Thế giới giao thông

Chuyện của đội “giải cứu”, hộ tống xe cứu thương kẹt đường ở Indonesia

23/04/2021, 06:37

Tại Thủ đô Jakarta, Indonesia, trong một buổi chiều nườm nượp xe cộ đi lại thường thấy, bỗng đâu tiếng xe cứu thương vang lên dồn dập...

img

Một thành viên đội hộ tống xe cứu thương (trái) đang làm nhiệm vụ

Indonesia, đất nước có vấn nạn tắc nghẽn giao thông thuộc loại kinh khủng nhất thế giới, đã xuất hiện một nhóm tình nguyện viên, sẵn sàng hy sinh thời gian và công sức để làm công việc hỗ trợ điều tiết giao thông, dẫn đường, hộ tống xe cứu thương qua những rừng xe nườm nượp mỗi ngày.

Biến nỗi đau thành hành động

Tại Thủ đô Jakarta, Indonesia, trong một buổi chiều nườm nượp xe cộ đi lại thường thấy, bỗng đâu tiếng xe cứu thương vang lên dồn dập. Ở một góc đường, 3 người lái mô tô mặc áo khoác da, sau khi phát hiện tiếng còi hú, lập tức hành động, đội mũ bảo hiểm và lên xe.

Cả ba nhanh chóng kéo tay ga và bắt kịp tốc độ của chiếc xe cứu thương đang vội vã tới bệnh viện gần nhất.

Ngay khi được các nhân viên cấp cứu thông báo xe đang tới cơ sở cách ly Covid-19 tại ngoại ô phía Nam Jakarta, trong vòng 15 phút với nỗ lực không ngừng nghỉ, 3 tay lái mô tô liên tiếp ra hiệu cho xe hơi, xe máy dạt vào bên đường hoặc dừng di chuyển ở những ngã rẽ, ngã tư lớn.

Một số người tham gia giao thông nghe theo tín hiệu, một số khác thì không. Nhưng nhờ hành động của 3 người này, chiếc xe cứu thương đã đến cơ sở cách ly nhanh chóng.

Đây không phải cảnh tượng hiếm có mà thường thấy trên đường phố Jakarta trong vài năm gần đây. Một nhóm tình nguyện viên mang tên “Đội hộ tống xe cứu thương Indonesia” (IEA) đã được thành lập bao gồm những tay lái mô tô sẵn lòng giúp các phương tiện y tế khẩn cấp vượt rừng xe tại Jakarta hoặc một số thành phố lớn khác của nước này.

Trước khi dịch bệnh bùng nổ, Jakarta thường xuyên đứng top đầu những thành phố tắc nghẽn nhất thế giới. Trong những ngày bình thường, đường phố tại Thủ đô Indonesia tắc tới 95%.

Chưa kể, đây còn là nơi có rất nhiều lái xe thiếu ý thức. Mỗi năm cảnh sát Jakarta ghi nhận gần 500.000 lượt tài xế vi phạm giao thông. Do đó, nhiều xe cứu thương đang cần tới cơ sở y tế gấp đã bị mắc kẹt giữa đường. Thậm chí, có không ít người mất mạng chỉ vì xe cấp cứu không đến bệnh viện kịp thời.

Chứng kiến cảnh tượng đó, anh Sebastian Dwiantoro, 23 tuổi, một điều phối viên khu vực của IEA, đến từ ngoại ô Depok của Jakarta đã rất đau lòng và thắc mắc: Xe cứu thương là xe khẩn cấp sao lại không được hộ tống như xe chở quan chức hay nhân vật VIP. Đây chính là ý nghĩa thành lập nên “Đội hộ tống xe cứu thương Indonesia”.

Gần 2.000 thành viên ở khắp đất nước, được tập huấn sơ cấp cứu

IEA hiện đang có gần 2.000 thành viên với đại diện phủ khắp 80 thành phố và đô thị trên toàn Indonesia, điều mà người sáng lập tổ chức, anh Nova Widyatmoko chưa bao giờ dám tưởng tượng.

