Đời sống

Chuyện đời chìm nổi của người khổng lồ cao gần 2,2m

25/01/2023, 06:23

Thời trẻ, người đàn ông cao gần 2,2m làm lụng cật lực để phụng dưỡng cha mẹ nuôi. Về già, ông sống lủi thủi trong căn nhà nhỏ, cạnh nhà em gái.

Những bước chân quen…

Mới hơn 7h sáng, ông Nguyễn Văn Y (ngụ ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã đội nón, chống gậy, chậm chạp cuốc bộ, hướng ra chợ Cầu Nhiếm cách đó vài trăm mét. Hỏi đi làm gì, ông đáp tỉnh bơ: “Quen chân, ra chợ thôi”.

Thời trẻ, ông đã cuốc bộ dạo quanh vùng suốt ngày, ai thuê gì làm nấy. Hầu như không ngày nào ông ở nhà. Tiền, đồ ăn người ta cho mỗi ngày được bao nhiêu, ông mang về đưa hết cho mẹ. Giờ, khi đã già yếu, không làm thuê nổi, mẹ cũng không còn, ông vẫn đi. “Quen rồi”, ông nói.

img

Ông Y quen chân nên vẫn đi lang thang mỗi ngày

“Hồi đó, ổng mạnh dữ lắm. Xúc một thuổng đất, ổng quăng xa hơn 10m là bình thường. Mà ổng siêng lắm. Bởi vậy, ai cũng thích mướn ổng. Đào đất, đắp đường, đắp nền nhà… chuyện gì ổng cũng không nề hà”, ông Nguyễn Thống Lĩnh, người em áp út của ông Y kể.

Ông Lĩnh nói rằng, gọi ông Y là anh, chứ thực ra ông và ông Y không cùng dòng máu. Số là cha mẹ ông lấy nhau nhiều năm không có con. Có người mách, bà ra bệnh viện ở Cần Thơ tìm con nuôi. Đó là vào năm 1957. Trong số những đứa trẻ bỏ rơi, thấy ông Y mới 3 ngày tuổi nhưng kháu khỉnh, mặt mũi coi được, thế là bà chọn, làm thủ tục xin nhận.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (con ruột của cha mẹ nuôi ông Y) cho biết: “Sau đó cha tôi tìm gặp mẹ ruột anh Y. Bà nói đi làm công cho một người Philippines rồi sinh ra anh Y, hoàn cảnh khó khăn nên phải bỏ con”.

Lớn lên, ông Y có chiều cao gần 2,2m, thân hình vạm vỡ. Thời thanh niên, ông có thể vác bao lúa lên đến 100kg, xúc mỗi viên đất to bằng vòng bụng, hất vèo xa hơn 10m là bình thường.

Có lần người ta thuê người đắp đất nhưng từ dưới ao phải quăng qua bên kia đường nên ai cũng từ chối. Nghe tin, ông Y nhận làm. Ông cứ đứng dưới mương xắn từng cục đất lớn, ném vèo vèo tới chỗ cần đắp, không cần chuyền vác. Ngày trước, xóm này ai cũng biết ông làm mướn nuôi cả nhà…

Làm mướn phụng dưỡng cha mẹ nuôi

img

Ông Y và bà Phượng, ông Lĩnh

Thần trí ông cũng bình thường như bao thanh niên khác, chỉ có suy nghĩ chậm chạp hơn. Nhưng có điều mà ai cũng phải công nhận, ông rất có hiếu với cha mẹ nuôi.

Dù sau khi xin ông Y về nuôi, mẹ ông sinh ra thêm 8 người con nữa, nhưng ông Y luôn giành phần nuôi mẹ với những người con ruột. Hàng xóm ông Y là ông Huỳnh Văn Thành kể: “Hiếu thảo nhất là ông ấy. Hiền lành, chăm chỉ, chỉ biết đào đất, tát đìa, làm mướn để nuôi cha, mẹ. Ông Y làm không nghỉ ngày nào, làm gấp mấy người khác. Tôi còn nhớ cảnh ông ấy đứng dưới đìa sâu ném cục đất to lên bờ cao mấy mét”.

Đặc biệt, ông Y có đôi tay và đôi chân to gấp nhiều lần người thường. Từ lúc thanh niên đến nay ông phải đi chân trần vì không giày dép nào vừa được. Do thân hình khổng lồ, bàn chân quá khổ, không một đôi dép nào mà ông có thể cho chân vào. Do vậy, nhiều người dân trong vùng hay gọi ông “King Kong”.

