Chất lượng sống

Chuyện đời võ sư 12 vợ thách đấu sư phụ võ sư Pierre Flores

31/03/2018, 13:05

Những câu chuyện về lão võ sư Phi Long, tên thật Trần Quốc Long, ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang...

15

Võ sư Phi Long vẫn tiếp tục luyện võ để thách đấu đối thủ

Đánh đâu thắng đó

“Độc cô cầu bại” Phi Long là con nhà nòi dòng võ nức tiếng ở Bình Định. Ông được cha và người bác truyền dạy võ nghệ từ nhỏ. Đam mê và bộc lộ rõ khả năng rất sớm, cha ông còn bỏ tiền để mướn rất nhiều thầy giỏi về nhà. Thời niên thiếu, ông được các võ sư nổi tiếng đương thời như: Nguyễn Thái Sơn ở huyện Hoài Ân, võ sư Trịnh Thiếu Anh ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) về tận nhà dạy võ. Chưa thỏa, chàng trai mê võ Trần Quốc Long còn tự tìm những thầy võ nổi tiếng khác để bái sư, sau đó bắt đầu sự nghiệp thượng đài.

Võ nghiệp của võ sư Phi Long bắt nguồn từ võ đường của võ sư Lý Xuân Tạo ở TX An Nhơn. Liên tục đánh thắng, ông Long được võ sư Tạo trả công cho mỗi trận đấu rất cao, từ 70.000 - 75.000 đồng/trận (thời điểm này, chiếc Honda 67 chỉ có giá khoảng 37.000 đồng).

Năm 1966, võ sư Phi Long đã  đoạt chức vô địch võ thuật với chiến thắng tưng bừng trước các đối thủ đáng gờm. Năm 1968, ông tiếp tục giành được chức vô địch tại giải võ thuật toàn Đông Dương mở rộng, nơi có sự tham gia của các võ sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Năm 1968, võ sư Phi Long có trận đấu đáng nhớ đầu tiên trong đời, khi thượng đài với võ sĩ Trần Lâm tại võ đài Cam Phúc (TX Cam Ranh, Khánh Hòa). Trong trận đấu này, bạn bè của Trần Lâm là lính chế độ Sài Gòn, mang cả súng và lựu đạn đi “cổ vũ”. Biết vậy, nhưng tinh thần ông Long không lung lạc, mới bước sang hiệp 2, ông đã đánh nốc ao Trần Lâm bằng một đòn quyền. Khi ông Long vừa bước xuống sàn đài, lập tức bị bạn của võ sĩ đối thủ truy sát. 4 quả lựu đạn được ném ra, ông Long may mắn chạy thoát nhưng rất nhiều người đi xem võ đài hôm đó bị thương vong.

“Tôi thượng đài tổng cộng 87 trận mà chưa hề thua trận nào”, lão võ sư kể.

Thách đấu với thày dạy của Flores

Trò chuyện với phóng viên, võ sư Phi Long kể: "Gần đây, võ sư Pierre Flores đã làm dậy sóng giới võ thuật trong nước khi 2 lần sang VN thách đấu để học hỏi. Ông này là học trò của võ sư Nam Anh. Võ sư Nam Anh là người tôi từng biết đến trước năm 1975. Khi đó, tôi có tỉ thí mấy trận tại võ đài Tinh Hoa ở Sài Gòn, khi đó võ sư Nam Anh đều đến xem".

“Khi Pierre Flores về Việt Nam đấu với hai võ sư Đoàn Bảo Châu, Trần Lê Hoài Linh và toàn thắng cả hai trận, sau đó tiếp tục thách đấu với võ sư trưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt với lời lẽ khiếm nhã. Tôi thấy “ngứa nghề” và đã gửi đơn đến Liên đoàn Võ cổ truyền tỉnh Bình Định cùng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam thách đấu với võ sư Nam Anh. Nếu võ sư Nam Anh nhận lời, trận đấu của chúng tôi sẽ được diễn ra tại Liên hoan Võ cổ truyền quốc tế lần thứ VII diễn ra tại Bình Định tới đây”, võ sư Phi Long cho hay.

