70 năm truyền thống ngành GTVT

Chuyện ghi ở ga lẻ

06/12/2014, 13:17

Ở nhiều ga lẻ vùng sâu, vùng xa thuộc miền Trung, cuộc sống của những cán bộ, công nhân viên đường sắt còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn bám trụ để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu qua.

Anh Hùng, nhân viên gác chắn ga Lệ Sơn tác nghiệp đón tàu thông qua
Anh Hùng, nhân viên gác chắn ga Lệ Sơn tác nghiệp đón tàu thông qua

Đi tàu chợ về ga lẻ

Ga lẻ, nói cho dễ hiểu là những ga tác nghiệp tránh tàu là chính, còn việc đón tiễn khách không nhiều, thậm chí chẳng có khách. Trong hệ thống các ga đường sắt, chỉ những ga ở các thành phố, thị trấn, thị tứ, tàu Thống Nhất mới dừng lại để đón tiễn khách. Còn lại hành khách muốn đến ga lẻ chỉ còn cách đi tàu địa phương, người dân quen gọi là tàu chợ. Loại tàu này thường có ít toa, chỉ khoảng 7 toa có tuổi đời mấy chục năm. Do chỉ chạy cự ly ngắn nên tàu chợ chỉ có ghế ngồi cứng, không có điều hòa. Cửa sổ bịt lưới mắt cáo cũ kỹ. Mùa Đông hoặc mùa Thu đi tàu chợ còn đỡ nhưng mùa hè ngồi tàu chợ thì nóng lắm. Cả toa chỉ có mấy cái quạt treo trên trần nên không đủ để giải nhiệt.

Tuần trước, tôi có dịp đi tàu chợ đến các ga lẻ vùng sâu, vùng xa ở Quảng Bình. Từ Hà Nội đi tàu vào Vinh hoặc Đồng Hới, sau đó nhảy tàu chợ đến các ga lẻ dọc tuyến đường sắt Thống Nhất qua khu đoạn Vinh - Đồng Hới. Trong khu đoạn này, có rất nhiều ga lẻ tránh tàu, nhưng vất vả và heo hút nhất có lẽ phải kể đến những ga lẻ ở Quảng Bình, gồm các ga: Ngân Sơn, Lệ Sơn, Lạc Sơn, Đồng Chuối... Mỗi ga cách nhau chỉ dăm bảy cây số, hoặc chục cây số là nhiều. Thế nhưng, do ở giữa miền rừng núi nên chuyện đi lại giữa các ga vất vả lắm, thường phải đi vòng theo đường bộ cả mấy chục cây số mới tới nơi. 

Cuối năm ngoái, tôi đã đến ga Đồng Chuối nằm lưng chừng đèo Khe Nét. Đây là một trong những điểm cao của đường sắt Thống Nhất. Qua ga Đồng Chuối là đến các ga: Lạc Sơn, Lệ Sơn, Minh Lệ, Ngân Sơn cũng heo hút không kém. Việc đi lại của cán bộ và công nhân ở ga khó khăn lắm. Thế nên, khi nghe tôi nói muốn về ga Lệ Sơn, anh Long trưởng ga Lạc Sơn vội giục tôi đi ngay kẻo tối, đường đi khó khăn. Khoảng cách từ ga Lạc Sơn đến Lệ Sơn chưa đầy chục cây số theo đường sắt, nhưng muốn đến được phải đi vòng đường bộ qua hai cây cầu bắc ngang sông Gianh, dài hơn hai chục cây số mới tới. 

Đêm Lệ Sơn

Mỗi ngày đêm, các cán bộ, công nhân viên tại ga phải túc trực đón gần 30 chuyến tàu khách và hàng qua lại nên áp lực công việc ghê gớm. Anh Trần Văn Thơ - Trực ban ga Lệ Sơn (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) tâm sự: “Ở ga này toàn cán bộ và công nhân trẻ, quê ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình vào đóng chốt. Tàu qua lại nhiều nên anh em lúc nào cũng căng mình đón tàu, chỉ sơ sảy một chút là mất an toàn chạy tàu ngay”.

Đêm đấy tôi ngồi trong phòng trực mà điện thoại trực ban đổ chuông liên hồi báo đón tiễn tàu. Hai đường tránh gần như sử dụng hết công suất. Cứ một lúc lại có một đoàn tàu hàng được lệnh vào đường tránh để tàu khách Thống Nhất được ưu tiên thông qua. Hai nhân viên gác ghi đầu Bắc và Nam cũng liên tục phải đi từ phòng trực ra chòi gác cách nhau gần 500 m.   

Ga Lệ Sơn có ba đường tránh tàu, mỗi đường dài khoảng 400 m, có thể đón tiễn được, thông qua được ba đoàn tàu cùng lúc. Mỗi ban trực có ba nhân viên gồm trực ban và hai gác ghi đầu Bắc và Nam. Để đề phòng sự cố phát sinh, mỗi ban còn phải thêm một nhân sự trực hỗ trợ.

