Quản lý

Chuyển đổi số ngành GTVT ưu tiên những lĩnh vực nào 5 năm tới?

Chuyển đổi số ngành GTVT giai đoạn 2021-2025 tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển giao thông thông minh, tạo thuận lợi cho người dân...

Xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển giao thông thông minh

Chiều nay (22/10), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị Chuyển đổi số ngành GTVT.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, GTVT là một trong 8 lĩnh vực hàng đầu được Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển chuyển đổi số.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025, chuyển đổi số ngành GTVT tập trung ở 6 nội dung: Xây dựng khung kiến trúc tổng thể giao thông thông minh; Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành; Xây dựng dashboard (bảng điều khiển dữ liệu để quản lý thông tin trực quan) phát triển ngành; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số; Tìm kiếm các giải pháp đối với từng bài toán, vấn để đặt ra cụ thể của ngành GTVT, có thể thông qua các cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ, phần mềm.

img

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, giai đoạn 2021-2025 chuyển đổi số ngành GTVT có thể tập trung vào 6 nội dung, trong đó đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu, giao thông thông minh.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn, công ty công nghệ cam kết đồng hành và sẵn sàng cung cấp các giải pháp công nghệ để hỗ trợ ngành GTVT thực hiện các bài toán về quản lý, chi phí trong quá trình chuyển đổi số.

Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho biết, những năm qua, doanh nghiệp này đã phát triển và khai thác hiệu quả các nền tảng công nghệ như dữ liệu lớn (big data), Internet kết nối vạn vật, thanh toán số, điện toán đám mây... Các nền tảng này sẽ giúp ngành GTVT nhanh chóng triển khai lập các cơ sở dữ liệu quốc gia một cách thông minh, liên thông dữ liệu, phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo Bộ cũng như kết nối với Chính phủ.

Ông Dũng cũng đề xuất các lĩnh vực Viettel có thể tham gia ngay công cuộc chuyển đổi số ngành GTVT. Trong đó, triển khai giải pháp giao thông thông minh (ITS); đồng thời xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh cho cả ngành và các lĩnh vực đường bộ, hàng không, đăng kiểm; Xây dựng 4 cơ sở dữ liệu quốc gia về phương tiện, người lái, kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp. Cùng đó là các giải pháp về an toàn thông tin, văn phòng không giấy tờ.

Ví dụ cơ sở dữ liệu người lái, phương tiện, kết nối hạ tầng và phương tiện vận tải, đồng thời phục vụ các nhiệm vụ khác như: điều khiển giao thông, quản lý đăng kiểm, quản lý vận tải.

“Với năng lực tài chính, Viettel sẵn sàng phối hợp với ngành GTVT triển khai thí điểm các dự án giải pháp công nghệ chuyển đổi số, thiết bị và triển khai trong thực tế. Đồng thời, cung cấp các giải pháp về nguồn vốn như: đầu tư công, PPP, xã hội hóa, cũng như tiếp cận các nguồn tài chính”, ông Dũng nói.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp

Ông Nguyễn Nam Long, Phó TGĐ Tập đoàn VNPT chia sẻ, giao thông là huyết mạch của một đô thị hay một quốc gia, gắn liền với phát triển KT-XH, tác động trực tiếp đến người dân. Vì vậy, chuyển đổi số lĩnh vực GTVT rất quan trọng trong chuyển đổi số chính quyền, kinh tế số và xã hội số.

img

Theo Phó TGĐ Tập đoàn VNPT Nguyễn Nam Long, chuyển đổi số ngành GTVT nên thực hiện đồng bộ phục vụ người dân và công tác điều hành giao thông

Theo ông Long, để Bộ GTVT thực hiện được mục tiêu chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, chuyển đổi số ngành GTVT nên thực hiện đồng bộ việc phục vụ người tham gia giao thông và công tác điều hành giao thông.

Để phục vụ người tham gia giao thông, cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số mua vé tự động, thanh toán online. Cùng đó là hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp. Tự động nhận diện đối tượng để cảnh báo an toàn, an ninh tại các nhà ga, bến đỗ và phương tiện công cộng.

"Đối với việc điều hành giao thông, cần thông minh hơn, tự động hơn thông qua nhiều ứng dụng công nghệ 4.0 như Internet kết nối vạn vật, big data, trí tuệ nhân tạo (AI)... nhằm tập trung giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông", ông Long nói.

Cũng theo ông Long, chuyển đổi số ngành GTVT cần ưu tiên và tạo ra hệ thống thông tin thông minh kết nối với người điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ văn hóa giao thông và hỗ trợ quá trình khai thác điều hành hệ thống giao thông công cộng một cách linh hoạt, chủ động và chống ùn tắc.

Do vậy, cần ưu tiên kết nối liên thông các loại hình vận tải giúp cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng, mua vé trả phí cho tất cả các loại hình phương tiện. Ví dụ, để đi từ điểm A đến điểm B, khách hàng phải đi cả đường bộ, hàng không... thì chỉ cần một vé điện tử duy nhất.

“Cần tập trung khai thác hiệu quả giá trị dữ liệu không chỉ cho riêng ngành GTVT mà còn cho quốc gia và cho các ngành khác. Thông tin về giấy phép lái xe, phương tiện vận tải nếu được kết nối với các ngành khác, như công an kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cho việc điều hành, xử lý thông tin một cách nhanh chóng”, ông Long nêu ví dụ.

Ông Long cũng đề xuất triển khai các bãi xe thông minh, robot, hệ thống ga điện tử, hệ thống định danh, các camera thông minh; các sàn giao dịch vận tải điện tử; thu phí điện tử...

Về công tác điều hành giao thông, có thể triển khai camera AI để nhận diện các vấn đề giao thông như: ùn tắc, sai làn, tai nạn; Hệ thống đèn thông minh; Các trung tâm điều hành thông minh... phù hợp để điều tiết các luồng giao thông tại các cửa khẩu, cái bến đỗ.

Ông Phạm Nam Long, CEO Công ty TNHH Abivin lại đề xuất giải pháp nền tảng quản lý và tối ưu chuỗi cung ứng để giảm chi phí logistics. Theo đó, 4 vấn đề để lập kế hoạch chuỗi cung ứng gồm: Định tuyến theo phương tiện; Chất hàng từ các nhà máy lên xe; Lập lịch để xe vào kho, vào cảng lấy hàng: Giao tác vụ.

“Với giải pháp này sẽ lập được kế hoạch lộ trình của phương tiện chỉ trong vài giây, vài phút và đáp ứng được 40 ràng buộc khác nhau. Để phân phối các đơn hàng cần hơn 50 phương tiện, nhưng với việc tối ưu hóa trong lập lộ trình, có thể chỉ cần đến 40 phương tiện, tiết kiệm được 10 phương tiện. Mỗi phương tiện sẽ biết được chính xác thứ tự đi giao hàng cho mỗi điểm giao, như có cửa hàng phải giao trước 6h00, cửa hàng tạp hóa không nhận hàng buổi trưa”, ông Nam Long nêu ví dụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.