Mặc dù năm nay đã 74 tuổi, nhưng võ sư Phi Long tỏ ra rất sung sức. Khi được hỏi liệu còn đủ sức cho trận đấu này, ông cười: “Võ sư Nam Anh hiện cũng đã 71 tuổi, chỉ kém tôi 3 tuổi. Trước khi gửi đơn thách đấu võ sư Nam Anh tôi đã đi kiểm tra sức khỏe, ổn cả. Thị lực của tôi tuy có giảm sút nhưng vẫn còn quan sát tốt. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định hứa là nếu võ sư Nam Anh nhận lời thách đấu, Sở sẽ tài trợ kinh phí để tôi luyện tập chuẩn bị cho trận đấu”.

12 đời vợ vẫn cô đơn

Giai thoại về quá trình chinh phục phụ nữ của võ sư Phi Long dài vô kể, danh sách chính thức thì ông có 12 đời vợ và 6 người con (3 trai và 3 gái), người tình tứ phương thì nhiều vô kể. Người vợ cuối cùng của võ sư Phi Long là bà Trần Thị, sau khi lên đèo An Khê ở với ông thì năm 2009, bà về lại quê, đây cũng là mốc thời gian ông Long lại trở thành người cô đơn.

Cuộc đời võ nghiệp đã đưa võ sư Phi Long rày đây mai đó để đấu đài và dạy võ. Mỗi nơi chàng võ sĩ tài hoa lưu lại đều có bóng dáng một phụ nữ yêu võ thuật, mê đắm chàng võ sĩ có gương mặt điển trai, sở hữu những đòn quyền sát thủ.

Ông Long chia sẻ: “Người ta nói “gái ham tài, trai ham sắc”, quả không sai chút nào. Tôi nổi danh trên sàn đấu, cao lớn nhưng lại trắng trẻo thư sinh nên nhiều phụ nữ mê. Người đàn ông nào thấy gái đẹp không mê, tôi cũng muốn xây dựng một gia đình yên ấm, hạnh phúc với cô gái xinh đẹp như mọi người. Nhưng vì tôi quá đam mê võ thuật, lơ là chuyện vợ con nên họ dần xa tôi”.

“Cũng bởi cái tội mê võ, cứ bôn ba đó đây nên tôi không trụ được với người vợ nào. Ai đời ở với vợ mà cứ nghĩ đến quyền đến cước, mải mê tập luyện, bỏ bê mấy bả nên làm sao mấy bả không buồn cho được”, võ sư Phi Long bộc bạch.

Nhấp một ngụm trà, đôi mắt xa xăm, ông tâm sự: “Sống một mình ở thời điểm cuối đời, tôi thấy cô đơn và tiếc nuối ký ức đã qua. Những lúc trái gió trở trời, nằm một mình trên đèo rất tủi thân. Tôi đâu có nấu ăn, toàn ăn quán suốt mấy năm nay. Có một số phụ nữ thích tôi rồi muốn tôi đến sống với họ nhưng tôi từ chối. Tôi muốn sống ở đây, vì còn phải thực hiện nhiều ý định về võ thuật còn dang dở”.

Năm 1980, Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Bình Định đã từng mời ông về làm huấn luyện viên đội tuyển võ thuật cổ truyền của tỉnh (bộ môn đối kháng), phụ trách huấn luyện võ thuật ở Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn). Năm 1999, ông Long dựng nhà ở đèo An Khê trên QL19, điểm nằm giữa hai tỉnh Bình Định và Gia Lai để quy ẩn, chăm sóc cây cảnh, nghiên cứu võ thuật...

Từ đó đến nay, ông sống ở căn nhà nhỏ trên đèo An Khê cách xa khu dân cư, ít người ở. Ngày ngày, ông dạy học viên luyện võ, chăm sóc cây cảnh và chuyên tâm nghiên cứu võ thuật.

Theo ông Trương Đông Hải, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Phi Long là một trong những người am hiểu võ thuật nhất nhì ở Bình Định. Ông có rất nhiều kinh nghiệm rút ra được từ những trận đã thi đấu, cũng như có số trận thắng lớn nhất trong số các võ sĩ đương thời.

Hiện nay, Sở đã có văn bản báo cáo việc ông Long có lời thách đấu với võ sư Nam Anh lên UBND tỉnh Bình Định. Sở cũng hứa sẽ tài trợ kinh phí để ông Long luyện tập chuẩn bị cho trận đấu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.