Quản lý

Chuyển đổi số ngành GTVT đang triển khai thế nào?

01/11/2021, 14:00

Bộ GTVT đang triển khai nhiều giải pháp thực hiện chuyển đổi số ngành GTVT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Báo Giao thông trao đổi với ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT xung quanh vấn đề này.

img

Hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) đang được triển khai tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt

Chuyển đổi số là quá trình, không chỉ là đích đến

Người dân và doanh nghiệp đang rất quan tâm đến việc chuyển đổi số trong ngành GTVT. Việc này đang triển khai thế nào, thưa ông?

GTVT đã đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nhiều năm và đạt được một số kết quả rất khả quan. Bước đầu hiện đại hóa theo hướng ứng dụng CNTT toàn diện trong mọi hoạt động của Bộ GTVT, các đơn vị trực thuộc, các Sở GTVT trên phạm vi cả nước.

Chuyển đổi số ngành GTVT kế thừa và phát huy những kết quả này. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT nhiều lần nhấn mạnh, chuyển đổi số là vấn đề thay đổi nhận thức và phương thức quản lý từ truyền thống sang ứng dụng toàn diện công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình, không đơn giản là đích đến.

Vì vậy, việc chuyển đổi số phải tiến hành từ nhận thức đến hành động, thực hiện thường xuyên, liên tục trong tất cả các hoạt động về xây dựng chính sách, quản lý nghiệp vụ, vận hành và phải được triển khai đồng bộ ở quy mô toàn xã hội, từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải và logistics và cả người dân trong quá trình sử dụng các dịch vụ vận tải.

Ví dụ việc xây dựng chính sách trong lĩnh vực cải cách hành chính. Các đơn vị như Cục Đăng kiểm VN, Cục Hàng hải VN đã thay thế toàn bộ hồ sơ giấy bằng dịch vụ hoàn toàn trực tuyến và được pháp lý hóa bằng các thông tư hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm, mang lại sự tiện lợi cũng như tiết kiệm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Hay trong lĩnh vực quản lý đường bộ, Tổng cục Đường bộ VN đã xây dựng quy trình quản lý tuyến cố định, biển hiệu, phù hiệu cho các xe kinh doanh vận tải bằng quy trình ứng dụng công nghệ toàn diện, giám sát hành trình phương tiện xe ô tô vận tải để phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ tự động, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận tải và ATGT.

Đây chính là chuyển đổi số trong công tác quản lý GTVT, không chỉ là số hóa, tin học hóa quy trình quản lý hành chính mà thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý bằng ứng dụng công nghệ.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ công tác quản lý Nhà nước theo định hướng chuyển đổi số một cách thực tế, hiệu quả.

Việc chuyển đổi số sẽ trở thành nhận thức liên tục và hàng ngày trong tất cả các hoạt động của Bộ.

Tháng 12/2020, Bộ GTVT đã ban hành chương trình hành động về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, Bộ GTVT đã triển khai và đạt được kết quả gì?

Chương trình chuyển đối số của Bộ GTVT đã thực hiện theo lộ trình rõ ràng, bước đầu tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng dùng chung, bao gồm: CSDL về kết cấu hạ tầng GTVT, CSDL về người điều khiển phương tiện, CSDL về phương tiện và CSDL về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.

Việc xây dựng CSDL dùng chung sẽ hoàn thành muộn nhất vào quý I/2023, tuy nhiên sẽ theo hướng hoàn thiện đến đâu ứng dụng, phát triển đến đó, không đợi hoàn thành tất cả mới triển khai các nội dung tiếp theo.

Ví dụ: Sau khi hoàn thành CSDL hạ tầng đường bộ, sẽ xây dựng các chương trình nghiệp vụ trên CSDL này cũng như đẩy mạnh cung cấp dữ liệu ra bên ngoài.

Bộ GTVT xây dựng lộ trình chuyển đổi số một cách bền vững, không chạy theo những kết quả nhất thời, nhưng cũng không chậm trễ, tất cả vì sự nghiệp hiện đại hóa ngành, để Việt Nam có một hệ thống GTVT tiên tiến, hiện đại như các nước phát triển.

Huy động nguồn lực, lồng ghép dự án đầu tư kết cấu hạ tầng

Bộ GTVT sẽ tập trung triển khai những nội dung cụ thể gì trong giai đoạn 2021 - 2025 để khả thi, đạt được kết quả chắc chắn, thưa ông?