Từ vấn nạn trong thực tế, anh Nova Widyatmoko nảy ý tưởng tập hợp một nhóm người tốt bụng sẵn sàng hỗ trợ xe cứu thương để dễ liên lạc với nhau, cùng chung tay giúp đỡ hộ tống những chiếc xe cứu hộ.

Nova Widyatmoko đã đăng ý tưởng của mình lên Facebook, chia sẻ với bạn bè rồi lập nhóm chat qua ứng dụng WhatsApp, đặt tên là “Đội hộ tống xe cứu thương Indonesia”.

Sau đó, bài viết của chàng trai trẻ nhận được rất nhiều lượt chia sẻ. Chỉ trong vài tuần, có 150 người tham gia chương trình dù tất cả đều xác định không được trả lương hay bất cứ hỗ trợ, phúc lợi nào.

Bên ngoài thời gian hỗ trợ, các thành viên trong tổ chức gặp nhau, tự gia cố xe, lắp thêm còi, đèn pha, đèn nháy xanh đỏ và những chiếc hộp nhỏ bên sườn xe chứa dụng cụ sơ cứu. Tất cả dụng cụ, thiết bị này đều do các thành viên tự chi trả.

Hiện nay, tấm lòng nhân ái và sự nhiệt tình của IEA đã thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức nhân đạo lớn như Tổ chức Chữ thập đỏ Indonesia, các Cục phòng cháy chữa cháy, một số cơ quan cứu trợ thảm hoạ, nhân đạo…

“IEA đã phát triển, không chỉ dừng ở nhiệm vụ ban đầu là hộ tống xe cứu thương. Một số thành viên trong IEA đã được tập huấn để sơ cấp cứu nên đôi khi chúng tôi làm việc như những nhân viên phản ứng nhanh. Chúng tôi được đào tạo để phản ứng trong thảm họa nên kể cả ở những khu vực không có tắc đường mà gặp vấn đề, chúng tôi sẵn sàng có mặt”, anh Widyatmoko chia sẻ.

Theo chàng trai này, toàn bộ nội dung đào tạo do chính Tổ chức Chữ thập đỏ Indonesia giúp đỡ.

Vất vả vì đại dịch

Đại dịch bùng nổ, kéo theo nhiều vấn đề y tế khẩn cấp khiến tổ chức tình nguyện này phải làm việc nhiều hơn. Hiện nay, Jakarta ghi nhận hơn 390.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có khoảng 1.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Anh Sebastian Dwiantoro, từng làm bảo vệ khi chưa gia nhập IEA cho biết, thời điểm bận nhất là vào nửa cuối năm 2020 khi chính phủ bắt đầu nới lỏng các lệnh giới nghiêm phòng Covid-19. Một ngày, các anh có thể hộ tống tới 3 xe cứu thương trong khi trước dịch chỉ có 1 xe, thậm chí có những ngày không phải hỗ trợ.

Trong khoảng thời gian đó, có hàng chục bệnh nhân nhiễm Covid-19 và không nhiễm trên khắp Indonesia tử vong vì ngành y tế không có đủ giường chăm sóc đặc biệt. Thậm chí, từng có 1 bệnh nhân từ Depok đã chết ngay trên taxi sau khi ông bị 19 bệnh viện khác nhau từ chối nhận.

Một nhân viên cứu trợ tên Utomo kể lại, có thời điểm, anh mất tới hơn 1 giờ để hộ tống một chiếc xe cứu thương đi khắp viện này tới viện khác để tìm nơi chữa trị cho bệnh nhân chỉ vì các bệnh viện đều thiếu giường.

Nhưng tất cả mỏi mệt đều tan biến khi những tình nguyện viên biết tin bệnh nhân được chữa trị kịp thời và nhận được lời cảm ơn sâu sắc từ gia đình thân nhân.

IEA hình thành vào tháng 3/2017, sau đó thành lập tổ chức chính thống vào tháng 10/2020. Hầu hết các thành viên gạo cội đều đến từ Jakarta và một số khu vực ngoại ô lân cận. Ngoài ra, còn có thêm nhiều người đến từ các thành phố khác cũng quan tâm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.