Thấy lạ, tôi hỏi tại sao không trực ở chòi gác luôn, có vấn đề gì thì gọi điện thoại vào phòng trực. Anh Nguyễn Văn Hùng, phụ trách chòi gác đầu Bắc cho biết, trước kia chòi gác được bố trí giường để anh em có thể nghỉ ngơi luôn tại chỗ, đỡ phải đi lại vất vả. Nhưng sau có quy định mới, tất cả giường phải bỏ đi. Nhân viên gác ghi mỗi lần tác nghiệp đón tiễn tàu phải đi từ phòng trực ban ra chòi gác. Tác nghiệp xong lại đi bộ về. Việc này để tránh nhân viên gác ghi ngủ quên, không làm đúng thao tác gây mất an toàn chạy tàu.

Chuyện đi bộ trong phạm vi khu ga từ phòng trực ra chòi gác tưởng như đơn giản, cứ đi trên đường ke là xong. Nhưng thực ra có đi mới biết, đi bộ giữa đêm tối núi rừng mịt mùng, sương vây chặt lấy người mới thấy vất vả thế nào. Trung bình một đêm, tại ga này đón tiễn 17 đoàn tàu, đồng nghĩa với việc nhân viên gác ghi phải đi bộ 17 vòng từ phòng trực ra chòi gác gần 500 m. Những đêm mưa rét, cái lạnh vùng rừng núi, bóng tối vây chặt mới thấy hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của người gác ghi.

Anh Đặng Quốc Tuấn, nhân viên phụ trách chòi gác đầu Nam tâm sự, ngày mới được cử vào chốt ở Lệ Sơn, đêm ra gác chòi Nam cứ có cảm giác rờn rợn, bởi ngay sát chòi là bãi tha ma. Hồi ấy có mỏ đá bên kia sông Gianh làm việc cả đêm, âm thanh của máy khoan, của ô tô chở đá va vào núi cứ u... u...u... như tiếng người khóc nên sợ lắm. Mỗi lần tác nghiệp xong đi bộ về phòng trực phải dùng hai đèn pin soi cả phía trước và sau trên đường ke cho đỡ sợ. 

“Giờ quen rồi, chẳng có gì dọa được mình nữa”, Tuấn nói.

Những vị khách hiếm hoi

Khó khăn chung của những ga lẻ này là nguồn nước sinh hoạt. Dù nằm sát sông Gianh nhưng nguồn nước ăn đều phải lấy từ các khe trên núi dẫn về. “Nguồn nước giếng khoan bị nhiễm vôi nặng lắm không thể ăn được. Chúng tôi phải dùng đến máy lọc nước hiện đại nhưng đun nước vẫn bị cặn”, anh Long trưởng ga Lạc Sơn cho biết. 

Để khắc phục, công nhân của các ga phải làm đường ống dẫn nước từ khe núi về. Hàng đêm sau mỗi phiên trực ban, anh em lại cắt cử nhau canh nước. “Có hôm chờ mãi đến sáng không thấy nước về, đoán là đường ống bị vỡ, nên dù hết phiên trực đã rất mệt nhưng anh em vẫn phải mò lên núi để tìm điểm vỡ và nối lại”, anh Nguyễn Thanh Bảo, nhân viên ga Lệ Sơn tâm sự. Lần xa nhất anh em phải leo bộ khoảng 4 km mới tìm thấy điểm vỡ bị đá đè lên đường ống.

Gần 3h sáng, điện thoại trực ban vẫn liên tục đổ chuông báo đón tiễn tàu. Tôi chìm vào giấc ngủ chập chờn trong tiếng còi tàu hú liên hồi, tiếng bánh ray xịch xịch... Quãng 6h sáng khi trời vừa tảng sáng, mây vờn trên đỉnh núi, sà xuống sân ga lạnh toát, tôi bật dậy chạy ra đường ke ga xem tác nghiệp đón tiễn hai đoàn tàu hàng và một đoàn tàu khách thông qua. Những chuyến tàu đầu tiên trong ngày vào ga cũng là lúc đổi ban trực. Anh em tranh thủ ăn sáng có bánh mướt trộn thịt băm. Họ tranh thủ hỏi han tình hình, trêu đùa nhau vài tiếng rồi lại căng mình gác tàu. Lâu rồi tôi mới lại được ăn sáng giữa núi đồi và mây như thế. 

Ga lẻ là thế đấy. Đón tàu nhiều, nhưng tàu dừng lại chỉ một chuyến ra và một chuyến vào trong ngày nên phải ra ga đúng giờ nếu không muốn nhỡ tàu. Tàu chợ của người nghèo, cũng là phương tiện để tiếp tế và chuyển công văn cho cán bộ, công nhân viên tại các ga lẻ, trạm, cung đường dọc tuyến đường sắt. Thấp thoáng trước cửa phòng đợi trong sân ga có ba vị khách chờ lên tàu chợ để ra Vinh. Tôi sẽ là vị khách thứ tư lên tàu chợ từ ga này. 

Thiện Anh

(Quảng Bình, tháng 12/2014)  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.