Giai đoạn 2021 - 2025 rất quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của ngành GTVT. Do đó, trong giai đoạn này, ngành GTVT sẽ tập trung vào các nội dung chính trong phát triển chính phủ số và kinh tế số.

Cụ thể, về phát triển chính phủ số, sẽ tập trung hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT.

Trong đó, có CSDL nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GTVT tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Bên cạnh đó, ngành GTVT sẽ tự động hóa hoàn toàn các công tác liên quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải nhờ các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin.

Tất cả các kế hoạch quản lý bảo trì, duy tu các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được kiểm tra số liệu, xử lý trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Liên quan phát triển kinh tế số, chúng tôi tập trung triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS) trên các tuyến đường bộ cao tốc; Hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu.

Cùng đó, chúng tôi triển khai đồng bộ hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt.

Chuyển đổi số thành công các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực GTVT để thay đổi phương thức cung cấp sản phẩm dịch vụ từ truyền thống sang phương thức số.

Tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi doanh nghiệp của Việt Nam.

Các mục tiêu này đều có kế hoạch thực hiện và phải đảm bảo tính khả thi cao, tính hiệu quả phải đặt lên hàng đầu để quản lý và cung cấp dịch vụ vận tải, logistics càng ngày càng thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Như ông vừa nói, chuyển đổi số là quá trình, cần đầu tư lớn, lâu dài. Vậy, nguồn vốn sẽ được huy động thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng trước tiên vẫn phải liên tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các cán bộ trong ngành và toàn xã hội; Chú trọng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho lãnh đạo các đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị.

Về nguồn lực, cần huy động nguồn lực toàn xã hội trong việc chuyển đối số ngành GTVT, khuyến khích đầu tư vào các mô hình kinh doanh vận tải mới theo hướng ứng dụng công nghệ; Thay đổi mạnh mẽ phương thức quản lý truyền thống sang ứng dụng công nghệ toàn diện. Nhất là coi đầu tư vào chuyển đổi số là thành phần quan trọng, không thể thiếu song hành với đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông.

Có thể nói, giá trị của dữ liệu của ngành giao thông phải được coi như tài sản có giá trị ngang bằng, thậm chí hơn giá trị của các công trình giao thông.

Từ đó, làm nền tảng vững chắc cho việc phát triển các ứng dụng CNTT hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu về GTVT cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Hơn nữa, giải pháp về kinh phí để đầu tư và duy trì hệ thống CNTT phục vụ cho quá trình chuyển đổi số cũng cần được các đơn vị quan tâm, nhưng kinh phí đầu tư phải được lồng ghép vào tất cả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông và hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước.

Hiện, có nhiều doanh nghiệp lĩnh vực CNTT và logistics đề xuất cung cấp các giải pháp, hợp tác ở các nội dung cụ thể như xây dựng CSDL ngành, hệ thống đèn thông minh, triển khai camera AI để nhận diện các vấn đề giao thông như ùn tắc, tai nạn... kể cả bỏ vốn đầu tư thực hiện thí điểm. Quan điểm của ông thế nào về đề xuất này?

Kinh phí chuyển đổi số của ngành GTVT không chỉ từ nguồn ngân sách Nhà nước mà phải bao gồm các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, người dân với các dịch vụ GTVT, từ đó mới có thể thực hiện được các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số ngành GTVT.

Vì thế, Bộ GTVT luôn hoan nghênh các doanh nghiệp đề xuất các giải pháp hợp tác trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ lĩnh vực GTVT.

Tuy nhiên, cần căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu quản lý Nhà nước của ngành cũng như mỗi đề xuất, dự án cụ thể, để đánh giá, xem xét quyết định trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật.

Cảm ơn ông!

Ngày 22/10/2021, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì Hội nghị Chuyển đổi số ngành GTVT.

Phát biểu tại Hội nghị, nhất trí với những đề xuất, giải pháp do Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ xây dựng các đề án về ứng dụng CNTT nhằm thích ứng với cuộc CMCN 4.0 thông qua số lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công.

Đồng thời, Bộ cũng đã xây dựng được những cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung phục vụ công tác quản lý Nhà nước của ngành.

Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng CNTT của ngành GTVT vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng một số yêu cầu của ngành cũng như của xã hội.

Bộ trưởng tin tưởng, sự hợp tác giữa Bộ GTVT, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tạo ra cuộc cách mạng mới trong khai thác hiệu quả hạ tầng ngành giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.