảy rất xiết nên ngay cả thuyền nhỏ cũng không vào được. “Trong lúc cả nhà đang hoang mang, chưa biết làm sao để ra thuyền cứu hộ thì đoàn cán bộ xã bơi vào và cõng cả 4 người nhà tôi ra thuyền rồi chở về nhà ông Quyết”, chị Duyên xúc động nhớ lại.

Hỏi thêm người dân thì được biết, không chỉ gia đình chị Duyên, trong đợt lũ vừa qua, rất nhiều gia đình gặp nguy hiểm khi nước lũ bủa vây được ông Quyết cùng các cán bộ ứng cứu kịp thời. Điển hình như chị Phạm Thị Thanh Huyền (47 tuổi) đang mang thai, lúc nước lũ dâng cao, chị Huyền không kịp chạy nên mắc kẹt, được ông Quyết và đoàn cán bộ xã ứng cứu kịp thời, đưa đến nơi an toàn.

Nhắc lại chuyện cũ, ông Quyết chỉ khiêm tốn: “Vào tình huống cấp bách, không chỉ tôi mà là người khác cũng sẽ hành động như vậy”.

Theo lời ông Quyết, chiều 17/10, ông cùng Đại úy Nguyễn Hùng Cường, Trưởng Công an xã; Đại úy Phạm Văn Tân, Phó trưởng Công an xã; Trung úy Lê Văn Quang, Công an viên và anh Võ Trường An, Bí thư Đoàn Thanh niên trực mưa bão tại trụ sở ủy ban. Trời càng về chiều, nước lũ càng lên nhanh nên anh em ai cũng lo lắng vì khi trời tối sẽ vô cùng nguy hiểm, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Đúng như dự đoán, sau đó điện thoại của anh em reo liên tục, người dân kêu cứu khắp nơi.

“Chúng tôi hội ý nhanh về địa hình của từng khu vực rồi triển khai đi cứu hộ, trong đó ưu tiên những vùng ngập sâu, những gia đình có người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai… Không biết cụ thể nhưng ước chừng từ chiều và đêm 17/10 có khoảng hơn 100 người đã được chúng tôi cứu giúp, đưa đến những nơi an toàn”, ông Quyết nói.

Đưa dân đến nhà mình chăm sóc, không nhận quà cứu trợ

img

Ông Quyết ngụp lặn giữa dòng nước lũ tìm kiếm người dân còn mắc kẹt

Theo chị Đỗ Thị Duyên, khi 4 người trong gia đình chị được đưa về nhà ông Lê Văn Quyết, lúc đó đã có rất nhiều người được sơ tán đến đây. Trong khi ông Quyết cùng cán bộ xã đi ứng cứu các hộ dân khác thì bà Bùi Thị Kim Hương (vợ ông Quyết, hiện là Phó hiệu trưởng Trường mầm non Ngân Thủy) ở nhà chăm sóc cho những người dân tránh lũ. Hàng ngày, bà Hương cùng những người phụ nữ khác lo bữa ăn cho hơn 30 con người đang tá túc tại nhà mình.

“Vì số người tá túc quá lớn, chỉ được mấy ngày là lương thực, thực phẩm dự trữ cạn hết. Không để người dân chịu đói, bà Hương nhờ thuyền hàng xóm đi lên xã Sơn Thủy mua lương thực, thực phẩm về phục vụ cơm nước cho bà con cả tuần liền. Còn ông Quyết, mấy ngày liền đi cứu dân, ăn uống tạm bợ nên xuống sức nhanh, tiều tụy hẳn ra. Các y sĩ ở trạm y tế xã đề nghị chăm sóc nhưng ông Quyết chỉ uống vài viên thuốc rồi tiếp tục đi cứu người”, chị Duyên xúc động.

Người dân xã An Thủy còn cho biết thêm, sau khi lũ rút, các đoàn cứu trợ đến tiếp cận, hỗ trợ bà con và nhiều đoàn có nguyện vọng hỗ trợ gia đình ông Quyết, bởi cũng bị thiệt hại, nhưng vợ chồng ông Quyết dứt khoát từ chối, dành phần hỗ trợ cho những hộ gia đình khác còn khó khăn hơn.

“Vừa qua, được mời tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tại Hà Nội nhưng tôi từ chối. Tôi nghĩ, trong điều kiện quê hương bị thiên tai, mình góp một phần công sức giúp dân thì có là gì, chưa kể đó cũng là trách nhiệm của cán bộ đối với người dân”, ông Quyết chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.