Hàng hải

Chuyện đón Tết trên tàu viễn dương

24/01/2023, 11:41

Quanh năm lênh đênh trên biển, nhiều thủy thủ đón Tết trên tàu. Ở đó, họ có khoảnh khắc chạnh lòng vì nhớ nhà, nhưng cũng rất tự hào với nghề.

Gói bánh chưng bằng lá chuối

Tết Quý Mão 2023, sau rất nhiều năm, anh Đỗ Trọng Chính (Sỹ quan điện - Công ty CP Vận tải biển VN mới được đón Tết bên cạnh gia đình. Mấy ngày Tết, anh đều dành thời gian đi chúc Tết họ hàng, người thân.

Làm nghề đi biển, anh Chính có nhiều năm đón Tết trên tàu và thấu hiểu hơn bao giờ hết giá trị của gia đình và trân quý những khoảnh khắc bên người thân trong những dịp đặc biệt.

img

Anh Đỗ Trọng Chính (áo phông màu ghi) cùng các thuyền viên trên tàu gói bánh chưng ngày Tết

Tuy nhiên, nhắc đến những cái Tết trên tàu, anh Chính vẫn không thôi mỉm cười. Anh bảo, Tết trên tàu có những kỷ niệm và những cảm xúc đặc biệt riêng mà chỉ người thuyên viên mới có. Ở đó, có khoảnh khắc bồn chồn vì nhớ nhà, có sự háo hức với một ngày đặc biệt, lại có niềm vui khi ở bên cạnh các anh em chiến hữu.

Theo lời vị sỹ quan, thông thường khoảng nửa tháng trước Tết Nguyên đán, thuyền viên thường phải tranh thủ mua đồ Tết khi tàu cập các cảng ở quốc gia Đông Nam Á, từ nem, chả, đậu xanh, gạo nếp... tới các món đồ trang trí. Bởi có thể vào đúng thời điểm Tết, tàu lênh đênh trên biển sẽ không có đồ để tổ chức đón Tết.

Dù vậy, không phải lúc nào cũng tiện để các thủy thủ sắm được đủ đầy.

“Chúng tôi thường phải gói bánh chưng bằng lá chuối vì ở nước ngoài không có lá dong”, anh chia sẻ và cho biết trên tàu cũng tổ chức trang hoàng tàu, có hoa quả, bánh kẹo và các món ăn đặc trưng của Tết truyền thống.

Anh Chính nhớ mãi lần đầu đón Tết trên tàu là năm 2007, khi tàu của anh đang cập cảng Cigadinh (Indonesia). Năm đó, anh đã được theo các anh, các chú trên tàu đi sắm đồ Tết. Do xác định người dân Indonesia chủ yếu theo đạo Hồi, không ăn thịt lợn nên các thuyền viên phải mua thịt lợn từ lúc tàu ghé cảng ở Thái Lan.

Năm đó, anh được cùng thuyền viên quây quần tại câu lạc bộ trên tàu, cùng nhau nấu nướng, ăn uống, được Thuyền trưởng và Máy trưởng xuống chúc Tết và lì xì đầu năm.

img

Với những người thuyền viên, đón Tết trên tàu có nhiều kỷ niệm vui, nhưng được đón Tết tại nhà là niềm may mắn

“Được đón Tết ở cảng và trên bờ là hạnh phúc nhất vì còn có sóng điện thoại để liên lạc, gọi điện về nhà chúc Tết. Có năm Tết đến, tàu lênh đênh trên biển và còn không có sóng điện thoại. Anh em phải xếp hàng, chờ từng người gọi điện về nhà qua sóng radio”, anh nhớ lại.

Còn với anh Nguyễn Trung Thành (Thuyền trưởng - Công ty CP Vận tải biển và Xếp dỡ Hải An), phải may mắn lắm anh mới có dịp về bờ đúng ngày và được ăn Tết cùng gia đình. Các thuyền viên thường ký hợp đồng khoảng 8-10 tháng, nên nếu ký giữa năm sẽ phải qua dịp Tết mới được về nhà.

Anh Thành cho biết trong ngày Tết trên tàu, thuyền viên vẫn làm việc bình thường để bảo đảm an toàn hành hải. Thuyền viên vẫn phải duy trì đều đặn 3 ca trực/ngày. Trong đêm giao thừa, những ai không có ca trực sẽ quây quần để đón Tết.

“Với các tàu chạy nội địa không vấn đề, nhưng tàu chạy viễn dương đôi khi bị lệch múi giờ. Nhưng anh em vẫn đón khoảnh khắc đầu năm theo đúng giờ Việt Nam để giữ khoảnh khắc thiêng liêng”, anh Thành thổ lộ.

Trong ký ức của người thuyền trưởng, cái Tết đầu tiên trên tàu để lại dư vị nhiều nhất. Đó là năm 2003, anh Thành lần đầu xuống tàu thực tập. Đúng sáng 30 Tết, anh xách balo lên đường xuống tàu đi tuyến Hải Phòng - Quy Nhơn.

“Bố là người đã chở tôi ra tận cầu tàu. Mới ra trường nên tôi rất háo hức, bởi được đi tàu lúc đó là niềm may mắn. Cái Tết đầu tiên trên tàu nhiều niềm vui với các anh, các chú”, anh Thành nhớ lại.