Trước đây, thấy con trai đi chân không bị vật nhọn đâm, cắt chảy máu, cha nuôi ông thấy tội nghiệp nên thuê thợ đến nhà cắt lốp máy cày làm dép. Nhưng chỉ mang được vài ngày là hỏng. Vậy là cứ chân trần…

Thời bao cấp, mua vải may quần áo phải xếp hàng, có phiếu. Nhà đông người có đến 10 suất, nhưng hễ cần may áo cho ông Y là 5 người còn lại trong nhà phải nhường.

Nhà nghèo, ông Y cật lực làm từ sáng đến tối mịt, khi về chỉ ăn vội mấy bát cơm rồi đi ngủ lấy sức mai làm tiếp. Thế nên, ông chẳng dám đoái hoài đến cô gái nào. Thời sung sức, 2kg gạo nấu thành cơm, ông Y ăn chỉ một nhoáng là hết sạch. Bởi vậy nên sức khỏe ông gấp 2 - 3 người bình thường cũng không có gì là lạ.

“Hồi đó cứ mỗi lần xay gạo xong, anh vác cái cối xay gần cả trăm kg nhảy qua mương như người thường nhảy qua vũng nước nhỏ. Lúc đó ai nhìn cũng sửng sốt, bởi cái cối đá ấy bình thường cũng phải 2 - 3 người khiêng…”, bà Phượng kể.

Tuổi xế chiều vẫn đơn độc

img

Chiếc tô ăn cơm khổng lồ của ông Y

Cha mẹ đều đã mất, ở cái tuổi 65, ông Y được hỗ trợ cất căn nhà tình thương nhỏ, cạnh nhà bà Phượng. Cho đến nay ông vẫn một mình, không vợ con, sống qua ngày nhờ sự chăm sóc của những người em nuôi.

“Ông Y được nhận khoản trợ cấp 720.000 đồng/tháng của Nhà nước theo nguồn bảo trợ xã hội, cộng thêm các khoản khác cũng được khoảng 1.000.000 đồng/tháng”, ông Nguyễn Thanh Vũ, nguyên Bí thư xã Tân Thới, hiện là Chủ tịch LĐLĐ huyện Phong Điền cho biết.

Mắt giờ đã kém, lưng đã còng, đi phải chống gậy nên ông Y không còn làm được việc nặng như trước. “Lúc còn khỏe nấu 2kg gạo mà ảnh ăn không đủ, còn chè trôi nước phải 50 viên mới đủ sức. Giờ, sức ăn của ảnh còn chừng phân nửa”, bà Phượng chỉ cái tô khổng lồ của ông để trước nhà, nói.

Giờ không đi làm mướn nữa, ông Y quen chân vẫn đi lang thang, ai cho gạo, bánh mì… thì mang về. “Có bữa ảnh đi 21-22h mới về, thậm chí lạc đường”, bà Phượng cho hay.

Bà Phượng có 2 người con gái đi làm, có đồng ra đồng vào, gửi tiền về cho mẹ nên bà san sẻ nuôi anh. Ông Lĩnh cũng ở gần đó, ra vào thăm nom, cho ông Y đỡ tủi cảnh không vợ con lúc tuổi già.

Hơn 10 năm trước, từng có tin đồn ông Y trúng số độc đắc. Thực ra, hôm đó ông có mua 1 tờ vé số. Sau đó người bán vé số dạo nói tờ vé số đó trúng 200.000 đồng, kêu ông đổi. Ông không biết chữ lại khờ nên đổi luôn. Mà thời điểm đó, trong xóm có người trúng số độc đắc, nên người nhà cũng không biết thực hư thế nào.

“Giờ ảnh không còn nhìn thấy gì, té hoài. Mò mẫm rồi đụng tường thường xuyên, đồ đạc trong nhà rơi bể là bình thường”, bà Phượng nói.

Nhận số tiền ít ỏi PV gửi tặng, ông Y lắp bắp nói cám ơn. Rồi ông đội nón, chống gậy, dò dẫm đi ra hướng chợ Cầu Nhiếm. Ông quen đi vậy rồi. Và người dân vùng này cũng đã quen với cảnh người đàn ông to lớn quá khổ, lững thững chống gậy ngày ngày trên đường…

Ngoài ông Y ở Phong Điền, Cần Thơ, ở ấp Ngãi Thuận, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cũng có chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (27 tuổi) cao hơn 2m. Còn ở Cà Mau, có anh Hồ Văn Trung (ngụ xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển), cao hơn 2,5m nhưng đã qua đời vào năm 2019 do bệnh suy thận mãn...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.