Đối với những người thuyền viên, tàu là nhà nên việc đón Tết trên tàu cũng đầy đủ như ở nhà. Thế nhưng, thứ thiếu thốn nhất với họ chính là tình cảm gia đình. Tất cả đều không tránh khỏi những lúc thấy chạnh lòng vì nỗi nhớ nhà.

Vào những giờ phút thiêng liêng đất trời chuyển sang năm mới, họ chỉ có thể gọi điện, nhắn tin về nhà để chúc mừng năm mới gia đình, nghe tiếng vợ con, bố mẹ rộn ràng ở nhà. Thậm chí, anh Chính tiết lộ ngay năm đầu tiên kết hôn, anh đã phải xuống tàu đi biền biệt 14 tháng và không được đón 2 cái Tết bên vợ mới cưới.

“Bố vợ cũng là một cựu thuyền viên nên tôi may mắn vì có bà xã thấu hiểu và thông cảm được cho công việc của chồng. Làm nghề này, hai vợ chồng phải biết chia sẻ với nhau, gia đình mới êm ấm”, anh Chính bộc bạch.

img

Trên các tàu biển dịp Tết cũng được trang hoàng mang đậm không khí xuân

Không nghỉ Tết, cứu người là sứ mạng

Tết Nguyên đán năm 2020 là cái Tết đặc biệt mà anh Trần Quang Thanh (Thuyền trưởng tàu SAR 412 - Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II) vẫn nhớ như in. 13h ngày mùng 1 Tết, anh cùng anh em đang trực Tết trên tàu thì có báo động cứu nạn. Cả tàu lập tức lên đường đi làm nhiệm vụ.

Hôm đó, tàu thực hiện nhiệm vụ cứu nạn một thuyền viên Thái Lan bị tai biến ở phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sau 12 tiếng lênh đênh sóng to gió lớn, tàu SAR 412 cuối cùng cũng tiếp cận được tàu có thuyền viên bị nạn. Sau khi đưa người bị nạn lên tàu và lực lượng y tế thực hiện các phương án sơ cứu, tàu nhanh chóng hành trình trở về đất liền để đưa người bị nạn vào nhập viện. Trưa mùng 2 Tết, tàu mới cập bờ.

Đối với anh Thanh, đó là lần hiếm hoi trong 22 năm làm nghề cứu nạn của anh phải đi cứu nạn đúng ngày Tết Nguyên đán. Thuyền viên Thái Lan sau đó đã được điều trị kịp thời và phục hồi sức khỏe.

“Làm nhiệm vụ cứu nạn đúng những ngày đó khiến tôi thêm tự hào về nghề của mình. Ngày Tết, anh em không được ở bên gia đình nhưng cứu nạn thành công, giúp đỡ được người khác, ai cũng vui cả. Điều đó cũng khiến mọi người thêm trân trọng công việc ý nghĩa của mình, thầm lặng cống hiến bất kể ngày lễ, Tết”, vị thuyền trưởng tâm sự.

2023, lại thêm một năm nữa anh Thanh đón Tết trên tàu. Thuyền trưởng tàu SAR 412 thừa nhận, công việc của mình cùng các thuyền viên của tàu cứu nạn không biết đến nghỉ lễ. Họ luôn phải túc trực 24/7, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất cứ thời điểm nào, cả ban ngày lẫn ban đêm khi có báo động.

Ngày Tết cũng không ngoại lệ. Theo anh Thanh, trước ngày 30 Tết, nhưng anh em nhà gần có thể tranh thủ tạt té về nhà thăm gia đình, chuẩn bị sắm sửa Tết nhưng tuyệt đối không được đi xa. Trường hợp có báo động, chỉ trong vòng 10 phút, tất cả phải có mặt tại cầu tàu để xuất phát.

Đã thành thông lệ, các thuyền viên dù có bận việc gì thì đúng 21h ngày 30 Tết phải có mặt tại tàu để cùng nhau đón giao thừa trên tàu. Trước đó, tất cả đã cùng nhau trang hoàng, dọn dẹp tàu sạch sẽ và trang trí bằng chậu mai, quất...

Quá quen với việc đón Tết trên tàu nhưng anh Thanh vẫn có nhiều đau đáu. Anh thương bà xã phải gánh gồng việc nhà một mình. Những dịp lễ, Tết đặc biệt cũng không có chồng bên cạnh. Làm nghề cứu người, các thuyền viên tàu cứu nạn phải hy sinh nhiều điều. Thậm chí có lần mẹ mất, ngay ngày hôm sau anh Thanh đã phải lên đường làm nhiệm vụ cứu nạn khi còn chưa kịp tiễn mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

“Đôi khi, tôi muốn cùng gia đình đi chơi quanh Đà Nẵng nhưng cũng không được vì lỡ có báo động sẽ về không kịp. Ngày Tết, anh em ở gần có thể về nhà nhưng cũng không đi đâu được. Mọi người chia nhau về vài tiếng rồi quay lại tàu”, người thuyền trưởng thổ lộ và nói thêm ở cương vị của mình, anh cũng luôn phải động viên tinh thần cho các thuyền viên trên tàu.

Bởi anh biết dịp Tết, ai cũng nôn nóng và điều đó dễ gây mất tập trung cho công việc. Do đó, những người thuyền viên sẽ luôn tâm sự, chia sẻ để vơi bớt tâm tư, tiếp tục tập trung và cống hiến cho sứ mạng cứu nạn của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.